Măng cụt Bình Dương mất mùa, nhà vườn không có hàng để bán
Hầu hết các nhà vườn măng cụt ở Bình Dương đều than sản lượng măng cụt giảm nghiêm trọng, thậm chí không có măng cụt để bán.
Bình Dương xưa nay nổi tiếng với đặc sản măng cụt tại Lái Thiêu, mọi người sành ăn đều tìm mua cho bằng được măng cụt Lái Thiêu để về thưởng thức. Tuy nhiên, năm nay nhiều người dân đặt mua măng cụt về ăn hay mang biếu đều rất khó.
Măng cụt mất mùa
Hiện tại đang bắt đầu vào mùa măng cụt nhưng năm nay các nhà vườn tại Bình Dương cho biết măng cụt năm nay mất mùa.
Các chủ nhà vườn đều 'than', năm nay măng cụt mất mùa. Ảnh: LA
Một nhà vườn tại phường Bình Nhâm (TP Thuận An, Bình Dương) cho biết năm nay rất nhiều người đặt măng cụt nhưng vì số lượng măng cụt rất ít nên chưa thể nhận lời đặt hàng.
Năm trước người dân trồng măng cụt phấn khởi vì sản lượng cao được giá, năm nay lại buồn rầu vì mất mùa. Ảnh: PT
“Năm ngoái số tiền thu được sau mùa măng cụt khoảng gần 500 triệu, nhưng năm nay không biết có nổi hơn 10 triệu không” - chủ một nhà vườn buồn bã nói.
Chị Hoàng Thu Hường (phường Hưng Định, TP Thuận An) cho biết nhà có ít cây măng cụt, gia đình không bán mà chỉ để dành ăn và mang biếu người thân. Tuy nhiên, năm nay cây cho trái rất ít, có cây không có trái nào.
Theo ghi nhận, hầu hết các nhà vườn măng cụt tại Bình Dương đều than rằng năm nay măng cụt mất mùa.
Ông Trần Văn Viễn, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp An Sơn (xã An Sơn, TP Thuận An) cho biết diện tích trồng măng cụt chủ yếu tập trung ở các địa phương như: Lái Thiêu, An Sơn, Hưng Định, Bình Nhâm với khoảng 600 ha, chiếm hơn một nửa tổng diện tích vườn cây ăn trái của toàn TP Thuận An.
“Năm nay, sản lượng măng cụt giảm tới khoảng 80%. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp An Sơn có 21 ha trồng măng cụt, mỗi năm thu hoạch khoảng 30 tấn để cung ứng cho thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, năm nay sản lượng giảm mạnh, khiến măng cụt không đủ để cung ứng cho các chợ và hàng quán” - ông Viễn cho biết.
Cũng theo ông Viễn, giá măng cụt chín loại 1 dao động từ 130.000-145.000 đồng/kg. Giá măng cụt xanh còn nguyên vỏ (làm gỏi gà) lên tới 90.000-120.000 đồng/kg. Còn loại xanh đã gọt vỏ sẵn, giá từ 350.000-400.000 đồng/kg. Ở một số nơi, giá măng cụt còn cao hơn nhiều do khan hiếm hàng.
Nguyên nhân mất mùa
Theo một số người dân địa phương, nguyên nhân dẫn đến măng cụt mất mùa có thể là do nắng kéo dài đã ảnh hưởng lớn đến việc đậu trái, khiến nhiều cây bị rụng trái non.
Hầu hết các nhà vườn măng cụt ở Bình Dương đều bị giảm sản lượng nghiêm trọng. Ảnh: TL
Ngoài ra, năm trước Bình Dương có “hot trend” gỏi gà măng cụt, thời điểm đó, nhiều nhà hàng, quán ăn săn tìm măng cụt xanh để làm gỏi gà, vì lợi nhuận nên các nhà vườn đã bán măng cụt xanh. Đây có thể cũng là nguyên nhân dẫn đến việc măng cụt bị mất mùa.
Chính vì điều này, nhiều nhà vườn măng cụt có kinh nghiệm, quyết tâm không bán măng cụt xanh để duy trì sản lượng măng cụt cho những vụ sau.
Mọi năm, vào thời điểm này, dọc các tuyến đường tại TP Thuận An đã có rất nhiều người dân bày măng cụt ra bán, nhưng năm nay rất ít măng cụt được bày ra bán.
Măng cụt ở Lái Thiêu (Bình Dương) nổi tiếng vì vị ngon đặc biệt hơn những vùng khác. Ảnh: TL
Theo một nhà vườn lâu năm tại Bình Dương, do măng cụt Lái Thiêu nổi tiếng với vị thơm ngon hơn những vùng khác nên giá cao hơn. Chính vì vậy, một số người kinh doanh đã “tráo hàng” mang măng cụt nơi khác đến khu vực TP Thuận An bày bán và nói là măng cụt Lái Thiêu.
Không ít người dân khu vực khác đến đây nhầm tưởng, nên đã mua về làm quà. Nhưng những người sành ăn thì chỉ cần thử là biết có phải măng cụt vùng Lái Thiêu hay không.
Theo nhận định của một số người dân, do măng cụt ở Bình Dương mất mùa nên giá măng cụt năm nay có thể sẽ tăng cao.
Nguồn: [Link nguồn]
Cứ vào khoảng tháng 2 âm lịch, bún sông lại xuất hiện dưới đáy sông Cu Đê (Đà Nẵng), người dân đi vớt đem về bán với giá hơn 100.000 đồng/kg.