Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ một loại cây mọc hoang dại trên rừng và nắm bắt được nhu cầu của thị trường, ông Nguyễn Thái Hiệp đã đưa cây khoai mài về trồng trên mảnh vườn của gia đình tại xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Mỗi năm loại cây trồng vốn hoang dại này mang lại thu nhập cho gia đình ông hơn 200 triệu đồng.

Đưa cây dại về vườn

Gia đình ông Nguyễn Thái Hiệp (66 tuổi), trú tại thôn 9, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn vốn có cuộc sống khó khăn, con cái đến tuổi ăn học nhưng không có gì để phát triển kinh tế gia đình. Đúng lúc đó, Nhà nước có chủ trương giao đất giao rừng cho người dân chăm sóc và bảo vệ. Sau khi nhận đất rừng, thời điểm đó dó trầm là một loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế rất cao nên ông Hiệp đã lặn lội đến vùng đất Phúc Trạch của huyện Hương Khê để mua cây giống về trồng, rồi trồng cả thông...Tuy nhiên, những loại cây này rơi vào bão hòa nên cũng không mang lại hiệu quả kinh tế.

Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm - 1

Ông Nguyễn Thái Hiệp giới thiệu sản phẩm  củ khoai mài do mình trồng trong vườn. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Sau đó, ông thấy cây khoai mài, loại cây vẫn thường mọc hoang trên rừng được người dân tìm đào và giá trên thị trường khá cao nên ông đã lặn lội vào rừng tìm giống đưa về trồng thử nghiệm trên vườn nương. Khi đưa cây hoang dại này vào trồng, ông thấy loại cây dễ sống, tận dụng được quỹ đất và đặc biệt hầu như không mất công sức chăm sóc mà cũng chẳng tốn phân bón, thuốc sâu. Sau hơn 10 tháng gieo trồng, cây khoai mài đã có sản phẩm để thu hoạch...

Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm - 2

Khoai mài được ông Nguyễn Thái Hiệp trồng dưới tán  rừng cây thông. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Vì là loại cây mọc hoang, khi ra củ mọc cắm sâu xuống đất nên lúc thu hoạch khoai mài rất khó khăn. Do đó, khi đưa vào trồng khoai mài ông đã dùng bao tải sau đó cho đất và phân vào để trồng. Đến khi củ khoai mài phát triển chỉ nằm gọn trong bao tải nên khi thu hoạch vừa nhanh gọn, đỡ tốn sức lực. "Bình thường đi đào khoai mài này trên rừng ấy mà, khổ cực lắm, đào cả nửa buổi mới xong củ khoai mài...", ông Hiệp chia sẻ.

Mỗi năm "đút túi" 200 triệu đồng

Tay vừa thu hoạch khoai mài, ông Hiệp vừa chia sẻ: "Tôi bắt đầu trồng khoai mài từ năm 2013, thời điểm đó con cái học hành, loay hoay tìm đủ mọi cách, thử trồng nhiều loại cây…vậy mà kinh tế gia đình không khá lên được, nợ thì cứ thêm ra. Mà thấy người ta mua củ khoai mài với giá đắt đỏ nên trong đầu tôi suy nghĩ là sẽ trồng loại cây này".

Nghĩ là làm, ông Hiệp vào rừng tìm giống về bắt đầu trồng thử. Sau năm đầu tiên, thấy hiệu quả nên ông mở rộng diện tích. Sau mỗi năm lại rút ra được một chút kinh nghiệm để tăng năng suất cho cây khoai mài. Trung bình mỗi gốc khoai mài đạt từ 2 - 7 kg củ. Hiện nay, gia đình ông Hiệp trồng khoảng 5 sào, chủ yếu là trồng dưới tán rừng thông. Sau khi thấy ông trồng được loại cây khoai mài mang lại hiệu quả kinh tế nhiều người đã đến hỏi kinh nghiệm và mua giống về trồng.

Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm - 3

Người dân các nơi đến mua giống và học kinh nghiệm trồng khai mài của ông Hiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Hiện nay, mỗi kg khoai mài được gia đình ông Hiệp bán với giá 60 - 80.000 đồng. Mỗi năm gia đình ông thu về hơn 200 triệu đồng tiền bán củ khoai mài. Không chỉ bán củ mà ông còn cung cấp giống và hướng dẫn bà con cách trồng cây khoai mài. Hiện nay, sản phẩm khoai mài của ông Hiệp nói riêng và người dân xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn nói chung đã được nhiều người biết đến và sản phẩm đã được cung cấp khắp các địa phương trong cả nước.

Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm - 4

Bà Lành-vợ ông Hiệp hướng dẫn kỹ thuật trồng khoai mài cho người dân. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Suốt cuộc trò chuyện với Dân Việt, điện thoại ông Hiệp liên tục đổ chuông. Vừa nghe điện thoại ông vừa ghi chép số lượng khoai mài khách hàng đặt để chuyển đi.

Mang cây dại về vườn, tốn có tí phân, thu 200 triệu/năm - 5

Nhiều khách hàng gọi điện đặt hàng củ khoai mài của gia đình ông Hiệp. Ảnh: Nguyễn Duyên.

Ông Hiệp vui vẻ: “Trước đây mới trồng, gia đình còn phải đưa ra chợ huyện bán, nhưng hiện nay người ta đến tận vườn để thu mua, có khách hàng họ chỉ gọi điện đến báo số lượng là tôi chuyển cho họ. Cũng nhờ cây khoai mài mà cả 5 người con của tôi đều được ăn học đại học nay tất cả đi làm, nợ nần không còn nữa. Đồng thời tôi cũng muốn xây dựng thương hiệu cho cây khoai mài này”.

Trao đổi với Dân việt, ông Bùi Đức Hạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Giang cho biết: Cây khoai mài là một sản phẩm mới của địa phương nhưng hiện đang mang lại hiệu quả cho người dân. Ông Hiệp là người đầu tiên trồng loại cây này, bà con thấy hiệu quả nên làm theo. Sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Loại cây này trước đây mọc trong rừng nhưng nó là một vị thuốc trong đồng y đồng thời là một sản phẩm bổ dưỡng nên người dân đi tìm nhiều. Khoai mài trong rừng ngày càng cạn kệt, khan hiếm nên khi ông Hiệp trồng ra thì sản phẩm dễ tiêu thụ, giá lại cao. Hiện nay, trên địa bàn xã Sơn Giang có gần 10 ha trồng khoai mài. Việc phát triển diện tích là do người dân chứ chính quyền địa phương chưa có chủ trương.

Ông Nguyễn Quang Thọ - Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết: "Việc người dân trồng cây khoai mài mang lại hiệu quả kinh tế là có. Tuy nhiên để phát triển lâu dài chúng tôi đang nghiên cứu xem khi phát triển loại cây này có tác động gì hay không. Nếu phát triển diện tích loại cây trồng này dưới tán rừng thì được, như vậy không ảnh hưởng đến rừng lại vừa tận dụng được đất, vừa có tác dụng phòng chống cháy rừng. Hơn nữa còn phải nghiên cứu đầu ra ổn định cho sản phẩm này. Sắp tới chúng tôi sẽ cho nghiên cứu kỹ hơn để có mức đánh giá và có hướng phát triển cụ thể".

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Duyên (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN