Mâm cúng Tết Đoan Ngọ tới 3 triệu, khách đặt trước cả tuần vẫn "cháy hàng"
Càng đến gần ngày Tết Đoan Ngọ, các cơ sở dịch vụ đồ cúng trở nên nhộn nhịp với hàng trăm đơn hàng. Nhiều nơi phải tăng ca để kịp trả đơn cho khách.
Tết Đoan Ngọ hay dân gian quen gọi là tết diệt sâu bọ, tết nửa năm... rơi vào ngày mùng 5 tháng 5 âm lịch hằng năm. Năm nay, dù Tết Đoan Ngọ rơi vào ngày 23/6, nhưng từ đầu tháng 6 đã có không ít cơ sở niêm yết giá mâm cũng Tết Đoan Ngọ. Càng sát ngày 5/5 âm, lượng khách hàng đặt mâm cúng lại càng gia tăng, không ít đơn vị phải tuyển thêm người, làm thêm giờ.
Tùy vào từng loại trái cây, cơm rượu, bánh hay hoa tươi... có trong mâm lễ mà giá sẽ khác nhau. Theo đó, phổ biến nhất là mâm lễ có giá dao động từ 150.000-500.000 đồng. Những mâm lễ này thường có mận hậu, vải thiều, cơm rượu nếp cái hoa vàng, cơm rượu nếp cẩm, bánh gio mật mía, hoa sen hoặc hoa cúc...
Ngoài ra, một số cửa hàng còn làm mâm lễ cao cấp với mức giá lên tới trên dưới 1 triệu đồng, thậm chí có mâm lên tới 3 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Vân - chủ một cửa hàng thực phẩm ở Hà Đông, Hà Nội cho biết dịp này chị làm nhiều loại set lễ để phục vụ khách có nhu cầu mua về cúng Tết Đoan Ngọ.
Trong đó, set đơn giản nhất có giá 250.000 đồng gồm 10 bánh xu xê ngũ sắc, 10 bánh da lợn, 10 cái bánh gio và nửa cân rượu nếp lẫn màu hoặc 1 màu.
Set cao cấp giá 1,7 triệu đồng gồm cơm rượu nếp 2 loại, 1 kg mận hậu VIP, 5 chiếc bánh gio. Set lễ này cũng sẽ có kèm theo các loại hoa sen, hoa huệ, cành hoa cau, hoa nhài, phật thủ, hoàng lan… “Set lễ cao cấp khá kén khách bởi giá đắt đỏ. Đến nay lượng khách đặt chưa đến con số 20. Còn set lễ giá 300.000 - 400.000 đồng đắt khách hơn vì hợp với túi tiền của nhiều gia đình”, chị Vân cho hay.
Cửa hàng thực phẩm của chị Vân nhận đặt set lễ cúng Tết Đoan Ngọ từ ngày 1/5 Âm lịch. Hiện tổng đơn lên tới gần 200 set các loại. Cửa hàng sẽ trả đơn dần cho khách từ chiều mùng 4 và sáng mùng 5/5 Âm lịch.
Tuy nhiên, cũng có một số cửa hàng chuyên hướng tới các set cao cấp, từ 800.000 đồng đến khoảng 3 triệu đồng. Đơn cử như set lễ hoa Lộc Biếc của cửa hàng Comidangon, có giá lên tới 3.150.000 đồng gồm 10 quả phật thủ, 15 hoa sen quan âm trắng gấp cánh, 30 cúc mai trắng và xanh, 9 cành hoa huệ 7 cành phong lan, 15 cành hoa cau, hoa lá phụ liệu kèm theo sắp trong mẹt tre 50cm. Chủ cửa hàng cho biết, các set cao cấp khách phải đặt từ sớm mới có hàng vì nguyên vật liệu tuyển chọn và không phải lúc nào cũng có sẵn. Càng gần đến ngày Tết càng khan hiếm, khách đặt muộn dù giá cao cửa hàng cũng không dám nhận vì sợ "cháy đơn".
Chị Nguyễn Thị Vân, thường trú tại Hà Đông, Hà Nội cho hay, do bận rộn công việc, hàng năm chị thường đặt mâm Tết Đoan Ngọ tại cửa hàng của người quen, với mức giá khoảng 500.000 đến 1 triệu đồng.
“Năm nay kinh tế khó khăn hơn, mình đặt mâm lễ 500.000 đồng. Tuy nhiên tại cơ quan, không ít người đặt mâm lễ có giá cao đến 2 triệu đồng, thậm chí phải đặt cọc từ đầu tháng 6 bởi có nơi chỉ nhận đặt hàng từ sớm, nhằm đảm bảo số lượng và chất lượng hàng cho khách”, chị Vân nói.
Không sử dụng dịch vụ sắp sẵn mâm cúng Tết Đoan Ngọ, bà Lã Thị Tiến, sinh sống tại Hoàng Mai, Hà Nội cho biết: “Tết Đoan Ngọ là nét văn hóa đặt trưng của Việt Nam, nên cô thường tự chuẩn bị mâm lễ Tết Đoan Ngọ để con cái cùng tham gia, phụ giúp và học hỏi. Thông thường, một mâm lễ của gia đình rơi vào khoảng từ 2 đến 4 triệu đồng, bao gồm hoa sen, hoa nhài, hoa cau, các loại hoa quả như vải, mận, quất hồng bì, cơm rượu, bánh gio, bánh oản… ”
Phong tục Tết Đoan Ngọ với mỗi vùng miền có lẽ sẽ khác nhau, nhưng một mâm Tết Đoan Ngọ cơ bản thường có thịt vịt, bánh ú tro, cơm rượu nếp, xôi, chè và trái cây theo mùa. Hiện nay, Tết Đoan Ngọ dần trở nên tối giản hơn, lược bỏ những quy cách rườm rà. Là dịp gia đình cùng sum họp thưởng thức nhiều món ngon đặc sắc.
Đang thời điểm chính vụ, trong khi thị trường đang bán chỉ vài chục nghìn đồng/kg, nhưng những loại quả này lại có giá đắt đỏ gấp cả chục lần.
Nguồn: [Link nguồn]