Lý giải tăng giá điện của EVN chưa thuyết phục

Ngày 21/12, EVN họp báo công bố quyết định tăng giá điện và trấn an dư luận. Nhưng các chuyên gia kinh tế phân tích, tăng giá điện lúc này không thích hợp, giá cả hàng hoá khác sẽ leo thang, người dân thêm khốn đốn.

EVN thừa nhận có tác động đến đời sống

Ông Hoàng Văn Tùy - Phó trưởng Ban Tài chính kế toán (EVN) cho biết, việc điều chỉnh giá điện lần này để bù đắp phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than, tăng giá khí, quyết toán sản lượng vượt bao tiêu khí và bù đắp một phần chênh lệch tỷ giá còn tồn của các năm trước chưa tính hết vào giá bán điện.

Theo đó, lần điều chỉnh này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo cơ cấu (được quy định tại Quyết định số 286 của Thủ tướng).

Riêng mức giá bán điện sinh hoạt bậc thang từ 0 đến 50 kWh áp dụng cho hộ nghèo, hộ thu nhập thấp không điều chỉnh, giữ nguyên ở mức 993 đồng/kWh.

Theo ông Tùy, việc điều chỉnh giá bán điện từ ngày 22-12 không tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân. Các hộ nghèo, hộ thu nhập thấp sử dụng điện sinh hoạt đến 50kWh/tháng không bị tác động do giữ nguyên giá bán điện (993 đồng/kWh).

Các hộ sử dụng điện sinh hoạt bình thường 100 kWh/tháng tăng chi 6.600 đồng/tháng; sử dụng 150 kWh/tháng tăng chi 11.000 đồng/tháng; sử dụng 200 kWh/tháng tăng chi 16.200 đồng/tháng; sử dụng 300 kWh/tháng tăng chi 27.000 đồng/tháng; sử dụng 400 kWh/tháng tăng chi 38.200 đồng/tháng.

Phản ứng trước quyết định tăng giá điện của EVN, chiều cùng ngày, nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định, việc tăng giá điện vào thời điểm này là chưa phù hợp, có thể gây ra đợt tăng giá mới.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, tăng giá điện sẽ tạo nên một cơn lốc tăng giá của nhiều mặt hàng từ nay đến cuối năm, đặc biệt là dịp trước Tết Nguyên đán.

“Tăng giá lúc này không thích hợp sẽ làm khó thêm người dân và doanh nghiệp. Vì giá điện là sản phẩm cơ bản đầu vào của sản xuất và đời sống nên sẽ tác động dây chuyền từ ngành này sang ngành khác”- ông Doanh nói.

TS. Vũ Đình Ánh, thì bình luận: “Thực ra ngành điện bảo là lãi thì là lãi, họ bảo lỗ cũng là lỗ. Bởi vì có thể lý giải bằng chênh lệch tỷ giá và số lỗ của các năm trước cộng dồn lại... Nó giống hệt như đối với ngành xăng dầu, cần lãi thì lãi mà cần lỗ thì lỗ. Chính vì thế, EVN nợ xã hội này một câu trả lời thuyết phục của việc điều chỉnh tăng giá điện” - ông Ánh nói.

Tại họp báo, ông Đinh Thế Phúc- Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện (Bộ Công Thương) thừa nhận việc tăng giá điện có tác động tới đời sống của người dân và doanh nghiệp. “Bộ Công Thương và Bộ Tài chính tính toán tác động của việc tăng giá điện sẽ làm tăng CPI khoảng 0,72%” - ông Phúc nói.

Lý giải tăng giá điện của EVN chưa thuyết phục - 1

Giá điện tăng, người dân thêm khốn đốn. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Phó Tổng Giám đốc EVN: Về nhà vợ hỏi tôi cũng nói không nên tăng giá

Ông Đinh Quang Tri - Phó Tổng giám đốc EVN cho biết, với việc tăng giá điện thêm 5%, doanh thu của EVN sẽ tăng khoảng hơn 7.000 tỷ đồng; trong đó, giá than được gần 900 tỷ đồng, giá khí và bao tiêu là 3.800 tỷ và 3.000 tỷ còn lại bù cho chênh lệch tỷ giá.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về việc vì sao năm nay EVN lãi lớn mà vẫn tăng giá điện, ông Tri cho biết, trước khi công bố tăng, giá thành điện năm 2011 đã được kiểm toán. Dự kiến, năm nay, nếu không xảy ra lỗ như năm trước thì hạch toán lãi của EVN khoảng 3.500-4.000 tỷ đồng.

Vị lãnh đạo EVN cũng cho biết, EVN đã báo cáo với Bộ Tài chính sẽ bù lỗ cho năm trước khoảng 3.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ nay đến cuối tháng 12, khi đã có báo cáo quyết toán chính thức, EVN sẽ báo cáo Bộ Tài chính và Bộ Công Thương để điều chỉnh tiếp.

Về việc tăng giá liệu có phù hợp khi kinh tế suy thoái và đời sống người dân đang gặp khó, ông Tri thừa nhận, nếu đứng về góc độ người tiêu dùng thì tăng giá điện chắc chắn là không phù hợp.

“Bản thân tôi cũng thế. Nếu về nhà vợ hỏi thì chắc chắn tôi cũng sẽ nói tăng giá điện là không phù hợp vì nó làm tăng chi phí sinh hoạt của cả gia đình. Nhưng đứng dưới góc độ tổng thể của nền kinh tế, việc tăng giá điện là cần thiết” - ông Tri nói.

Liên quan đến vấn đề đang có nhiều nhà máy thuỷ điện đối mặt với nguy cơ phá sản do EVN mua điện giá rẻ, ông Tri khẳng định không có vì giá do Bộ Công Thương công bố.

Ông Tri lý giải, chúng tôi mua điện theo 2 cơ chế. Đối với các nhà máy có công suất nhỏ hơn 30MW, EVN mua theo giá trần do Bộ Công Thương công bố. Do đó, nhà máy nào có suất đầu tư thấp, với mức giá EVN mua hiện nay là lãi lớn, còn suất đầu tư cao sẽ bị lỗ.

Đó hoàn toàn do khách quan và không thể đổ lỗi cho EVN. Còn với thủy điện trên 30MW, EVN đàm phán mua điện trực tiếp, trong đó có xét đến chi phí đầu tư của dự án, huy động vốn, vận hành và tính cả phần lợi nhuận cho các nhà máy.

Ông Tri cũng cho biết thêm, hiện EVN đã và đang thoái vốn hết đối với các dự án đầu tư ngoài ngành.

Toàn bộ các công ty kinh doanh bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm (của EVN) phải thoái vốn đến 2015 theo chỉ đạo của Thủ tướng. “Do đó, giá thành điện hôm nay chúng tôi công bố không bao gồm các chi phí đó mà là một hoạt động độc lập”- ông Tri khẳng định.

Tại họp báo, ông Đinh Quang Tri cho biết năm nay, EVN sẽ không có thưởng Tết Quý Tỵ cho cán bộ công nhân viên. “Ban lãnh đạo không có kế hoạch thưởng Tết trong năm nay. Nếu có chăng thì phải tìm cách để ứng lương cho cán bộ công nhân viên” - ông Tri khẳng định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Cầm (Tiền Phong)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN