Lý do giá hồ tiêu 'nhảy múa' liên tục
Giá hồ tiêu từng lập kỷ lục rồi “chạm đáy” không phanh khiến nhiều triệu phú lâm cảnh nợ nần, phiêu bạt mưu sinh. Gần đây, giá “vàng đen” này lại liên tục tăng cao, khiến không ít người “thót tim”.
Giá tăng, chi phí cũng lên
Thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho thấy, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 8.798ha hồ tiêu, sản lượng đạt khoảng 28.580 tấn. Chư Sê, Chư Pưh là hai huyện có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh này.
Sau thời điểm hồ tiêu chết hàng loạt, ông Nguyễn Phước (thôn 6, xã Ia Blang, huyện Chư Sê) chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ. Không sử dụng phân hóa học, khai thác cây trồng quá mức như trước đây, ông Phước dùng phân chuồng, ủ cá làm phân bón vừa giảm chi phí, vừa giúp vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt. Nhờ đó hơn 600 trụ hồ tiêu kinh doanh đến năm thứ 8 vẫn tươi xanh, cho sản lượng ổn định. Năm nay, ông thu hoạch được hơn 2,7 tấn. “Canh tác hồ tiêu theo hướng hữu cơ dù năng suất giảm đôi chút so với sử dụng phân hóa học, nhưng vườn cây phát triển bền vững, ít sâu bệnh và có tuổi thọ cao”, ông Phước chia sẻ.
Người dân Chư Sê, Gia Lai thu hoạch tiêu
Ông Nguyễn An Thạnh, Giám đốc HTX Sản xuất Thương mại Dịch vụ Nông nghiệp huyện Cư Kuin (Đắk Lắk), cho hay, giá hồ tiêu tăng cao khiến nông dân phấn khởi, tạo động lực tiếp tục gắn bó. “Những năm 2015, hồ tiêu từng lập đỉnh về giá với trên 200.000 đồng/kg. Nhiều người phất lên nhờ cây tiêu. Tuy nhiên, sau đó không lâu, hồ tiêu trượt giá không phanh, cộng thêm dịch bệnh chết nhanh chết chậm, khiến không ít người trắng tay, nợ nần. Diện tích hồ tiêu giảm nghiêm trọng do chết vì dịch bệnh, người dân chuyển sang trồng cà phê, sầu riêng…, ông Thạnh kể.
Theo ông Thạnh, từ đầu năm 2024 đến nay, giá hồ tiêu tăng mạnh. Tháng 9/2023, ông Thạnh bán 10 tấn hồ tiêu với giá 77.000 đồng/kg, nay giá đã tăng gấp đôi. Ông nhẩm tính bị thiệt hơn 1 tỷ đồng. Ông Thạnh cho biết, giá hồ tiêu tăng cao nhưng chi phí đầu tư, thu hái loại nông sản này cũng cao không kém. Chưa kể, năm nay, hồ tiêu mất mùa nghiêm trọng. Theo nhẩm tính của ông Thạnh, tỷ lệ mất mùa tới 50%, do thời điểm ra hoa kết quả gặp mưa, về sau nắng hạn kéo dài. Để người dân sống được với cây tiêu, ông Thạnh cho rằng giá cả phải ổn định từ 150.000-180.000 đồng/kg.
Chưa hấp dẫn người trồng
Năm nay, người trồng tiêu không ồ ạt bán ra như những năm trước do có sự hỗ trợ giá của một số loại nông sản khác như sầu riêng, cà phê tăng cao. Ông Trần Văn Tâm, Cty TNHH Thương mại Hoà Thuận (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk), chia sẻ, khá bất ngờ khi giá hồ tiêu tăng cao trong thời gian qua. Hiện tại, hồ tiêu dao động từ 140.000-160.000 đồng/kg, cao gần gấp đôi so với năm ngoái. Dù giá cao song số lượng nông dân bán ra không nhiều. Thậm chí, người dân mua ngược lại từ đại lý, công ty để kiếm lợi nhuận. Tại công ty của ông, nông dân đến mua lại ít nhất 1-2 tấn, có người mua tới vài chục tấn. Tuy nhiên, theo ông Tâm, giá tiêu lên xuống từng ngày, thậm chí từng giờ.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê - Gia Lai, phân tích. Việt Nam là nước xuất khẩu hồ tiêu chủ lực, chiếm 60% sản lượng xuất khẩu toàn thế giới, nhưng diện tích, sản lượng những năm qua liên tục giảm. Vì vậy, xu hướng chung giá sẽ tiếp tục lên, do nguồn cung đang thiếu hụt so với nhu cầu.
Ông Bính nói thêm, lý do thiếu hụt nguồn cung vì chu kỳ trước ( từ 2006 đến 2015), giá hồ tiêu lên đỉnh (220.000 đồng/kg). Tuy nhiên, sau đó, từ 2016 giá xuống đáy, năm 2020 với 34.000 đồng/kg. Trong khi giá thành sản xuất trên 50.000 đồng/kg mới có lãi.
Tỉnh Đắk Lắk có trên 28.500ha hồ tiêu, sản lượng năm 2024 dự kiến đạt gần 74.630 tấn. Theo Sở Công Thương Đắk Lắk, 3 tháng đầu năm, Đắk Lắk xuất khẩu 7.937 tấn hạt tiêu trị giá 34 triệu USD; so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 64% về lượng và 48% về kim ngạch. |
“Thời điểm giá cao, người dân đổ xô trồng hồ tiêu mà không biết về kỹ thuật, giải pháp canh tác, cũng như ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và sâu bệnh nên tiêu chết rất nhiều. Giá lỗ, chết nhiều nên diện tích dần thiếu hụt trầm trọng. Vụ thu hoạch vừa rồi cả nước đạt 170.000 tấn, trong khi nhu cầu của thế giới hơn 500.000 tấn/năm. Như vậy Việt Nam xuất khẩu chiếm 60% thị phần thì phải xuất 300.000 tấn. Vấn đề giờ tiêu ở đâu mà xuất? Tồn kho ăn dần hết rồi”, ông Bính nói.
Theo ông Bính, vừa qua, giá hồ tiêu có bước nhảy vọt từ 80.000 đồng/kg, khi kết thúc vụ thu hoạch năm 2024 và đến giờ là 160.000 đồng/kg. Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế dự báo khả năng giá còn cao nữa.
Ông Bính cho rằng, đây là chu kỳ bắt đầu tăng giá, chu kỳ này tiếp tục kéo dài khoảng 10 năm. Cùng với đó, giá hồ tiêu hiện nay vẫn chưa hấp dẫn để dân trồng trở lại. Bởi, sầu riêng, cà phê đang có giá rất tốt; vùng đất trồng được sầu riêng, cà phê cũng chính là những vùng trồng hồ tiêu chết trước kia. Theo ông Bính, không ai vào thời điểm này phá vườn sầu riêng, cà phê để trồng tiêu, trừ khi giá phải trên 500.000 đồng/kg…
Thất thường hơn giá vàng SJC Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, giá hồ tiêu ngày 18/6 đồng loạt tăng mạnh 3.000 đồng so với hôm kia. Tại Tây Nguyên, giá hồ tiêu giao dịch ở mức 158.000 - 160.000 đồng/kg. Tại Đông Nam bộ, giá từ 158.000 – 159.000 đồng/kg. So với giữa tháng 5, hiện giá tiêu đã tăng hơn 30%, tức tăng khoảng 40.000 đồng/kg. Tuy vậy, giá loại nông sản được ví như “vàng đen” lên xuống thất thường hơn cả vàng SJC, tăng mạnh rồi bất ngờ quay đầu giảm sâu. Trước đó 1 tuần, giá tiêu có thời điểm tăng lên tới 180.000 đồng/kg, tức tăng tới 50% chỉ trong vòng 1 tháng khiến tất cả người trồng, doanh nghiệp đều ngỡ ngàng. Đây được cho là đợt tăng giá hồ tiêu mạnh nhất từ trước tới nay. Dương Hưng |
Hôm nay, giá tiêu tại một số địa phương xuống 155.000-156.000 đồng một kg, giảm 14-20% so với tuần trước.
Nguồn: [Link nguồn]