Lý do đằng sau việc hàng quán ở Sài Gòn không mặn mà mở cửa dù đã được phép kinh doanh trở lại

Nhiều dịch vụ được mở cửa trở lại nhưng các chủ quán vẫn không vui ngay cả khi đã phải nghỉ nhiều ngày do thực hiện giãn cách. Thậm chí, nhiều cửa hàng vẫn đóng cửa bởi chủ cửa hàng chưa muốn hoạt động trở lại.

Lý do khiến nhiều cửa hàng kinh doanh ăn uống chỉ mở cửa lác đác là gặp phải nhiều khó khăn về người làm, nguyên liệu, shipper và sức mua khó cao như kỳ vọng, dễ dẫn đến rủi ro.

Theo các doanh nghiệp, vẫn cần nhiều thời gian để ngành dịch vụ ăn uống thực sự trở lại được trong điều kiện khó khăn hiện nay. Không chỉ những chuỗi lớn, ngay cả những hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ cũng muốn mở bán lại nhưng không dễ trong bối cảnh "thiếu đủ thứ" hiện nay.

Dãy phố Phan Xích Long với rất nhiều quán ăn vẫn đang “im lìm”. Ảnh: Vietnamnet

Dãy phố Phan Xích Long với rất nhiều quán ăn vẫn đang “im lìm”. Ảnh: Vietnamnet

Chị V.T.B.Thuận, chủ tiệm bún bò Ngự Hà Quán (Tân Kỳ Tân Quý, Q.Tân Phú) cực kỳ háo hức khi nghe tin được mở quán kinh doanh trở lại. Tuy nhiên, sau khi liên hệ với các đầu mối cung cấp chị phải nghĩ lại việc mở cửa của mình.

Chị V.T.B.Thuận chia sẻ: "Tôi mới gọi quanh hỏi, từ cọng rau quế cũng tăng gấp 3 lần giá hồi trước, thịt bò 330.000 đồng/kg, tăng gần 100.000 đồng/kg. Chả cua, xương, giò heo… đều tăng. Còn bà bán rau muống bào, bông chuối sứ… đều báo chưa có hàng. Vậy làm sao nấu thành nồi bún được. Tô bún lúc trước bán 35.000 - 40.000 đồng, nay phải bán 60.000 đồng/tô chưa chắc có lãi, chưa kể phí ship cũng tăng mạnh... Nên chắc tui chưa bán lúc này được", chị Thuận kể trên Thanh Niên.

Tương tự, ông Bùi Quốc Dũng (chủ tiệm cơm Chinh Ký trên đường Vũ Huy Tấn (Phú Nhuận) cho biết vẫn chưa sẵn sàng hoạt động trở lại do các mối bán nguyên liệu (thịt gà, tôm, cá, rau củ...) tại chợ Bà Chiểu (Bình Thạnh) vẫn còn đóng cửa. Hơn nữa, đội ngũ shipper còn khan hiếm, việc giao hàng gặp nhiều khó khăn, chưa kể số lượng khách sẽ không như kỳ vọng vì chỉ được giao hàng trong cùng một quận.

"Giá rau củ, nguyên liệu tươi sống đã tăng rất cao, nhập hàng về mà bán không hết là lỗ đậm chứ không đơn giản. Chi phí xét nghiệm khoảng 200.000 đồng/lần, mỗi thứ mỗi ít cộng lại cũng tốn kém nên bài toán kinh tế giờ không hiệu quả, lại thêm rủi ro dịch bệnh nữa" - ông Dũng nói trên Tuổi trẻ.

Cửa hàng bán mang về trước đây vẫn đóng cửa

Cửa hàng bán mang về trước đây vẫn đóng cửa

Tuy nhiên, một số cửa hàng sau một thời gian dài giãn cách vẫn quyết định mở cửa trở lại dù gặp nhiều khó khăn do đã "cầm cự không nổi".

"Tôi đang liên hệ với các bạn hàng để lấy nguyên vật liệu, tuy nhiên chỉ nhập được chưa tới chục con gà, còn các mối rau củ vẫn chưa rao hàng tới. Dù biết sẽ còn nhiều khó khăn trong thời gian tới nhưng phải cố thôi, bán từ từ chờ hết giãn cách", Nguyễn Thị Mão (chủ quán gà ta trên đường Phan Đình Phùng, quận Phú Nhuận) cho biết trên Zingnews.

Quán của chị Mão là một trong số ít cửa hàng chuẩn bị mở cửa. Ảnh:Zingnews

Quán của chị Mão là một trong số ít cửa hàng chuẩn bị mở cửa. Ảnh:Zingnews

Không chỉ gặp khó khăn về mặt nguyên liệu, các cửa hàng kinh doanh ăn uống còn phải đối mặt với việc thiếu nhân viên bởi lúc này nhiều người đã về quê mất, một số lại ở trong khu vực phong tỏa, mất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại. Bên cạnh đó, bệnh dịch phức tạp, không phải ai cũng sẵn sàng đi làm lại, chưa kể các điều kiện xét nghiệm, test COVID-19.

Bởi vậy, nhiều chủ quán ở TP.HCM cho biết sẽ đợi đến khi nào người dân được ra đường mua sắm mới dám mạnh dạn bán trở lại.

Để được phép hoạt động trở lại, các cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống ở TP.HCM chỉ được bán theo hình thức bán hàng mang đi từ 6h đến 18h cùng ngày. Các cơ sở kinh doanh hoạt động theo phương thức "3 tại chỗ", kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến và giao qua shipper. UBND TP.HCM yêu cầu các cơ sở này phải đăng ký kinh doanh với địa phương để được cấp giấy đi đường, đảm bảo lao động đã tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và test nhanh âm tính 2 ngày/lần theo mẫu đơn hoặc mẫu gộp 3 người.

Nguồn: [Link nguồn]

Người Hà Nội lùng mua cành hồng tươi trĩu quả về cắm chơi dịp Trung thu

Từ 80.000 – đến 150.000 đồng/cành hồng tươi trĩu quả, để cắm được một lọ sum sê cần từ 5 – 7 cành với mức giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Ca ([Tên nguồn])
Tác động của dịch Covid-19 đến kinh tế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN