Lúa gạo tiếp tục chịu sức ép giảm giá

Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã giảm giá chào bán gạo trong tuần qua, nhưng vẫn không thu hút được nhiều khách mua do không cạnh tranh được với nguồn cung gạo mới giá mềm hơn của Việt Nam. Giá lúa gạo tại ĐBSCL tuần qua cũng giảm đáng kể.

Theo tin từ Reuters, giá gạo trắng loại 5% tấm của Thái Lan tuần qua đã giảm mạnh về mức 545 USD/tấn từ mức 565 USD/tấn trong tuần trước đó. Theo các nhà giao dịch gạo, nhu cầu có tiền mặt nhanh của nông dân Thái là nguyên nhân chính khiến giá gạo xuất khẩu của nước này giảm nhanh chóng.

“Vụ thu hoạch đang bước vào giai đoạn cao điểm và nông dân không muốn xếp hàng để chờ bán gạo cho Chính phủ. Vì vậy, họ bán cho các nhà xay xát tư nhân theo giá thị trường, cho phép các nhà xuất khẩu gạo chào bán với mức giá thấp hơn”, một nhà giao dịch ở Bangkok cho hay.

Từ năm 2011 tới nay, Chính phủ Thái Lan đã duy trì chính sách mua lúa gạo tạm trữ từ nông dân theo giá cao hơn giá thị trường để giúp khu vực nông thôn tăng thu nhập. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan vì thế bị đẩy lên, khiến nước này gặp khó khăn trong việc cạnh tranh trên thị trường gạo quốc tế.

Cho dù đã giảm mạnh trong tuần qua, giá gạo Thái vẫn cao hơn nhiều so với giá gạo Việt Nam và Ấn Độ. Giá gạo thường loại 5% tấm của Việt Nam tuần qua ở mức 400-410 USD/tấn, giảm từ mức 415 USD/tấn trong tuần trước đó. Do nguồn cung gạo mới từ vụ Đông-Xuân và nguồn gạo dồi dào khắp châu Á, giá gạo Việt Nam giảm bất chấp chương trình tạm trữ lúa gạo của Chính phủ.

Lúa gạo tiếp tục chịu sức ép giảm giá - 1

Theo dữ liệu hải quan, các khách hàng từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola và Algeria đã mua gạo Việt Nam từ đầu năm đến nay.

“Việc thu mua lúa gạo tạm trữ vẫn đang diễn ra, nhưng do không có nhiều nhu cầu đưa gạo xuống tàu đi xuất khẩu nên giá đã giảm”, một thương nhân ở Tp.HCM nói. Tuy nhiên, nhiều thương nhân cho rằng, nhu cầu của các khách hàng châu Phi và Trung Quốc có thể sẽ tạo lực đỡ tránh cho giá gạo Việt Nam giảm sâu.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), nông dân ở ĐBSCL hiện đã thu hoạch xong khoảng một nửa trong tổng diện tích 1,53 triệu hectare trồng lúa vụ Đông Xuân.

“Hiện khách hàng từ Tây Phi vẫn đang mua gạo Việt Nam trong những giao dịch nhỏ”, một thương nhân khác ở Tp.HCM cho biết. Theo vị này, khách châu Phi hiện đang mua các loại gạo 5% và 15% tấm.

Theo dữ liệu hải quan, các khách hàng từ Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Angola và Algeria đã mua gạo Việt Nam trong năm nay. Các nhà giao dịch tại Việt Nam cho biết, hầu hết khách châu Phi hiện đều mua gạo từ Ấn Độ do chi phí vận chuyển thấp hơn.

Giá gạo thường của Ấn Độ tuần qua được chào ở mức 390-440 USD/tấn. Lượng gạo tồn kho ở Ấn Độ hiện ở mức 35,8 triệu tấn, so với mức mục tiêu 11,8 triệu tấn, cho phép Chính phủ nước này tiếp tục duy trì chính sách xuất khẩu gạo không giới hạn trong năm 2013.

Số liệu mới nhất từ VFA cho thấy, trong 2 tuần đầu tháng 3, xuất khẩu gạo cả nước đạt 161.779 tấn, trị giá FOB 72,446 triệu USD, trị giá CIF 72,941 triệu USD. Tính từ đầu năm, xuất khẩu gạo đã đạt 906.173 tấn, trị giá FOB 403,533 triệu USD, trị giá CIF 410,934 triệu USD.

Cũng theo VFA, trong tuần qua, giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.150 - 5.250 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.350 - 5.450 đồng/kg.

Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện khoảng 6.750 - 6.850 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 6.600 - 6.700 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì tại mạn hiện khoảng 7.950 - 8.050 đồng/kg, gạo 15% tấm 7.550 - 7.650 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.250 - 7.350 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

So với tuần trước đó, giá lúa gạo tại ĐBSCL tuần qua đã đồng loạt giảm từ 100-150 đồng/kg. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo An Huy (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN