Lợn ngoại 'đè' lợn nội
Cơ quan chức năng vừa phát hiện không ít lô thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi đang chuẩn bị được “tuồn” vào thị trường tiêu thụ. Chưa bao giờ cả người chăn nuôi và tiêu dùng lại thấp thỏm như hiện nay khi trong nước, dịch bệnh bùng phát mạnh.
Cách đây ít ngày, Đội quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội và Công an huyện Chương Mỹ phát hiện 40 tấn thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi và dịch bệnh tai xanh trong 2 kho đông lạnh của ông N.B.M (thôn Quang Trung, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ) đang chờ tiêu thụ.
Làm việc với lực lượng chức năng, ông M. chủ lô hàng khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên được ông thu gom từ các chợ trên địa bàn xã Hữu Văn và một số xã lân cận thuộc huyện Chương Mỹ với giá vài nghìn đồng/kg. Điều này cũng dấy lên lo ngại tình trạng thịt lợn nhiễm dịch tả châu Phi có thể tuồn vào thị trường trong dịp Tết khi nhu cầu tăng cao.
Lợn lậu đang được tuồn mạnh từ Campuchia vào Việt Nam, nguy cơ mang theo mầm bệnh
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hà Nội cho biết, tổng đàn lợn toàn TP Hà Nội hiện có gần 1,5 triệu con. Do là địa bàn trung chuyển nên lượng tiêu thụ lợn và sản phẩm thịt lợn của Thủ đô rất lớn. Đặc biệt, thời điểm trước và sau Tết, nhu cầu thực phẩm tăng cao nên người chăn nuôi có xu hướng tái đàn, tăng đàn.
Trong bối cảnh thời tiết lạnh, thay đổi thất thường rất dễ ảnh hưởng đến sức đề kháng của vật nuôi, dẫn tới nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan, ảnh hưởng nguồn cung thịt lợn dịp Tết.
Theo ông Đảng, Sở NN&PTNT Hà Nội đã yêu cầu các địa phương tăng cường chủ động giám sát dịch bệnh; thanh tra, kiểm tra các lò giết mổ, chợ đầu mối xuyên Tết để kịp thời phát hiện lợn nhiễm dịch, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển lợn bệnh.
Tình trạng vận chuyển, buôn bán thịt lợn trong những ngày này tại các chợ đầu mối diễn ra khá sôi động. Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm lớn nhất miền Bắc ở Bình Lục (Hà Nam), lượng lợn thịt được đưa về chợ bán ở mức khoảng 2.000 con/ngày, tăng 10% so với 2 tuần trước. Trong đó, mỗi phiên có khoảng 10 xe (tương đương hơn 1.000 con) được nhập về.
Ông Nguyễn Xuân Lộc, đại diện Ban Quản lý chợ đầu mối gia súc gia cầm Hà Nam cho biết, bước vào tháng Tết, nhu cầu mua, bán có chiều hướng tăng hơn bình thường.
Lượng lợn thịt tại chợ này hiện chủ yếu cung cấp cho các cơ sở giết mổ trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, như: Thái Bình, Nam Định, Hưng Yên… Mỗi ngày, chợ có từ 2 - 3 xe (mỗi xe 100 con) được xuất bán đi thành phố Hà Nội. Đây là thời điểm dễ xảy ra dịch bệnh và thịt nhiễm dịch có thể bị tuồn ra thị trường nên phải tăng cường kiểm dịch động vật vận chuyển ra, vào.
Lo lợn lậu hoành hành
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, qua công tác nắm bắt được thông tin, dịp này trung bình mỗi đêm có từ 6-7 nghìn con lợn từ Campuchia nhập lậu vào Việt Nam thông qua một số cửa khẩu ở các tỉnh miền Đông Nam bộ và biên giới Tây Nam.
Tình trạng lợn nhập lậu đã làm nóng cuộc họp giữa Bộ NN&PTNT với các địa phương mới đây. Ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở NN-PTNT Tây Ninh, thừa nhận thực tế đúng có những đường dây buôn lậu lợn sống rất lớn. Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cho biết, sẽ tiếp tục có báo cáo Thủ tướng tình hình buôn lậu dịp Tết Nguyên đán, đồng thời kiến nghị Thủ tướng có biện pháp kỷ luật những nơi buông lỏng quản lý để xảy ra buôn lậu.
CụcThú y đã yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. Theo Bộ NN&PTNT, trong năm 2023 cả nước đã xuất hiện trên 750 ổ dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi, buộc tiêu hủy gần 36.000 con lợn tại 46 tỉnh, thành phố, nhất là tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Đắk Lắk, Tiền Giang...
Kết quả xét nghiệm cho thấy, cả 2 mẫu bệnh phẩm lấy trong 2 kho hàng đều dương tính với virus bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ngoài ra, 1 mẫu còn dương tính virus gây bệnh tai xanh, vốn là những bệnh rất nguy hiểm.
Nguồn: [Link nguồn]