“Khổ lắm cô ơi, lợn thì không bán được, còn nợ ngân hàng cả chục tỷ đồng, mỗi tháng phải xoay sở cả trăm triệu tiền lãi. Chưa kể phải thuê hơn chục nhân công, lương tháng mỗi người 7,2 triệu đồng, thêm gần 100 triệu đồng tiền điện cho 6 trang trại”…
Đó là chia sẻ của anh Phạm Ngọc May, người nuôi lợn tại Kiên Giang về những khó khăn mình đang gặp phải do giá lợn hơi xuống thấp.
Anh May cho biết, cuối năm 2016 anh bắt đầu mua đất và vay ngân hàng, xây dựng chuồng trại để nuôi lợn thuê.
“Tôi mua 14ha đất, xây dựng chuồng trại, lắp kính, lắp điều hòa ổn định bằng hệ thống tự động theo tiêu chuẩn để liên kết nuôi lợn thuê cho các doanh nghiệp lớn. Xây dựng 6 trang trại, mỗi trang trại rộng 2.000m2, tổng chi phí hết khoảng 30 tỷ đồng. Tiền có ít, tôi vay ngân hàng là chủ yếu”, anh May nói.
Xây dựng xong trang trại thì hết vốn, anh May bắt tay vào hợp tác với một doanh nghiệp lớn để nuôi lợn cho họ. Lợn giống của họ, thức ăn của họ nhưng anh May phải tự trang bị chuồng trại, tự bỏ tiền thuê nhân công, tự bỏ tiền điện, nước. Mỗi con lợn xuất chuồng anh May được trả 2.450 đồng/kg.
Bỏ công sức trong thời gian dài nhưng mỗi con lợn xuất bán chỉ được 245.000 đồng. Vì vậy, nuôi thuê được 2 năm thì anh May ra làm riêng, không nuôi thuê nữa.
Cũng vì vốn ít nên anh thu gọn chăn nuôi tại hai trang trại. Lứa lợn đầu tiên với 3.000 con lợn giống thuận lợi xuất bán vào giữa năm 2019 với giá 68.000 đồng/kg. Mỗi con lợn anh May lãi được 1,8 triệu đồng, có tiền trả bớt nợ ngân hàng. Khi tiếp tục nuôi lứa thứ 2, thì một trong hai trang trại bị dịch tả heo Châu Phi, toàn bộ 1.500 con lợn phải mang đi tiêu hủy. Anh May mất trắng gần 6 tỷ đồng.
“Mỗi con lợn hơn 60kg, giá lợn khi đó là 63.000 đồng/kg. Chỉ vì dịch bệnh, sau một ngày, tôi mất trắng gần 6 tỷ đồng. Nợ chồng nợ, tôi phải bán đi căn nhà 3 tầng, một miếng đất và một chiếc xe hơi để lấy tiền bù lỗ, trả nợ. Mới gắng gượng lại được hơn một năm thì lợn hơi lại rớt giá, chỉ còn 38.000 đồng/kg. Nếu bán bây giờ, mỗi con lợn ôm lỗ hơn 2 triệu đồng”, anh May thở dài.
Đồng cảm nỗi khổ, ông Nguyễn Như So, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam cũng lên tiếng: “Giá heo cứ cao lại thấp thất thường, nông dân sẽ tiếp tục lỗ và lỗ mãi nếu không có chính sách kịp thời và dự báo sớm. Heo ăn hết cả sổ đỏ của nông dân, không còn gì để vay, thế chấp ngân hàng nữa”…
Ông Nguyễn Công Bắc, chủ trang trại chăn nuôi lợn quy mô gần 10.000 con ở Sơn La phải xuất bán lợn hơi với giá 42.000 đồng/kg, chịu lỗ nặng. Trong tuần này, ông xuất bán 600 con lợn thương phẩm giá chỉ còn 36.000 đồng/kg, lỗ tiền tỷ.
"Với mức giá này, mỗi con lợn tôi lỗ 2 triệu đồng. Còn những hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì lỗ khoảng 2,5 triệu đồng/con", ông buồn rầu nói.
Với ông Nguyễn Bá Thắng (Bình Lục, Hà Nam) – một hộ chuyên nuôi lợn “lướt sóng” cho hay, do giá lợn hơi giảm sâu trong thời gian dài nên từ lâu ông đã nghỉ nuôi.
“Giá lợn giảm thảm hại mỗi ngày một giá, nên tôi để trống chuồng nhiều tháng nay. Các hộ chuyên nuôi lợn “lướt sóng” như tôi trên địa phương cũng đã đồng loạt ngừng nuôi. Càng nuôi càng lỗ, trung bình mỗi con lợn sau 1 đến 2 tháng nuôi chúng tôi lỗ 1 triệu đồng/con. Với các hộ nuôi từ nhỏ thì lỗ nặng hơn, một lứa lợn sau khi xuất bán cầm chắc lỗ cả tỷ đồng” – ông Thắng cho hay.
Không chỉ người chăn nuôi quy mô lớn như anh May, ông Bắc, ông Thắng phải chịu thua lỗ khi đầu tư vào chăn nuôi và giá lợn hơi xuống thấp, anh Trần Văn Công (Phú Thọ) – một hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng rơi vào tình cảnh tương tự.
Đầu năm 2020, khi Hà Nội có ca mắc Covid-19, anh Công quyết định thanh lý nhà hàng lẩu nướng rồi khăn gói về quê mở quán trà sữa và nuôi lợn.
“Đầu tiên tôi nuôi thử 5 con xem lỗ lãi thế nào. Lứa đầu tiên lãi mỗi con 1 triệu đồng. Tôi lại gộp cả gốc lẫn lãi, thêm tiền mua được 9 con lợn con về nuôi. Giá cám bắt đầu lên, vì vậy, nửa năm sau tôi bán mỗi con lãi được 600.000 đồng”, anh Công kể.
Bán lứa thứ 2, anh tiếp tục đi tìm mua 12 con lợn giống về nuôi. Thế nhưng, mới mua về được 20 ngày thì đàn lợn lăn ra ốm rồi chết. Liên hệ với người bán giống thì họ không nhận trách nhiệm, không đền bù do khi mình mua, lợn vẫn còn đang khỏe mạnh.
“Khi lợn chết hàng loạt tôi mới nhận ra mình bị lừa mua phải con giống không khỏe. Ham rẻ nên tôi nhận quả đắng đầu tiên khi nuôi lợn”, anh Công nói.
Không chịu đầu hàng, vào tháng 5/2021, anh Công vay mượn tiền để mua tiếp 15 con lợn giống về nuôi. Đến giờ, đàn lợn sắp được xuất bán thì giá lại xuống thấp khiến anh đứng ngồi không yên vì không biết khi nào giá lợn mới bật tăng trở lại để hòa vốn.
“Vào tháng 1/2020, khi tôi mới về, giá 1 bao thức ăn chăn nuôi 25kg chỉ vào khoảng 250.000 đồng nhưng đến nay tôi phải mua với giá 320.00 đồng. Thế nhưng giá lợn hơi lại giảm đi hơn một nửa”, anh Công nói.
Theo tính toán của anh Công, giá cám từ đầu năm đến giờ đã tăng 60.000 đồng/bao 25kg. Tính trung bình từ 2-3kg cám thì nuôi được 1kg lợn hơi, trong khi giá cám hiện tại là 13.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại Phú Thọ là 35.000 đồng/kg. Vì vậy, mỗi con lợn anh Công lỗ ít nhất là 2,3 triệu đồng tiền con giống và không có công chăm sóc hơn nửa năm của người nuôi.
Thực tế, giá lợn hơi xuất chuồng giảm xuống thời gian qua đang ảnh hưởng không nhỏ đến người chăn nuôi trong điều kiện chi phí sản xuất đều tăng. Giá lợn giống hiện nay vẫn duy trì ở mức 2,8 - 3 triệu đồng/con có trọng lượng từ 8-10 kg.
Giá thức ăn chăn nuôi trong vòng một năm qua tăng 7 lần, mỗi con lợn thịt có trọng lượng 100kg riêng chi phí thức ăn đã ở mức 3 triệu đồng, tăng khoảng 500 nghìn đồng...
Như vậy, chi phí để nuôi 1 con lợn thịt có trọng lượng 100kg cộng cả tiền giống, thức ăn, thuốc thú y đã lên đến hơn 6 triệu đồng. Với những hộ chăn nuôi không tự chủ động được con giống phải nhập từ bên ngoài, nếu rủi ro hao hụt trong quá trình nuôi thì cầm chắc thua lỗ.
Khi giá lợn hơi tăng cao khiến giá thịt lợn ngoài chợ cũng tăng không ngừng, người tiêu dùng để hạn chế chi tiêu đã chuyển sang ăn các loại thịt khác khiến nhiều tiểu thương “dở khóc dở cười”.
Khoảng 2 tháng nay, giá lợn hơi càng ngày càng xuống thấp, giá thịt ngoài chợ cũng bình ổn ở mức chỉ từ 80-120.000 đồng/kg. Tuy nhiên, người mua vẫn “thờ ơ” với thịt lợn.
Chị Trịnh Thị Thuyết, tiểu thương bán thịt lợn tại Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, khi lợn tăng giá, mọi người quay lưng với thịt lợn khiến tình hình buôn bán ế ẩm. Thay vì bán 2-3 con/ngày như trước đây thì hiện nay chị và mấy người phải chung nhau một con lợn để bán. Bây giờ thịt lợn cũng giảm cả nửa giá nhưng tình hình mua bán vẫn giậm chân tại chỗ.
“Lợn vai chỉ 90.000 đồng/kg, thịt thăn/mông chỉ 85.000 đồng/kg ba chỉ có giá chỉ 110.000 đồng/kg. Rẻ hơn nửa giá mà buôn bán vẫn chán lắm. Lấy một con lợn ngồi ngáp đến chiều nhiều khi còn chưa bán hết. Tôi phải nhờ con gái đăng thanh lý trên chợ mạng”, chị Thuyết nói.
Tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam thuộc địa bàn xã Bối Cầu (Bình Lục) - chợ đầu mối lợn lớn nhất miền Bắc, ông Nguyễn Văn Chinh, quản lý chợ cho biết, số lợn còn tồn đọng tại các ô chuồng trong chợ còn nhiều. Do giá lợn giảm mỗi ngày, mức tiêu thụ chậm nên các thương lái cũng giảm lượng lợn nhập về.
“Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày tại chợ xuất bán khoảng 1.000 con thì nay chỉ đạt 50%. Do giá lợn xuống thấp, lượng lợn tiêu thụ chậm nên các thương lái cũng phải giảm số lượng lớn lợn nhập về so với trước đây” – ông Chinh nói.
Theo Cục Chăn nuôi, tổng đàn heo cả nước tính đến tháng 9 đạt 28 triệu con, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, do tác động của giãn cách xã hội, nhu cầu giảm nhiều nên đàn heo quá lứa còn ứ đọng lại trong chuồng chưa xuất bán lên tới 30%.
Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) nhận định, giá thịt lợn hơi lao dốc chủ yếu là do nhu cầu tiêu thụ ở các thị trường lớn giảm mạnh. Việc này dẫn đến số lượng lớn lợn đến kỳ xuất bán còn tồn đọng trong chuồng.
"Dịch bệnh Covid-19 làm đứt gãy hàng loạt các chuỗi sản xuất, cung ứng đối với ngành chăn nuôi, làm giá nguyên liệu vật tư đầu vào tăng cao, đặc biệt là thức ăn tăng 16-36%. Chưa kể, khâu lưu thông, vận chuyển vẫn gặp khó khăn dẫn đến chi phí phát sinh nhiều nên có sự chênh lệch rất lớn giữa giá lợn hơi tại chuồng và giá thịt lợn tại chợ. Tình hình này làm cho người chăn nuôi lỗ rất nhiều, ứ đọng tiền vốn" – đại diện Cục Chăn nuôi nhận định.
Trước thực trạng lượng lợn quá lứa còn dư thừa nhiều, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi miền Bắc - miền Trung mới đây đưa ra dự báo, giá heo hơi sẽ còn tiếp tục biến động và giảm sâu nữa. Thậm chí, heo hơi có thể "rơi tự do" về 25.000 đồng/kg do lượng heo tồn trong dân quá lớn.
Tuy nhiên, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), hiện tại giá heo hơi giảm sâu nhất trong 2 năm gần đây và đà giảm giá có thể kéo dài đến hết tháng 10. Sang đầu tháng 11, khi nhu cầu tăng theo quy luật thị trường, giá heo hơi sẽ bắt đầu tăng trở lại.
Tương tự, bà Hoàng Thị Tố Nga - phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Nam Định, tỏ ra lo ngại việc thiếu hụt nguồn cung lợn thịt dịp cuối năm.
“Việc đảm bảo nguồn cung thịt heo trong dịp cuối năm cũng rất khó dự đoán bởi dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ, người dân không bán được nên chưa vào đàn mới. Hơn nữa, giá thấp như hiện nay, người dân hầu như không tái đàn" - bà Nga nói.
Mong muốn có chính sách tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, ổn định, Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam kiến nghị các Bộ cần phối hợp, giải quyết vấn đề lưu thông, những quy định không đồng nhất giữa các tỉnh để tạo điều kiện cho việc cung ứng thực phẩm, giải tỏa nguồn heo ứ đọng trong các trang trại.
Đồng thời, Chính phủ xem xét mở rộng đối tượng bảo hiểm nông nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực chăn nuôi để giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân.
"Có rất nhiều chính sách miễn, giảm thuế nhưng việc tiếp cận của nông dân, các doanh nghiệp nông nghiệp lại rất khó.
Bên cạnh đó, Luật Chăn nuôi cũng có điều khoản Nhà nước xây dựng kho lạnh dự trữ quốc gia để cân bằng cung – cầu nhưng đến nay không biết Bộ NN&PTNT hay Bộ Công Thương phụ trách việc này?", ông So nhấn mạnh.
Bày tỏ lo ngại khi giá heo xuất chuồng trên địa bàn chỉ còn 32.000 - 35.000 đồng/kg, anh May cho hay: “Bán lợn thì lỗ to nhưng không bán thì mỗi ngày tôi phải lo thêm 30 tấn thức ăn cho 12.000 con lợn đã đến tuổi xuất chuồng. Chưa kể tiền điện, nước, nhân công, khấu hao chuồng trại và tiền lãi ngân hàng mỗi tháng”.
Giá lợn hơi xuống thấp, bán mỗi con lợn lỗ hàng triệu đồng nhưng vẫn tiêu thụ chậm. Trong khi đó, hàng loạt các chi phí hàng ngày để duy trì đàn lợn bắt buộc vẫn phải chi như tiền thức ăn, tiền thuê nhân công, tiền điện, tiền lãi ngân hàng. Vì vậy, theo anh Phạm Ngọc May, mong muốn lớn nhất của anh là các ngân hàng có các chính sách để giảm lãi suất, giãn nợ, hỗ trợ người chăn nuôi lúc này.
Thấu hiểu nỗi lòng người dân, ông Lê Văn Dương – Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang cũng kiến nghị, Chính phủ cần có chính sách thu hút doanh nghiệp giết mổ chế biến, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vay vốn để xây dựng các kho lạnh, dự trữ khi nguồn cung đang dư thừa nhằm góp phần bình ổn giá, hạn chế nguy cơ thiếu hụt thực phẩm dịp tết.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết Bộ sẽ chỉ đạo Cục Thú y cân nhắc đề xuất hạn chế nhập khẩu thịt heo để làm sao đảm bảo sản xuất trong nước có hiệu quả trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, đại diện Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng đề nghị các địa phương thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, ngoài chợ truyền thống, chợ đầu mối cần đa dạng hoá kênh phân phối sản phẩm chăn nuôi, phát triển mạnh các sàn thương mại điện tử…
Về việc giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, Cục chăn nuôi cho biết, Bộ NN&PTNT đã có văn bản đề nghị Chính phủ có chính sách miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thiết bị chuồng trại chăn nuôi… nhằm giảm giá thành sản xuất.