Loay hoay xây dựng thương hiệu gạo Việt

Việc xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam đã được ngành nông nghiệp đặt ra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa nên hình hài.

Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia Viện Nghiên cứu thương mại - Bộ Công Thương, cho rằng từ một quốc gia thiếu gạo ăn (giai đoạn 1984-1988, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu bình quân 333.000 tấn gạo), năm 1989 đến nay, Việt Nam nổi lên khi lọt vào tốp 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Cánh đồng lớn chưa lớn

Thành tích là vậy nhưng từ đó đến nay, thương hiệu gạo “made in Vietnam” vẫn không có sự chuyển biến đáng kể. “Các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo quan tâm tìm kiếm hợp đồng, trong đó DN nhà nước giữ vai trò rất lớn lại thường trông chờ vào hợp đồng tập trung, không màng tới việc xây dựng vùng nguyên liệu. Vì vậy, chuỗi giá trị lúa gạo xuất hiện nhiều chủ thể trung gian” - ông Bích phân tích.

Thực ra, vấn đề xây dựng thương hiệu gạo Việt mang tầm quốc gia đã được ngành nông nghiệp và các nhà khoa học đặt ra khá lâu nhưng đến nay vẫn chưa nên hình hài vì cứ loay hoay phải bắt đầu từ đâu, thực hiện cách nào?...

Loay hoay xây dựng thương hiệu gạo Việt - 1

Người trồng lúa chưa thể khá lên được vì còn thói quen trồng lúa cao sản với phẩm cấp thấp nên giá bán không cao Ảnh: THỐT NỐT

Đơn cử trong xây dựng cánh đồng mẫu lớn (khâu quan trọng trong phát triển thương hiệu), các DN đã gặp rất nhiều khó khăn. Là DN tiên phong nhưng báo cáo mới nhất của Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang cho thấy trong năm 2011, với 3,347 ha lúa liên kết với 1.434 hộ, lực lượng “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng làm với nông dân để giám sát toàn bộ hoạt động sản xuất) của công ty là 60 người.

Đến năm 2014, với hơn 72 ha lúa liên kết, lực lượng “ba cùng” đã tăng lên 650 người. “Lực lượng “ba cùng” là khâu liên kết chặt chẽ với các hộ dân nhằm bảo đảm chất lượng hàng hóa đầu vào. Lực lượng này càng lớn đồng nghĩa với chi phí liên kết càng cao. Đây là nguyên nhân khiến mô hình cánh đồng mẫu lớn không có sức lan tỏa dù đã qua gần 5 năm thực hiện” - chuyên gia Nguyễn Đình Bích đánh giá.

TS Nguyễn Văn Sánh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL, cho rằng toàn vùng có khoảng 40.000 hộ trồng lúa nhưng GDP hơn 10 năm trước từ chỗ xấp xỉ TP HCM, nay đã thấp hơn 1,5 lần. “Quá trình phát triển nông nghiệp ở ĐBSCL nhiều năm qua không có sự tập trung về nguồn lực, tài chính và thiếu sự lồng ghép chính sách với thực tế dẫn đến cả nhà nông lẫn DN lúa gạo đều khó khăn” - ông Sánh phân tích.

Chuyên gia Nguyễn Đình Bích đề xuất thay vì dành nguồn lực để xây dựng cánh đồng lớn như hiện nay (nhưng thực ra lại rất nhỏ) thì nhà nước nên hỗ trợ cho những DN xuất khẩu gạo, HTX và những cá nhân nào xây dựng thương hiệu gạo cho chính mình. Khi khâu này hoàn thành, nhà nước sẽ quyết định chi những khoản kinh phí lớn để đầu tư xây dựng các cánh đồng lúa thật sự lớn, hiện đại, xứng tầm quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Bỏ qua “mặc cảm” để học hỏi nước bạn

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, sở dĩ gạo Việt Nam chưa có thương hiệu trên thị trường thế giới là vì nông dân còn thói quen trồng lúa cao sản mà chưa nghĩ đến việc nâng cao chất lượng để tăng lợi nhuận. Các DN cũng phó mặc cho thương lái đi thu gom lúa ở khắp nơi với nhiều loại giống rồi mang về trộn chung để chế biến nên khó bán được giá cao chứ chưa nói đến việc xây dựng thương hiệu.

Ngược lại, có những nơi đang làm tốt khâu tạo dựng thương hiệu cũng như chất lượng gạo thì không muốn mở rộng sản xuất vì lo bị dư thừa do tình trạng “độc quyền” trong cơ chế điều hành xuất khẩu gạo hiện nay.

“Chúng ta nên bỏ qua “mặc cảm”, học cách làm thương hiệu của Thái Lan. Nước này chỉ có hơn chục DN chuyên về xuất khẩu gạo và những DN này được “phân vai” chiếm giữ thị phần khác nhau. Chính vì vậy mà Thái Lan đã triệt tiêu được tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Bộ Thương mại Thái Lan làm công tác dự báo rất tốt. Họ cho công bố rộng rãi lượng gạo xuất khẩu trong năm rồi từ đó thu mua dự trữ bảo đảm cho nông dân có lãi. Lượng gạo này được phân ra từng loại, đồng nhất về chất lượng rồi bán cho DN nào có nhu cầu xuất khẩu. Chính phủ nước này còn tạo điều kiện cho DN đầu tư kho trữ, cơ sở lau bóng, đóng bao bì ngay tại thị trường xuất khẩu. Nhờ có thương hiệu, chất lượng ổn định nên gạo Thái Lan luôn xuất khẩu với giá cao” - GS-TS Võ Tòng Xuân dẫn chứng.

Là nông dân từng viết thư kể khổ với Thủ tướng Chính phủ, ông Lê Văn Lam (xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp) cho biết hiện có nhiều nông dân quê ông cũng muốn được tham gia vào các tổ hợp tác sản xuất theo kiểu bắt tay nhau để làm ăn lớn. Mục đích nhằm góp phần xây dựng thương hiệu gạo Việt với chất lượng đồng nhất và giảm được giá thành sản xuất.

“Cái lợi của nông dân khi tham gia vào HTX là rất lớn vì họ không phải đi mua từng lít dầu, bao phân hay bịch thuốc trừ sâu với giá bán lẻ khá cao. Thậm chí, tiền công làm đất, bơm tưới nước, cắt lúa... cũng được giảm đáng kể nếu như có đại diện HTX đứng ra hợp đồng với tư nhân bên ngoài” - ông Lam nói.

Đề cập việc xây dựng thương hiệu gạo, ông Lam cho rằng các nhà khoa học nên giúp nông dân tìm được giống lúa độc quyền của Việt Nam chứ không nên chọn giống ngoại lai. Nông dân không ngại áp dụng đúng theo mô hình sản xuất an toàn như VietGAP hay GlobalGAP. Tuy nhiên, vấn đề mà người trồng lúa quan ngại nhất chính là “chữ tín” của các DN trong chuỗi liên kết sản xuất.

Bước tiến vượt bậc của gạo Campuchia

Năm 2009, Campuchia chỉ xuất khẩu được 12.613 tấn gạo. Thế nhưng 5 năm sau, Campuchia trở thành quốc gia xuất khẩu lớn thứ 5 thế giới với sản lượng 378.856 tấn. Không dừng lại, nước này còn đặt mục tiêu xuất khẩu 1 triệu tấn gạo trong năm nay.

Theo báo The New York Times, bước tiến vượt bậc này có được nhờ một loạt động thái hiệu quả trong những năm qua. Trước hết, Campuchia đã đưa vào sử dụng những hệ thống xay xát hiện đại để cải thiện chất lượng và nâng cao năng suất, từ đó giúp gạo nước này xâm nhập thị trường quốc tế dễ dàng hơn. Gạo Campuchia giờ đây có thể được tìm thấy tại những thị trường khó tính ở phương Tây.

Đến tháng 5-2014, Liên đoàn Lúa gạo Campuchia (CRF) ra đời từ sự hợp nhất của 3 tổ chức hoạt động riêng lẻ trong ngành công nghiệp gạo. Ông Sok Puthyvuth, Chủ tịch CRF, giải thích động thái này giúp ngành công nghiệp loại bỏ một số sự cạnh tranh tốn kém, xác định mục tiêu rõ ràng hơn và tạo tiếng nói chung trong quá trình vận động hành lang. “Chúng tôi chú trọng nhiều hơn đến toàn bộ chuỗi xuất khẩu. Điều này có nghĩa là chúng tôi tìm hiểu xem nông dân, công ty xay xát và nhà xuất khẩu hưởng lợi bao nhiêu, dựa trên giá thị trường” - ông Puthyvuth cho biết thêm.

CRF hiện nỗ lực xây dựng một thương hiệu mới hoàn toàn để giúp phân biệt gạo thơm hoa nhài của nước này với các sản phẩm tương tự của Thái Lan trên thị trường quốc tế. Theo báo The Phnom Penh Post, CRF muốn dùng một tên chung cho toàn bộ loại gạo thơm hoa nhài và dự định công bố bước đi này tại Diễn đàn Gạo Campuchia vào tháng 11 tới. “Một ủy ban đã được lập để xây dựng thương hiệu cho gạo chất lượng cao của mình. Gạo của chúng tôi cho đến giờ chỉ mới được biết đến như là gạo thơm bởi không có tên thương hiệu cụ thể cho nó” - quyền Tổng Thư ký CRF Moul Sarith cho biết. Quan chức này nói thêm rằng tình trạng nhà xuất khẩu gạo dùng bao bì, dán nhãn mác lộn xộn đã làm giảm sức cạnh tranh của lĩnh vực gạo Campuchia nói chung.

Phương Võ

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Võ (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN