'Loay hoay' tìm đường tiêu thụ hơn 1 triệu tấn gạo tồn kho
Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến hết tháng 10, lượng gạo tồn trong kho của doanh nghiệp vào khoảng gần 1,2 triệu tấn.
Trong đó, có khoảng hơn 443.000 tấn của Tổng công ty Lương thực miền Nam. 148.000 tấn thuộc Tổng công ty miền Nam, còn lại là gần 600.000 tấn của các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, VFA cho biết tính riêng trong tháng 10, lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 386.000 tấn, giảm 43,67% so với cùng kỳ năm 2015. Tính chung 10 tháng, lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đạt hơn 4 triệu tấn. So với cùng kỳ năm 2015, sản lượng giảm 18,24%, trị giá giảm 14,25%.
Từ giữa năm 2016, VFA đã hạ chỉ tiêu xuất khẩu gạo năm nay từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn. Tuy nhiên, đến nay mục tiêu này cũng được dự báo khó có thể đạt được. Thị trường lúa gạo nội địa hiện đang tăng trở lại, song tiêu thụ gạo vẫn trong giai đoạn khó khăn.
Ngoài nguyên nhân là nhu cầu tiêu thụ yếu, giá gạo nội địa giảm còn do giá gạo của các nguồn cung khác như Thái Lan, Pakistan và Ấn Độ cũng đang ở mức thấp. Trong khi đó, các nước này đang vào vụ thu hoạch chính, nên giá bán được dự báo sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới.
Ngược lại, nông dân Việt Nam đang thu hoạch vụ 3 nhưng sản lượng không đáng kể. Thời gian gần đây, khu vực ĐBSCL liên tục mưa lớn khiến năng suất, chất lượng gạo cũng không đảm bảo. Nếu chỉ xét về giá bán và chất lượng gạo ở thời điểm này, VFA nhận định rằng gạo Việt Nam đã khó cạnh tranh hơn so với các nguồn cung khác.
Phân tích về nhu cầu của thị trường hiện nay, nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch kinh doanh do thị trường lúa gạo liên tục rơi vào tình trạng ảm đạm, cung lớn hơn cầu. Trung Quốc là thị trường chính và tiềm năng của xuất khẩu gạo Việt Nam, nhưng hiện đã hết hạn ngạch nhập khẩu chính ngạch.
Tại Philippines, ngoài 293.000 tấn gạo Cơ quan Lương thực quốc gia Philippine (NFA) đã giao cho thương nhân thu mua nên nước này có thể tổ chức đấu thầu mua thêm khoảng 250.000 tấn gạo, để đảm bảo lượng tồn kho thiếu hụt. Tuy nhiên, việc đấu thầu phải chờ đến cuối tháng 11.2016 mới có thông tin chính thức. Do vậy, lượng gạo này có thể phải qua đầu năm 2017 mới được giao. Còn các thị trường khác đến nay vẫn chưa có gì tiến triển khả quan.
"Đến thời điểm này, việc dự báo xuất khẩu gạo tăng, giảm bao nhiêu, hay tín hiệu thị trường thế nào còn là ẩn số. Ngoài nhu cầu nhỏ từ thị trường Trung Quốc và Philippines, xuất khẩu gạo Việt Nam vẫn trong giai đoạn hết sức trầm lắng" VFA đánh giá.
Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thị trường hiện nay cũng như hợp đồng đăng ký xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp, VFA cho rằng xuất khẩu gạo cả năm có thể đạt trên 5 triệu tấn (chưa bao gồm hơn 1 triệu tấn xuất khẩu qua đường mậu biên sang Trung Quốc).
Tới đây, Bộ Công Thương cho biết sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, phát triển thị trường; khai thác tiềm năng, cơ hội từ các Hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường.
Ngoài ra, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và sản xuất lúa gạo; gắn sản xuất với tiêu thụ, xuất khẩu, nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu gạo, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần bảo đảm sản xuất, xuất khẩu gạo bền vững.
Mặt khác, tập trung củng cố các thị trường trọng điểm truyền thống; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là tại các nước thành viên của các FTA thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên, từ đó thâm nhập các thị trường mới, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường, giảm dần phụ thuộc vào một thị trường; góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu gạo Việt Nam.
Đặc biệt, trong phương án đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2016 này, Bộ Công Thương sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước tạo điều kiện cho các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tiếp cận nguồn vốn vay, vốn vay ưu đãi (nhất là nguồn vốn trung, dài hạn đầu tư xây dựng kho chứa, lò sấy tại vùng nguyên liệu, nguồn vốn phục vụ đầu tư ứng trước đầu vào cho nông dân và thu mua lúa từ vùng nguyên liệu).
Phía Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Ngoại giao và chỉ đạo thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ tăng cường vận động, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, rào cản, thúc đẩy công tác phát triển thị trường xuất khẩu gạo, nhất là các thị trường trọng điểm, có quan hệ chính trị nhạy cảm đối với Việt Nam.
Bộ cũng sẽ phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân đầu mối tiếp tục tăng cường nắm sát tình hình thị trường, kịp thời có giải pháp điều hành linh hoạt, phù hợp với diễn biến từng thị trường, đảm bảo hiệu quả xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện xúc tiến thương mại gạo tại các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường tiềm năng để củng cố thị trường và mở đường cho xuất khẩu gạo.
Riêng các địa phương có liên quan, phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan chỉ đạo các đơn vị chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp phù hợp, cần thiết, bảo đảm thống kê đúng số lượng gạo thực tế xuất khẩu, nhập khẩu qua biên giới.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở, ngành chức năng chỉ đạo có hiệu quả chủ trương xây dựng vùng nguyên liệu, kiểm tra hoạt động thu mua lúa gạo nội địa, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trái quy định.