“Loạn” mùa vụ, trái cây dội chợ
Nhằm tránh tình trạng “được mùa rớt giá”, nhiều nhà vườn ĐBSCL tiến hành xử lý để trái cây ra hoa nghịch vụ. Tuy nhiên, nếu không sớm có quy hoạch cụ thể, trái cây vụ nghịch cũng sẽ rơi vào tình trạng bế tắc.
Lấy vụ nghịch làm mùa chính
Thời điểm từ tháng 6 – 8, trái cây trong nước liên tục rớt giá do nhiều loại cùng vào vụ thu hoạch như vải của miền Bắc, thanh long, xoài ở miền Trung, miền Nam... Ngoài ra, đây cũng là thời điểm thu hoạch chính của một số trái cây ôn đới Trung Quốc như nho, lê, táo Tây… Do đó, theo TS Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Cây ăn quả Miền Nam - việc trái cây “nội” dội chợ thời gian qua là chuyện dễ hiểu.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Kỳ, ngụ xã Tân Phong, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang có hơn 4 công đất trồng chôm chôm nhưng nhiều năm liền thu nhập từ vườn cây chỉ vừa đủ để tái canh vụ mới. Ông Kỳ quyết định chuyển sang đầu tư xử lý để chôm chôm cho trái vụ nghịch. Việc này giúp chôm chôm của ông tránh được tình trạng đụng hàng với chôm chôm của các tỉnh Đông Nam Bộ, chôm chôm Thái Lan, Trung Quốc… nên giá bán cao hơn gấp 3, có khi gấp 4 so với chính vụ. Tại Trà Vinh, Kiên Giang, Hậu Giang, Tiền Giang…, nhiều nhà vườn trồng nhãn, thanh long, xoài… cũng bắt đầu mày mò xử lý ra hoa nghịch vụ, tránh điệp khúc “được mùa rớt giá”.
Cần quy hoạch mùa vụ
Trước thực trạng trên, TS Nguyễn Minh Châu – cho rằng, để tránh tình trạng “được mùa rớt giá” của sản phẩm trái cây hiện nay, bên cạnh việc quy hoạch diện tích vườn, ĐBSCL cũng nên quy hoạch cụ thể mùa vụ cho từng loại cây.
Cụ thể, đối với nhãn, hiện tại, nhãn ĐBSCL cho trái vào tháng 7 và “đụng hàng” với nhãn miền Bắc cũng như nhãn của các nước lân cận như Trung Quốc, Thái Lan… Do đó, nên quy hoạch mùa nhãn vào các tháng còn lại trong năm, trừ tháng 7, tháng 8.
ĐBSCL cũng đang có một diện tích lớn trồng giống xoài keo, một giống xoài du nhập từ Campuchia sang. Theo ông Châu, giống xoài này được trồng khắp các tỉnh của Campuchia, tuy nhiên, nông dân nước này chưa điều khiển được mùa vụ, xoài keo chỉ cho trái trong khoảng từ tháng 5 – tháng 8 hằng năm. Do đó, để tránh rớt giá vì “dội chợ”, bà con trồng xoài tại ĐBSCL nên xử lý cho trái trước tháng 5, trong khoảng từ tháng 11 – tháng 4.
Riêng đối với chôm chôm, sầu riêng, các tỉnh ĐBSCL nên cho trái trước tháng 7, tháng 8 để tránh trùng lặp với mùa vụ của các tỉnh Đông Nam Bộ. Ngoài ra, để rải vụ trái thanh long, nên giảm sản lượng chính vụ và nên đẩy mạnh sản lượng thanh long ở vụ cuối năm, vừa đáp ứng nhu cầu phục vụ lễ tết trong nước, vừa có thể xuất khẩu được với giá cao.
“Không quy hoạch sớm, bà con lại chuyển hết sang làm trái vụ, quy mô quá lớn thì lúc đó biện pháp này sẽ tác động ngược lại, tình trạng “dội chợ” tiếp tục xảy ra”. Ông Nguyễn Đồng Quảng |
“Với trình độ và kinh nghiệm của bà con nông dân mình hiện nay, việc điều chỉnh mùa vụ các loại cây ăn quả trên đều có thể thực hiện được” – ông Châu khẳng định.
TS Võ Mai – Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cũng đồng ý rằng, công nghệ bảo quản, chế biến sau thu hoạch ngành trái cây của Việt Nam còn quá yếu, chưa thể trông chờ vào đó để xử lý trái cây khi sản lượng tăng. Do đó, việc quy hoạch rải vụ cho các loại trái cây là cần thiết.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Đồng Quảng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) hiện chưa có một đề án riêng cho phát triển nông sản rải vụ, hầu hết nông dân tự mày mò, phát triển theo kiểu “kinh nghiệm dân gian”. Do đó, cần sớm có những khuyến cáo cụ thể về quy mô, mùa vụ cũng như khoa học kỹ thuật… để đảm bảo việc phát triển trái cây vụ nghịch.
“Không quy hoạch sớm thì bà con lại chuyển hết sang làm trái vụ, quy mô quá lớn thì lúc đó biện pháp này sẽ tác động ngược lại, tình trạng “dội chợ” tiếp tục xảy ra” - ông Quảng phân tích.