Loại quả từng chẳng ai thèm để ý nay bỗng gây sốt, giá tới 50.000 đồng/kg, đặt cả tuần mới có
Từng bị lãng quên, nay nhãn rừng lại trở thành "đặc sản" được dân thành phố ưa chuộng.
Nhãn rừng: Loại quả bị lãng quên gây sốt chợ mạng
Nhãn rừng vào mùa sớm hơn nhãn trồng từ 1-2 tháng
Cùng họ nhà nhãn, khi nhắc tới những giống nhãn nổi tiếng như nhãn lồng Hưng Yên, nhãn cùi, nhãn Hương Chi,... rất nhiều người biết và từng ít nhất đôi ba lần thưởng thức.
Nhưng nhãn rừng, không phải ai cũng biết bởi thứ quả này rất hiếm, chỉ mọc trên sườn núi cao, năng suất có hạn, thậm chí nhiều cây còn không ra trái. Vì vậy, mọi người không dễ gì mua được nhãn rừng ở chợ hay ở bất cứ một quầy hàng hoa quả nào dưới đồng bằng.
Theo chia sẻ của chị Xanh, một tiểu thương kinh doanh hoa quả nhiều năm ở Khương Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, nhãn rừng rất hiếm gặp. Nhà chị có người thân trên miền núi, hàng năm tới vụ chị rất kỳ công săn lùng mới gom được nhãn về bán cho khách.
Thường mỗi lần gom nhãn rừng, chị Xanh chỉ thu mua được vài chục cân. Có lần, chỉ được vài cân nên khách phải đợi 1-2 tuần mới có. Chị Xanh rao bán nhãn rừng với giá 50.000 đồng/kg. Tuy giá cao hơn nhãn thường một chút nhưng vì hương vị đặc biệt và hiếm gặp nên lúc nào nhãn rừng cũng cháy hàng.
Ngoài nhãn rừng, chị Xanh cũng gom bán rất nhiều hoa quả đặc trưng của miền núi phía Bắc như ớt rừng, mận hậu đồi, xoài tròn Yên Châu, mắc cọp, mắc kén,... Tất cả đều là sản vật vùng cao, hoàn toàn tự nhiên không thuốc thực vật cũng như chất bảo quản.
Tuy nhiên, do việc gom hàng và vận chuyển xuống dưới xuôi khá vất vả nên khi bán, chị cũng thẳng thắn chia sẻ để khách hàng cùng chịu một phần cước phí với mình.
Trên chợ mạng và chợ chung cư, nhãn rừng được bán với giá khoảng 50.000 đồng/kg. Dù giá cao hơn nhãn trồng một chút nhưng do hương vị đặc biệt, nhãn rừng luôn thu hút sự tò mò của người thành phố và thường xuyên trong tình trạng cháy hàng.
Nhãn rừng dùng để làm gì?
Các loại quả rừng với đặc điểm sạch và hương vị độc đáo đã thu hút sự chú ý và tò mò của chị em ở thành phố
Nhãn rừng có vị ngọt bùi, hoàn toàn khác với các loại nhãn khác. Đặc biệt, cùi nhãn rừng mỏng, không dày như nhãn trồng, ruột màu vàng óng, dẻo thơm. Vỏ nhãn dày và cứng, quả nhỏ hơn nhãn thường, rất dễ phân biệt.
Nhãn rừng có thể được sử dụng để làm đồ ăn vặt, ngâm rượu rất thơm hoặc làm cocktail, và nhiều người rất ưa chuộng cách dùng này.
Nhiều người nghĩ cây dại này không ăn được, nhưng thực chất cả lá và quả đều có thể làm thành món ngon, có hương vị đặc trưng.
Nguồn: [Link nguồn]