Loại hạt màu nâu của Việt Nam giá cao chót vót, còn 200 nghìn tấn để xuất khẩu

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Nhờ bán được mức giá cao chót vót, loại hạt màu nâu của Việt Nam đã thu về 3,54 tỷ USD chỉ trong 7 tháng năm nay. Tuy nhiên, nước ta chỉ còn vỏn vẹn 200.000 tấn hàng để xuất khẩu trước khi bước vào vụ thu hoạch tiếp theo.

Những ngày đầu tháng 8, cà phê tiếp tục được giao dịch với mức giá cao chót vót. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 7/8, trên sàn London, cà phê Robusta giao tháng 9/2024 tăng mạnh lên mức 4.383 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 11/2024 cũng tăng lên ngưỡng 4.190 USD/tấn.

Tương tự, trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2024 tăng lên mức 235,95 cent/lb và kỳ hạn giao tháng 12/2024 ở ngưỡng 232,95 cent/lb.

Tại thị trường nội địa, sau một vài phiên giảm, giá cà phê nhân xô quay lại đà tăng và được giao dịch quanh ngưỡng 122.000-122.500 đồng/kg.

Giá cà phê tăng mạnh trở lại là bởi cơ quan dự báo Rural Clima cho rằng nhiệt độ ở phía nam Brazil có thể giảm xuống gần mức đóng băng vào tuần tới, gây hại cho cây trồng này. Cùng với đó, thông tin nguồn cung cà phê của Mexico và Trung Mỹ bắt đầu thắt chặt, sớm hơn trong chu kỳ xuất khẩu 12 tháng so với năm ngoái đã thúc đẩy giá cà phê tăng cao.

Việt Nam chỉ còn khoảng 200.000 tấn cà phê để xuất khẩu trước khi bước vào vụ thu hoạch mới. Ảnh: Nguyễn Huế

Việt Nam chỉ còn khoảng 200.000 tấn cà phê để xuất khẩu trước khi bước vào vụ thu hoạch mới. Ảnh: Nguyễn Huế

Tại Việt Nam, nguồn cung cà phê suy giảm. Những tháng gần đây, lượng cà phê xuất khẩu tháng sau lại giảm mạnh so với tháng trước.

Theo ước tính, 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam xuất khẩu 964 nghìn tấn cà phê, thu về gần 3,54 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu cà phê giảm 13,8% về lượng, nhưng tăng mạnh 30,9% về giá trị nhờ giá loại hạt màu nâu này tăng 51,7% lên mức 3.669 USD/tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo xuất khẩu cà phê của nước ta trong các tháng còn lại của quý III năm nay sẽ giảm do nguồn cung thấp. 

Số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy, niên vụ 2023-2024, sản lượng cà phê của nước ta ước đạt 1,47 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, giảm 20% so với niên vụ trước đó.

Nếu không tính lượng hàng tồn kho của năm trước chuyển sang, Việt Nam chỉ còn khoảng 200.000 tấn cà phê nhân để xuất khẩu từ nay đến tháng 9. Tháng 10 tới đây, khi vụ thu hoạch cà phê 2024-2025 bắt đầu thì nguồn cung mới tăng trở lại. 

Song, với diễn biến thời tiết không thuận lợi, sản lượng cà phê niên vụ 2024-2025 được dự báo nhiều khả năng tiếp tục giảm về mức 21,4-22,7 triệu bao (bao 60kg). Dù vậy, ngành hàng cà phê Việt vẫn sẽ hưởng lợi về giá. 

Theo Bloomberg, giá cà phê Robusta toàn cầu sẽ biến động theo xu hướng tăng mạnh và kéo dài do lo ngại nguồn cung khan hiếm từ Việt Nam.

Còn Tổ chức Cà phê thế giới nhận định, toàn cầu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu 35 triệu bao (60kg/bao) cà phê Robusta vào năm 2040. Do đó, giá cà phê sẽ thiết lập lại mặt bằng mới và neo ở ngưỡng cao.

Tuy nhiên, ngành cà phê Việt sẽ phải thích ứng với Quy định chống phá rừng và suy thoái rừng của châu Âu (EUDR). Quy định này bắt đầu có hiệu lực từ 30/12/2024.

Hiện châu Âu là khu vực nhập khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam. Chỉ tính riêng quý II/2024, thị trường châu Âu chiếm 44,8% tổng giá trị xuất khẩu cà phê của nước ta. Vì vậy, nếu cà phê Việt không đáp ứng được EUDR thì hoạt động xuất khẩu sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế, nhu cầu cà phê từ các nhà nhập khẩu châu Âu đang tăng trong những tháng gần đây do xu hướng tích trữ hàng tồn kho trước thời hạn tuân thủ các tiêu chuẩn EUDR. Quy định này được đưa ra nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu các sản phẩm liên quan đến nạn phá rừng, yêu cầu các biện pháp thẩm định và truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt đối với các mặt hàng, trong đó có cà phê.

Những quả mít non đang được thương lái đi tìm mua với mức giá lên đến 7.000 đồng/kg, chỉ cần đạt một số tiêu chí nhất định thì có bao nhiêu cũng mua hết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tâm An ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN