Loại củ giúp người Mông xoá nghèo mất giá, bán chẳng ai mua
Đặc sản gừng Kỳ Sơn vào vụ thu hoạch, dù giá đã rớt xuống đáy nhưng vẫn không có ai mua khiến người dân gặp khó. Hơn 4.000 tấn gừng hiện vẫn đang nằm chờ được giải cứu.
Kỳ Sơn là huyện biên giới phía Tây của tỉnh Nghệ An, với quỹ đất dồi dào, có nhiều vùng tiểu khí hậu cận ôn đới, thổ nhưỡng giàu mùn và hàm lượng cacbon hữu cơ. Địa phương này có tiềm năng lớn về phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp với nhiều loại động - thực vật phong phú. Trong đó, cây gừng trồng ở nơi đây cho chất lượng sản phẩm đặc trưng, hàm lượng tinh dầu cao.
Ngày 15/11/2019, Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077 cho sản phẩm Gừng Kỳ Sơn.
Nhận thấy tiềm năng và lợi thế trong phát triển cây gừng, huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo các phòng, ngành chức năng hướng dẫn người dân tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật về trồng gừng hữu cơ hoàn toàn sạch. Nhờ có chất lượng tốt nên củ Gừng Kỳ Sơn được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới.
Gừng Kỳ Sơn từ lâu là cây trồng đặc sản của bà con người Mông, nơi vùng giáp biên. Ở thời điểm đầu năm 2021, mỗi kg gừng có giá 25.000 đồng. Tính ra, 1ha gừng thu về chừng 300 triệu đồng. Bởi thế, cây gừng đã trở thành cây xóa nghèo, rồi cây làm giàu cho nhiều người dân địa phương.
Huyện Kỳ Sơn hiện có gần 800ha gừng, tập trung ở một số xã như Na Ngoi, Tây Sơn, Đọoc Mạy, Nậm Cắn, Huồi Tụ, Keng Đu và Phà Đánh. Đây là vùng có thời tiết mát mẻ, mây mù bao phủ, gừng được trồng ở lưng chừng núi nên phù hợp với quá trình sinh trưởng và phát triển, cho năng suất khá cao.
Ông Phan Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết, năm nay sản lượng gừng của Kỳ Sơn đạt 5.400 tấn. Thời điểm này những năm trước, gừng được các thương lái thu mua với giá từ 22.000-33.000 đồng/kg, đỉnh điểm lên tới 36.000 đồng/kg. Tuy nhiên, năm nay ngay đầu vụ thu hoạch giá gừng đã giảm xuống dưới 5.000 đồng/kg.
“Dù giá chưa tới 5.000 đồng/kg nhưng cũng rất khó bán”, ông Mạnh nói và cho biết, ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến việc tiêu thụ gừng gặp khó khăn. Trong khi đó, gừng từ các địa phương khác có mẫu mã đẹp bán trên thị trường nhiều, nên khó cạnh tranh.
Để gỡ khó cho bà con nông dân, Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã gửi thư ngỏ kêu gọi các cấp Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gừng Kỳ Sơn.
Sở Công Thương tỉnh Nghệ An cũng đã có công văn gửi các tổ chức, đoàn thể, địa phương trên địa bàn tỉnh về việc hỗ trợ kết nối, tiêu thụ sản phẩm gừng trên địa bàn huyện Kỳ Sơn.
“Gần 1 tháng qua, hiện các đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thu mua hơn 60 tấn gừng giúp người dân. Con số này vẫn còn rất ít so với số gừng còn tồn đọng. Hiện vẫn còn 4.500 tấn gừng, nếu hết tháng này không bán được thì gừng sẽ giảm chất lượng”, ông Mạnh nói.
Những hải sản bán ở khu chợ này đều có kích thước to hơn bình thường, đặc biệt giá thành lại rất rẻ.
Nguồn: [Link nguồn]