Loại củ dân dã từng ''rẻ như cho'' chuẩn bị được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc

Dự kiến một tháng nữa, lô hàng khoai lang đầu tiên sẽ được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường chính ngạch. Điều này mở ra lối thoát cho nông dân trồng khoai lang vốn đã lâm vào tình cảnh không bán được sản phẩm trong hai năm nay.

Giá cả bấp bênh, có thời điểm chỉ 1.000 đồng/kg

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPT&NT), cả nước có trên 100.000 ha khoai lang, sản lượng hằng năm dao động trong khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn. Khoai lang là cây lương thực truyền thống (chỉ đứng sau lúa, ngô) của Việt Nam và khoảng 10 năm trở lại đây, cây khoai lang đã phát triển thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu đã từng đạt đến 60 triệu USD.

Tuy nhiên, người trồng khoai lang trong nước vẫn trong tình trạng bấp bênh vì một số nơi nông dân thường tự ý phá quy hoạch khi gặp biến động thị trường. Đặc biệt, tình trạng rớt giá và không tiêu thụ được kéo dài hai năm gần đây làm người nông dân không còn mặn mà với việc phát triển cây khoai lang.

Nhiều năm qua, người trồng khoai lang trong nước vẫn trong tình trạng bấp bênh.

Nhiều năm qua, người trồng khoai lang trong nước vẫn trong tình trạng bấp bênh.

Vĩnh Long là địa phương có vùng trồng khoai lang lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, có thời điểm giá khoai lang chỉ còn 1.500 - 2.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg, dẫn đến nông dân thua lỗ, diện tích sản xuất thu hẹp.

Đơn cử như vào giữa tháng 5/2021, nhiều nông dân trồng khoai lang tím Nhật tại Vĩnh Long lâm vào cảnh khốn đốn vì giá nông sản này rớt giá mạnh, chỉ còn chưa tới 1.000 đồng/kg. Thậm chí, có người trồng kêu cho nhưng không ai lấy.

Trước đây, diện tích sản xuất khoai lang của tỉnh Vĩnh Long lên đến 13.000 - 14.000ha, nay còn khoảng 750ha. Tuy nhiên, từ khi phía Trung Quốc chấp thuận cho xuất chính ngạch đã thúc đẩy nông dân gia tăng diện tích, giá khoai lang cũng tăng.

Vùng trồng khoai lang trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Vùng trồng khoai lang trên địa bàn huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.

Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang tương đối lớn, biến động từ 7.000 – 10.000 ha/năm, năng suất khoai lang đạt khoảng từ 25 – 30 tấn/ha, tập trung chủ yếu ở các huyện Lắk, Krông Ana, Krông Búk...

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lắk (địa phương có diện tích khoai lang lớn nhất Đắk Lắk), những năm trước, khoai lang Nhật đã mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân. Do đó, nông dân nhiều nơi đã mở rộng diện tích canh tác.

Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 bùng phát thì đầu ra của khoai lang không còn ổn định và giá liên tục giảm xuống thấp. Nhất là thời điểm thu hoạch khoai lang vào tháng 6/2022, giá khoai giảm sâu, chỉ còn 4.000 - 5.000 đồng/kg tại ruộng mà vẫn không có thương lái đến mua.

Nguyên nhân do chính sách "zero covid" của Trung Quốc nên hoạt động xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường này bị chặn lại, toàn bộ hàng không thông quan được nên thương lái không dám thu mua.

Lần đầu tiên được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, mở ra cơ hội mới cho nông dân trồng khoai

Theo thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NNPT&NT, mới đây Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã có thông báo phê duyệt danh sách những cơ sở đóng gói và vùng trồng khoai lang của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc…

Cụ thể, thông qua kiểm tra trực tuyến và trao đổi kỹ thuật, phía Trung Quốc xác nhận có 13 cơ sở đóng gói và 70 vùng trồng khoai lang của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, với sản lượng khoảng 1,2 - 1,3 triệu tấn mỗi năm. Dự kiến trong vòng 1 tháng tới, container khoai lang đầu tiên của Việt Nam sẽ chính thức có mặt tại thị trường Trung Quốc.

 Khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang   thị trường Trung Quốc, là tín hiệu vui cho người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.

Khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc, là tín hiệu vui cho người nông dân cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.

Cùng với đó, danh sách 70 vùng trồng đủ điều kiện đã được đăng tải đầy đủ trên website của Cục Kiểm dịch động thực vật, Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại địa chỉ: http://dzs.customs.gov.cn.

Trong số 70 vùng trồng khoai lang đủ điều kiện xuất khẩu sang Trung Quốc, tỉnh Vĩnh Long có nhiều mã số vùng trồng nhất với 27 mã; tiếp đó là Đồng Tháp 22 mã số vùng trồng; Gia Lai có 18 mã được phép xuất khẩu sang Trung Quốc; Quảng Ninh, Thanh Hóa, Long An mỗi tỉnh 1 mã vùng trồng.

Trước đó, để sản phẩm khoai lang Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc cũng là một lộ trình khá dài. Sau rất nhiều năm với nhiều cuộc đàm phán, ngày 9/11/2022 phía Việt Nam mới ký kết thêm 1 Nghị định thư về xuất khẩu khoai lang sang thị trường Trung Quốc. Đây là "cánh cửa" mở ra cơ hội mới cho nông dân trồng khoai cũng như doanh nghiệp xuất khẩu.

Trên thực tế, từ trước đến nay thị trường xuất khẩu lớn của khoai lang Việt Nam cũng là Trung Quốc nhưng chủ yếu qua đường tiểu ngạch, tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho cả nông dân và doanh nghiệp…

Việc khoai lang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội lớn cho nông dân Việt Nam phát triển ngành hàng, gia tăng giá trị kinh tế cũng như chuyển dịch dần từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Đặc biệt, trong bối cảnh xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực giảm mạnh những tháng đầu năm, thì khoai lang có thể trở thành cứu cánh, giúp toàn ngành tăng tốc trở lại trong quý II.

Theo ông Hoàng Trung- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, Cục đã phối hợp GACC để cùng chuẩn bị các điều kiện phục vụ cho xuất khẩu; trong đó có nộp danh sách các hồ sơ về vùng trồng, cơ sở đóng gói khoai lang để phía bạn xem xét.

Đồng thời, Cục cũng lập kế hoạch và cam kết sớm tổ chức những lớp tập huấn hướng dẫn về các điều kiện cụ thể cho mã số vùng trồng, cũng như một số yêu cầu kỹ thuật liên quan. Đối tượng tập huấn là chủ các mã số, cán bộ chuyên môn ở địa phương để tất cả cùng kiểm tra, giám sát, cùng chung tay để thực hiện đúng, đủ các yêu cầu kiểm dịch trước khi đưa hàng lên cửa khẩu…

Trong thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tiếp tục phối hợp, hỗ trợ cơ quan chuyên môn tại địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện cho doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại cá được ví von là ”gà nước mặn”, hơn 1 triệu/kg thành đặc sản nổi tiếng khắp vùng

Loại cá này có thân hình đặc biệt, còn được biết đến với tên gọi là cá thiết giáp.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Như Hoa ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN