Loại cây trồng trên đỉnh núi cao 1.000 m giúp người dân bản biên giới xóa đói
Trồng lúa không hiệu quả, người dân ở bản Pà Ca (xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An) đã chuyển sang trồng những rẫy lạc trên đỉnh núi cao, giúp người dân có thu hoạch tốt, từng bước xóa đói giảm nghèo.
Những ngày cuối tháng 11, các hộ dân ở bản Pà Ca (xã Nậm Cắn, Kỳ Sơn, Nghệ An) lại tất bật thu hoạch lạc để bán cho thương lái. Lạc đã vừa độ chín, nếu không thu hoạch kịp thì sản lượng sẽ bị thấp do lạc hỏng. Vì thế, nhiều gia đình phải huy động toàn bộ nhân lực trong nhà lên rẫy thu hoạch lạc.
Vùng rừng núi ở bản Pà Ca (xã Nậm Cắn) cao hơn 1.000 m so với mực nước biển vốn là rẫy trồng lúa. Tuy nhiên, nhiều năm qua hạn hán, chuột phá hoại rồi thời tiết thất thường khiến lúa mất mùa, năng suất giảm.
Từ việc trồng lúa cho thu nhập thấp, năm 2020, một số người ở bản Pà Ca bắt đầu mua lạc giống về trồng thử trên rẫy. Đợt trồng thử nghiệm đầu tiên, lạc phát triển nhanh, xanh tốt. Cuối mùa thu hoạch, lạc cho thu nhập cao nên người dân bắt đầu mở rộng diện tích trồng lạc dần thay cho những rẫy lúa khô cằn.
Mùa lạc Thu Đông 2023 này, gia đình anh Nhang Phò Trang (trú bản Pà Ca) trồng lạc trên diện tích rẫy rộng hơn 0,7 ha. Đây là năm thứ 2 gia đình anh trồng lạc thay lúa. Anh Trang cho hay năm 2022, gia đình anh mua 60 kg lạc giống về trồng cho thu nhập hơn 20 triệu đồng. Năm nay, gia đình anh gieo nhiều hơn với 80 kg lạc giống. Hiện gia đình anh đang thu hoạch lạc và ước tính thu về khoảng 25 triệu đồng.
“Trồng lạc khỏe lắm, chỉ cần gieo giống, làm cỏ ít bữa xong rồi chờ thu hoạch thôi chứ không cần chăm sóc gì nhiều. Trồng lạc thấy cũng không sâu bệnh gì. Trước đây, rẫy ta trồng lúa chỉ bán được có 10 triệu đồng thôi. Giờ trồng lạc thu nhập gấp đôi trước, phấn khởi lắm”, anh Trang nói.
Bà Ven Thị May (59 tuổi, trú bản Pà Ca) vừa gỡ những củ lạc ra khỏi thân cây vừa phấn khởi nói: “Lạc của bà con Khơ Mú trồng trên các đỉnh núi cao nên sạch. Dân chúng tôi trồng không dùng phân bón gì cả. Lạc rất chắc, ngọt, có màu hồng chứ không đỏ như lạc dưới xuôi nên thương lái họ rất thích mua”.
Người dân địa phương cho hay các đỉnh núi và sườn núi ở xã Nậm Cắn khá dốc, có đất sét pha cát rất thích hợp với cây lạc. Lạc được trồng khoảng 3 tháng thì cho thu hoạch. Người dân thường trồng từ tháng 8 đến tháng 11 thì thu hoạch và bán.
Do trồng trên đồi có nhiều nơi đất sét bám nên ngoài việc nhổ bằng tay, người dân phải dùng công cụ hỗ trợ để thu hoạch lạc như cuốc, cào...
Sau khi nhổ lạc, người dân ngồi tại chỗ gỡ củ lạc ra khỏi thân để đưa về nhà cho gọn.
Thông thường người dân đi thu hoạch lạc từ sáng đến chiều tối mới về nên trong gùi sẽ mang theo những hộp cơm để buổi trưa tranh thủ ăn rồi tiếp tục làm.
Lạc sau khi thu hoạch được thương lái đến tận nơi thu mua với giá 15.000 đồng/kg lạc tươi, 22.000-25.000 đồng/kg lạc khô. Đây cũng là nguồn thu nhập chính của phần lớn người Khơ Mú ở xã biên giới Nậm Cắn.
Lạc sau khi thu hoạch được người dân cho vào từng bì rồi gùi về. Do những rẫy lạc trên đỉnh núi cao nên việc người dân vận chuyển lạc về gặp khó khăn, mất sức.
Đôi khi người dân chỉ cần đưa lạc xuống khỏi rẫy sẽ có người hỏi mua ngay.
Ông Lầu Bá Chày - Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết toàn xã hiện có khoảng 70 ha trồng lạc. Lạc được trồng ở nhiều bản khác nhau, nhưng tập trung chủ yếu ở bản Pà Ca. Đây là bản có 100% là người dân tộc thiểu số Khơ Mú sinh sống.
“Trồng lạc cho thu nhập cao gấp đôi so với trồng lúa nên người dân rất phấn khởi. Hiện xã tìm thêm một số giống lạc mới phù hợp với đất đai, khí hậu trên địa bàn để người dân sản xuất và tìm đầu ra ổn định để giúp người dân mở rộng diện tích trồng”, ông Chày nói và cho hay loại cây này từng bước giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân địa phương.
Được ví như gà nước mặn, loại cá này ở Phú Yên luôn được săn đón dù giá cả đắt đỏ hàng triệu đồng một cân.
Nguồn: [Link nguồn]