Loài cây trồng 1 lần thu hoạch cả đời, giúp người dân miền núi thoát nghèo
Chỉ cần mua giống rồi trồng 1 lần, nếu được chăm sóc tốt thì những rừng tre mét có thể cho thu hoạch 50-60 năm. Nhờ tre, nhiều gia đình ở các xã miền núi đã vươn lên thoát nghèo.
Vào rừng cùng gia đình thu hoạch tre, mét để bán cho thương lái, anh Vũ Văn Thủy (trú tại bản Na Tụng, xã Tam Thái, huyện Tương Dương, Nghệ An) cho biết, gia đình anh có hơn 1ha rừng trồng đã đến kỳ thu hoạch. Năm nay tre, mét bán được giá khoảng 900 nghìn đồng/1 tấn. Rừng tre mét của gia đình anh Thủy đạt sản lượng từ 7-9 tấn/1 năm cho thu nhập từ 8-12 triệu đồng tùy đợt. “Số tiền không lớn nhưng đối với những gia đình huyện miền núi thì đây là nguồn thu ổn định ngoài nương rẫy và các công việc khác, góp phần trang trải cuộc sống gia đình”, anh Thủy cười nói.
Huyện Tương Dương (Nghệ An) hiện có hơn 2000 ha rừng trồng tre, mét.
Anh Thủy chia sẻ, cây tre, mét có ưu điểm dễ trồng và kinh tế hơn các loại cây lấy gỗ như keo, tràm. Thông thường, sau hơn 2 năm trồng, cây bắt đầu cho thu hoạch. Đặc biệt, cây tre, mét chỉ cần trồng 1 lần là có thể cho thu hoạch đến 50 năm nếu biết cách chăm sóc.
“Cây tre, mét là cây đa tác dụng. Cây non có thể thu hoạch măng bán sử dụng làm thực phẩm với giá khá cao. Cây già có thể làm vật liệu xây dựng, nguyên liệu làm đồ thủ công mỹ nghệ, trang trí các công trình quán xá, làm giấy…” anh Thủy nói.
Đây là một trong những loại cây chủ lực, giúp người dân địa phương vươn lên thoát nghèo.
Anh Chạng Văn Thế (trú tại xã Tam Thái, huyện Tương Dương) cho biết, tre, mét phát triển rất nhanh. Đặc biệt, loại cây này ít sâu bệnh, công chăm sóc ít, sản sinh cây con nhiều nên được người dân ưa chuộng trồng. Với giá bán khoảng 900 nghìn đồng/1 tấn tùy thời điểm, mỗi năm rừng tre mét của gia đình anh Thế cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Được biết, huyện Tương Dương là một trong những huyện miền núi ở tỉnh Nghệ An có diện tích trồng tre, mét lớn. Theo thống kê, huyện này hiện có hơn 2000ha rừng trồng tre, mét, tập trung nhiều ở các xã như Tam Quang, Thạch Giám, Yên Thắng, Tam Thái, Tam Đình… Trong đó, xã Tam Quang có diện tích nhiều nhất với hơn 700ha. Nhờ giá trị kinh tế mang lại đã giúp người dân ở các xã vùng núi cao này có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo.
Người dân vào rừng tỉa cành để cây tre, mét phát triển tốt.
Trước đây, rừng tre, mét được trồng thông qua các chương trình, dự án phủ xanh đất trống, đồi núi trọc hoặc do các dự án lâm nghiệp tài trợ. Không chỉ có tác dụng trong phát triển kinh tế, cây tre mét còn góp phần giúp hạn chế lũ lụt, xói mòn, sạt lở núi.
Những năm trở lại đây, nhu cầu cây tre, mét làm các sản phẩm đồ mỹ nghệ, vật liệu xây dựng, nguyên liệu giấy tăng cao. Vì vậy, loại cây này dần trở thành cây trồng chủ lực của huyện Tương Dương, diện tích trồng cây tre, mét cũng được tăng dần.
Xác định là một trong những sản phẩm lâm nghiệp trọng tâm, năm 2022, UBND huyện Tương Dương đã thông qua “Đề án phát triển cây tre mét giai đoạn 2021 - 2025”. Ngoài việc hướng dẫn kỹ thuật, chăm sóc, khai thác cho người dân địa phương, huyện đặt mục tiêu mở rộng rừng tre mét lên 10.000ha, hình thành vùng nguyên liệu tập trung gắn với cơ sở chế biến sâu các sản phẩm.
Tre, mét được sử dụng làm nhiều sản phẩm, đồ thủ công mỹ nghệ hay trong ngành xây dựng.
Ông Lô Khăm Kha - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tương Dương cho biết, cây tre, mét là cây chủ lực, giúp xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn huyện này. Hiện huyện cùng các đơn vị đang cố gắng xúc tiến để xây dựng chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC) và làm vùng nguyên liệu cho một số nhà máy trên địa bàn.
“Trong đề án, huyện sẽ phát triển diện tích trồng tre mét từ 2.000ha lên 10.000ha. Loại cây này người dân trồng 1 lần có thể thu hoạch 50-60 năm”, ông Kha nói và cho biết, trung bình mỗi năm toàn huyện thu hoạch khoảng 400 nghìn cây tre mét, mang lại thu nhập tốt cho người dân.
Tre, mét còn được thu mua làm phôi giấy.
Công ty Khôi Trúc là đơn vị thu mua tre mét lớn trên địa bàn huyện Tương Dương. Theo giám đốc công ty Cao Anh Khoa, công ty của ông mỗi năm thu mua khoảng 15.000 tấn cây tre, mét của người dân trên địa bàn, tương đương hơn 13 tỷ đồng. “Người dân thu hoạch nhiều và bán nhiều. Những cây to đẹp chắc chắn thì bán cho các đơn vị làm xây dựng và ngành nghề khác. Những cây nhỏ hơn thì chúng tôi thu mua về làm đũa, làm đồ thủ công mỹ nghệ, làm phôi giấy thô để sản xuất vàng mã. Cây tre mét là cây chủ lực, giúp người dân có thêm thu nhập tốt”, ông Khoa nói.
Nguồn: [Link nguồn]
Thứ này được mệnh danh là "vàng đỏ" giữa núi rừng Tây Bắc.