Loại cá đặc sản vùng cao có giá đắt đỏ: 500 nghìn/kg vẫn được khách săn lùng

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Loại cá này được đồng bào người Dao sinh sống trên địa bàn huyện Vị Xuyên (Hà Giang) nuôi thả từ bao đời nay, thậm chí có những thôn bản 100% số hộ dân đều nuôi trước nhà… giờ đây trở thành món đặc sản nổi tiếng được nhiều người ưa thích dù đắt đỏ.

Cá bỗng vốn là loài cá tự nhiên, sống ở các con sông lớn thuộc vùng núi phía Bắc, như tại sông Lô, sông Gâm. Loại cá này có giá trị dinh dưỡng cao, nên từ xa xưa đã trở thành 1 trong 5 loại cá tiến Vua (cá lăng, cá anh vũ, cá dầm xanh, cá chiên và cá bỗng).

Đặc điểm của cá bỗng là thường ăn ít, dễ nuôi và lớn rất chậm. Đặc biệt, cá cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày thì mới có thể sống.

Cá bỗng được người Dao nuôi tại ao nước sạch trước hiên nhà

Cá bỗng được người Dao nuôi tại ao nước sạch trước hiên nhà

Trung bình, một con cá bỗng 10 - 20 năm tuổi cũng chỉ có trọng lượng trung bình khoảng 5 - 6kg, nhưng bù lại chất lượng thịt cá rất thơm ngon, chắc thịt và có thể chế biến thành nhiều món như gỏi, nướng, hấp…. Chính vì vậy, dù gia đình nào cũng có ao cá, nhưng chỉ vào mỗi dịp có khách quý, hay những ngày lễ, Tết mới được người dân chế biến.

Ông Đặng Văn Háu, trưởng thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang cho biết, loại cá bỗng này đã có trong ao của hầu hết đồng bào người Dao khoảng gần 100 năm nay. Riêng tại thôn Xà Phìn có 53 hộ dân thì 100% các gia đình đều nuôi cá bỗng.

Cá bỗng chỉ ăn lá chuối, cỏ sạch 

Cá bỗng chỉ ăn lá chuối, cỏ sạch 

“Từ thời cha ông, trong mỗi hộ gia đình người Dao chúng tôi nhất định đều có ao cá bỗng trước nhà. Sở dĩ vậy, bởi đa số người Dao sinh sống nhờ các nguồn nước trên núi và cá bỗng cũng chỉ sống ở môi trường nước sạch tinh khiết. Do đó, khi cá sống khỏe, có nghĩa nguồn nước sẽ đảm bảo cho người sử dụng. Và cứ như vậy đến ngày nay, ao cá bỗng không thể thiếu trong mỗi gia đình Dao nơi đây. Thậm chí, tại ao nuôi cá của nhiều gia đình, hiện có những con cá đã nuôi tới 30 năm” – ông Háu chia sẻ.

Nhiều hộ gia đình nuôi cá bỗng cả chục năm mà không thịt

Nhiều hộ gia đình nuôi cá bỗng cả chục năm mà không thịt

Tuy nhiên, những người lớn tuổi trong thôn kể, dù dễ nuôi, nhưng không phải ở đâu cũng nuôi được cá bỗng. Xã Xà Phìn có 4 thôn, nhưng chỉ có hai thôn ở vị trí cao hơn, đảm bảo nguồn nước sạch và không khí mát mẻ quanh năm mới đủ điều kiện nuôi được loại cá này.

Thức ăn của cá bỗng chủ yếu là rau, cỏ, hay các phụ phẩm nông nghiệp được người dân tận dụng từ rừng hoặc quanh vườn, chứ không hề sử dụng thức ăn công nghiệp.

Nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng tăng, sau này, qua quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, cá bỗng được nuôi ở phạm vi rộng để phục vụ mục đích kinh doanh. Mỗi kg cá bỗng dao động từ 300 đến 500 nghìn đồng/kg, cao hơn các loại cá khác, nên nhiều hộ dân đã tích cực đầu tư, mở rộng diện tích ao nuôi thả kết hợp du lịch sinh thái, dịch vụ lưu trú Homestay để phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập. Giờ đây, cá bỗng đã trở thành thứ đặc sản nổi tiếng của đồng bào người Dao, người Tày tại Hà Giang.

Thịt cá bỗng ngon, giòn, là món đặc sản tại vùng cao Hà Giang

Thịt cá bỗng ngon, giòn, là món đặc sản tại vùng cao Hà Giang

Theo ông Lục Xuân Vần, một trong những hộ gia đình nuôi cá lớn nhất huyện Vị Xuyên, để nuôi được cá bỗng, ao nuôi cần phải có nguồn nước suối sạch, chảy liên tục. Môi trường sống trong lành, khí hậu mát mẻ quanh năm.

"Hiện trong ao nhà tôi luôn duy trì khoảng hơn 400 con cá có tuổi 2 - 5 năm. Cá phải đạt đủ thời gian nuôi tối thiểu 2 năm và đạt trọng lượng trên 2kg mới có thể bán. Giá thị trường hiện nay dao động khoảng 250 - 500 nghìn đồng/kg, tùy trọng lượng và tuổi của cá. Mỗi năm tôi xuất bán, thu về trên 200 triệu đồng”, ông Vần cho biết.

Anh Hoàng Anh, du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Nghe nói về đặc sản cá bỗng từ lâu, nhưng lên Hà Giang lần này mới có cơ hội thử. Món cá này được bà con chế biến thành 5 món, kể cả vây cá cũng được rang giòn ăn rất ngon và lạ miệng. Với hơn 1 triệu đồng cho bữa ăn 5 - 6 người, được thưởng thức món cá đặc sản, tôi cảm thấy hoàn toàn hợp lý”.

Ông Lê Thanh Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: Nhận thấy giá trị kinh tế và tiềm năng lớn từ nuôi cá bỗng, địa phương đang xây dựng, phát triển cá bỗng trở thành sản phẩm chủ lực theo hướng OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm). 

Nguồn: [Link nguồn]

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Chi ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN