Lo Việt Nam thành bãi rác thịt heo, bò… bẩn
Bộ Nông nghiệp Úc vừa thông báo các trường hợp vi phạm nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam.
Lượng thịt heo, bò, gà… nhập khẩu tăng cao kỷ lục, người mua kẻ bán dễ dàng giao dịch online làm dấy lên lo ngại Việt Nam sẽ thành bãi rác của các loại thịt thải loại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhãn mác.
Nỗi lo thịt bẩn
Mới đây Đội Quản lý thị trường thuộc Cục Quản lý thị trường Lạng Sơn phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra ô tô biển số 12D-001.05. Đoàn kiểm tra phát hiện ô tô đang vận chuyển 18 bao dứa màu xanh, bên trong có chứa các thùng xốp bịt kín túi nylon ướp đá lạnh, dán băng dính có chữ Trung Quốc... Kiểm tra các thùng xốp, lực lượng chức năng phát hiện khoảng 720 kg nầm lợn không hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch kèm theo. Đáng lo là số nầm lợn này chảy nước, màu đen và bốc mùi ôi thối rất khó chịu.
Đây chỉ là một trong số rất nhiều vụ thịt bẩn, thịt lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ mà các cơ quan chức năng phát hiện trong thời gian gần đây.
Chị Diệu Huyền (quận Tân Phú, TP.HCM) cho biết gia đình chị thường mua các loại thịt nhập khẩu bán trong siêu thị, cửa hàng hoặc đặt online. Dù có xem thông tin trên bao bì nhưng chị vẫn thấy e ngại vì thịt nhập khẩu theo dạng rã đông hoặc pha lóc đóng gói nhưng lại không ghi chi tiết về nguồn gốc sản phẩm.
“Thường trên bao bì thịt nhập chỉ ghi xuất xứ Úc, Mỹ… Sản phẩm đông lạnh thì có ghi thêm công ty nhập khẩu, còn thịt pha lóc ra thì không thể biết rõ nguồn gốc, xuất xứ ở đâu. Trong khi người tiêu dùng muốn nắm rõ thịt heo, thịt bò… nuôi ở đâu; các trang trại đó được nước xuất khẩu chứng nhận ra sao; quy trình giết mổ, chế biến, vào kho lạnh xuất sang Việt Nam ngày nào… để từ đó có thể nắm được những thông tin quan trọng cũng như hạn sử dụng. Nhưng hiện nay những thông tin trên rất mù mờ khiến người dùng sợ ăn phải thịt bẩn, thịt hết đát” - chị Huyền lo lắng.
Gần đây, các lực lượng chức năng liên tục phát hiện thịt không rõ nguồn gốc, chất lượng kém. Trong ảnh: Lực lượng chức năng tỉnh Lạng Sơn phát hiện 2.300 kg nầm lợn nhập lậu từ Trung Quốc. Ảnh: TU.
Yêu cầu nước xuất khẩu chia sẻ dữ liệu
Nỗi lo thịt bẩn, cận đát, hết đát được tuồn vào Việt Nam là điều mà không chỉ người dân lo lắng. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, lo ngại trước tình trạng nhiều nơi liên tiếp phát hiện nguồn thịt nhập không rõ nguồn gốc, chất lượng kém, bốc mùi hôi thối. “Nếu cơ quan chức năng kiểm soát không chặt thì Việt Nam có nguy cơ trở thành bãi rác của các loại thịt thải loại. Lúc đó, người tiêu dùng là người phải gánh chịu hậu quả” - ông Đoán cảnh báo.
Gần 1.600 con trâu, bò nhập khẩu từ Úc… biến mất Thương vụ Việt Nam tại Úc vừa dẫn báo cáo của Bộ Nông nghiệp Úc cho biết tính đến cuối tháng 5-2019, đã có 33 lô hàng gia súc sống được xuất khẩu qua đường biển vào Việt Nam. Tổng số lô hàng này bao gồm 90.560 con bò và 397 con trâu. Tuy nhiên, có hơn 1.500 con bò và 99 con trâu đã không được chuyển đến hoặc không truy xuất được nguồn gốc tại các trang trại hay lò mổ được phê duyệt tại Việt Nam trong 13 tháng qua. Trước tình hình trên, Bộ Nông nghiệp Úc đã thông báo các trường hợp vi phạm nghiêm trọng đối với việc xuất khẩu gia súc sống sang Việt Nam khi không tuân thủ các yêu cầu trong hệ thống đảm bảo chất lượng chuỗi cung ứng xuất khẩu. |
Ông Phạm Đức Bình, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thanh Bình, cho rằng cơ quan quản lý Việt Nam nên yêu cầu các nước xuất khẩu chia sẻ dữ liệu truy xuất nguồn gốc để Việt Nam tiếp tục quản lý. Bởi việc kết nối quản lý nguồn gốc sẽ giúp ngăn chặn tình trạng thịt nhập khẩu làm giả nhãn mác, hạn sử dụng.
“Phải chặn thịt bẩn nhập khẩu ngay tại cửa khẩu, đường biên giới, cảng. Đây cũng là giải pháp bảo vệ người tiêu dùng, ngành chăn nuôi trong nước. Đồng thời cần có các chế tài, biện pháp xử lý mạnh để bảo đảm tính răn đe và phòng ngừa vi phạm” - ông Bình nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tùng, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và Truyền thông Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, cho hay theo quy định hiện nay thịt heo được nhập khẩu về Việt Nam phải xuất phát từ những quốc gia, vùng lãnh thổ bảo đảm an toàn dịch bệnh động vật, nhất là đối với bệnh dịch tả heo châu Phi, lở mồm long móng....; đồng thời phải được giết mổ, chế biến tại các cơ sở đã được cơ quan thú y có thẩm quyền của nước xuất khẩu cho phép xuất khẩu; từng lô hàng thịt heo xuất khẩu phải được cơ quan thú y có thẩm quyền kiểm tra, xét nghiệm và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch xuất khẩu.
Thịt ngoại nhập ồ ạt tràn vào Sở Công Thương TP.HCM vừa cho biết trong sáu tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp (DN) đã nhập khẩu 5.647 tấn thịt heo qua cửa khẩu hải quan TP, tăng gần 4.800 tấn so với cùng kỳ năm trước. Số tiền chi ra để nhập khẩu thịt heo lên tới 10,29 triệu USD, tăng gần 8,1 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt heo nhập khẩu chỉ khoảng 30.000 đồng/kg, thấp hơn giá heo hơi trong nước. Còn theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, chỉ tính riêng bốn tháng đầu năm nay, Việt Nam đã chi gần 24 triệu USD để nhập khẩu thịt heo và các sản phẩm từ thịt heo, tăng gấp 6,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức nhập khẩu thịt heo tăng kỷ lục sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát và lan rộng. Khảo sát thị trường cho thấy bên cạnh thịt bò, gà nhập khẩu vốn đã rất quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam thì gần đây thịt heo đang được bán nhiều hơn về số lượng, đa dạng về xuất xứ, chủng loại. Nếu như thịt bò chủ yếu nhập từ Mỹ, Úc thì thịt heo nhập khẩu đến từ nhiều nơi như Mỹ, Hungary, Tây Ban Nha, Ba Lan... Giá thịt heo nhập bán lẻ trên thị trường dao động từ 70.000 đồng đến 120.000 đồng/kg tùy loại. Không chỉ bán tại các cửa hàng, các sản phẩm này còn được bán tràn lan trên online. Ông Nguyễn Tất Thắng, Tổng thư ký Hội Chăn nuôi Việt Nam, nhìn nhận tâm lý e ngại dịch tả heo châu Phi của người dân khiến sức mua sản phẩm này giảm, DN ngập ngừng chưa muốn bán ra thị trường. Trước tình hình này, nhiều công ty tranh thủ nhập thịt heo về bán. “Đây là xu thế thị trường, đồng thời các hiệp định thương mại mà Việt Nam ký kết cũng tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh nhập khẩu thịt heo từ nước ngoài. Hiện các công ty nhập khẩu thịt heo chủ yếu từ Mỹ, châu Âu…” - ông Thắng nói. |
Hơn 1.500 con trâu và bò được khai báo nhập khẩu sống từ Úc vào Việt Nam, tuy nhiên lại không truy xuất được nguồn gốc...