Lo thiếu hợp đồng dệt may, da giày

Thiếu hợp đồng xuất khẩu khiến doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phải cắt giảm nhân công.

Vào khoảng này hằng năm, các doanh nghiệp (DN) dệt may, da giày đã có đầy hợp đồng gia công, đủ công việc cho công nhân làm hết quý III, thậm chí có đơn hàng cho quý IV.

Vậy mà hiện nay, nhiều DN chưa có đủ đơn hàng cho quý III.

Chỉ làm 50% công suất

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), cho biết chỉ một số ít DN lớn có đủ đơn hàng tương đương công suất cho quý III. Đa số DN chỉ có đơn hàng khoảng 50%-70% công suất. Kinh tế khó khăn, sức mua giảm khiến khách hàng dè dặt khi đặt hàng. Số đơn hàng giảm, lượng đặt hàng của mỗi đơn hàng cũng giảm so với cùng kỳ năm 2011. Hy vọng đến tháng 6, khách hàng sẽ chính thức đặt đầy hàng cho quý III.

Không có đơn hàng đồng nghĩa với giảm công ăn việc làm. “Vấn đề khó khăn cho DN là phải duy trì sản xuất, ổn định đời sống công nhân. Nếu vì đơn hàng ít mà cắt giảm lao động thì khó cho công nhân. Hơn nữa, cắt giảm rồi, đến lúc cần thì DN kiếm đâu ra công nhân để làm” - ông Hồng nhận xét.

Ông Lê Hồng Phoa, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương, cho biết tình hình chung trong hội về đơn hàng quý III là giảm khoảng 30% so với năm ngoái. Dịp sau tết hằng năm là dịp thiếu lao động trầm trọng. Công nhân nghỉ tết xong không quay lại làm việc, DN phải tuyển dụng lao động mới rất nhiều. Thế nhưng năm 2012, đơn hàng quý I, quý II cũng giảm nên sau tết các DN không phải tuyển thêm nữa.

Nếu đơn hàng quý III không tăng thì đến tháng 7-8, nhiều DN sẽ phải cắt giảm lao động, ông Phoa dự báo.

Lo thiếu hợp đồng dệt may, da giày - 1

Công nhân sản xuất giày tại Công ty Liên Phát

Giày đi châu Âu giảm

Bà Trương Thị Thúy Liên, Giám đốc Công ty Liên Phát (tỉnh Bình Dương), cho biết tình hình khó khăn khiến khách đặt hàng giày dè dặt. Những năm trước, khách đặt hàng cho cả năm. Bây giờ, họ chỉ đặt từng quý một. Liên Phát cũng chỉ có đơn hàng quý III chứ chưa có đơn hàng chính thức cho quý IV.

Khách hàng giảm lượng hàng và đòi hỏi chất lượng cao hơn. “Lúc trước, một đôi giày đạt trên 80% tiêu chuẩn chất lượng là khách đã chấp nhận cho xuất đi. Bây giờ, một đôi giày đạt phải đạt 100% tiêu chuẩn mới được xuất” - bà Liên chia sẻ.

Ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Da-Giày Việt Nam (Lefaso), cho biết tính đến 15-4, xuất khẩu da giày đạt 1,7 tỉ USD, tăng 12% so với cùng kỳ 2011. Số tăng này chủ yếu là nhờ thị trường Mỹ có tăng nhẹ. Điểm thuận lợi cho da giày Việt Nam thời gian này là giá nhân công ở Trung Quốc tăng nên nhiều khách hàng chuyển sang đặt hàng Việt Nam. Ông Kiệt nhận định các DN lớn và DN xuất hàng cho thị trường Mỹ giữ được sản xuất tương đương hoặc nhỉnh hơn năm 2011. Tuy nhiên, nhu cầu của thị trường châu Âu sụt giảm. DN nhỏ và DN làm hàng cho thị trường châu Âu bị giảm đơn hàng.

“Tuy chưa có DN nào phải đóng cửa nhưng tôi biết nhiều DN, nhất là DN nhỏ, phải thu hẹp sản xuất để cầm cự cho qua giai đoạn khó khăn này” - ông Kiệt cho biết.

Ngành thủy sản thiếu nhân công

Trong khi ngành dệt may, da giày lo lắng vì đơn hàng giảm, có nguy cơ cắt giảm lao động thì ngành thủy sản lại tăng trưởng xuất khẩu, thiếu lao động.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết có hai khó khăn khiến DN phải cắt giảm lao động là thiếu nguyên liệu hoặc nhu cầu thị trường giảm. Tuy nhiên, số DN làm ăn được, thiếu lao động vẫn nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc Công ty CP Gò Đàng, cho biết tình trạng cắt giảm lao động chỉ diễn ra ở những DN mới thành lập, thiếu vốn, thiếu nguyên liệu, kinh nghiệm xuất khẩu còn yếu, chưa có nhiều thị trường nên vừa bung ra đã phải thu hẹp sản xuất. Gò Đàng có đơn hàng ổn định, sắp tới có thể phải tuyển thêm lao động mới làm kịp đơn hàng.

Ông Nguyễn Tuấn Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến thủy sản Út Xi, cho biết hai tháng trước, một số nhà máy ở Cà Mau, Sóc Trăng và Cần Thơ ế ẩm, cắt giảm lao động. Số lao động này “tự chạy” về Út Xi.

QUANG HUY

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Như ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN