Lo ngại nông sản Trung Quốc “mượn mác” hàng Việt để xuất sang Mỹ
Ông Nguyễn Quốc Toản - Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NNPTNT) nhận định trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu nông sản sang hai thị trường này. Tuy nhiên, việc nông sản Trung Quốc “đội lốt” hàng Việt để xuất sang Trung Quốc cũng là một hiện tượng cần phải theo dõi sát sao.
Cơ hội tăng cường xuất khẩu
Theo ông Toản, xung đột thương mại Mỹ - Trung mang lại hai yếu tố, cả tích cực và tiêu cực cho nông nghiệp Việt Nam.
Về mặt tích cực, ông Toản phân tích, Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu (XK) nông sản sang hai thị trường này, và có thể nhận được sự chuyển hướng đầu tư, khi dư địa đầu tư của Trung Quốc có thể tăng mạnh.
Theo ông Toản, Việt Nam có những mặt hàng có lợi thế so sánh, thủy sản có cá tra, tôm, các mặt hàng thủy sản chế biến sâu… có lợi thế XK sang Trung Quốc; mực, hàu, tôm hùm… có thể XK sang Mỹ để thay thế các sản phẩm của Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều mặt hàng thủy sản có lợi thế xuất khẩu sang Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: T.L.
"Liệu Trung Quốc có chuyển tải hàng gỗ ở Trung Quốc sang Việt Nam dưới dạng FDI hay không, nhằm lấy xuất xứ hàng hóa ở Việt Nam, từ đó xuất đi Mỹ. Chúng tôi thấy có tín hiệu này và đang theo dõi sát sao”. Ông Nguyễn Tôn Quyền |
Đồng tình với quan điểm trên, ông Trương Đình Hòe - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trước mắt, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc chưa ảnh hưởng tới thủy sản Việt Nam. Hiện, nhu cầu tiêu thụ thủy sản trên thị trường thế giới đều tăng, vì thế, Việt Nam có lợi thế lớn.
Bên cạnh thuỷ sản, ông Toản cho rằng, còn một nhóm hàng tiềm năng khác là gỗ. Kim ngạch XK gỗ của Việt Nam sang Mỹ là 3,06 tỷ USD, XK gỗ từ Trung Quốc sang Mỹ là 28,5 tỷ USD. Trong bối cảnh xung đột thương mại như hiện nay thì Việt Nam có cơ hội tăng cường XK các sản phẩm gỗ sang Mỹ.
Đánh giá về cơ hội cho các sản phẩm gỗ Việt Nam, ông Nguyễn Tôn Quyền - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) cho rằng, lâu nay quan hệ giao thương giữa Việt Nam và Mỹ trong ngành hàng gỗ rất tốt. Hiện, Việt Nam nhập khẩu một lượng gỗ nguyên liệu rất lớn từ Mỹ và có xu hướng tăng lên. Chưa kể, nếu sử dụng gỗ nguyên liệu của Mỹ, sau đó sản xuất và xuất đồ gỗ sang Mỹ sẽ không bị đánh thuế.
Bước đầu, trong số 800 mặt hàng mà Mỹ soi xét để đánh thuế cao từ Trung Quốc chưa có gỗ. Về thị trường Trung Quốc, ông Quyền cho hay, nhiều DN Việt Nam cũng muốn hạn chế xuất khẩu gỗ sang thị trường này, bởi họ chủ yếu mua sản phẩm thô như: Dăm mảnh, gỗ bóc, tấm gỗ xẻ thô nhỏ…
Thực tế, XK các sản phẩm gỗ của Việt Nam tính đến thời điểm này vẫn tăng trưởng tốt, theo Tổng cục Lâm nghiệp, giá trị XK lâm sản chính 9 tháng năm 2018 ước đạt 6,64 tỷ USD, tăng khoảng 14% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 23% tổng giá trị kim ngạch XK toàn ngành.
Lo hàng ngoại mượn “mác” Việt Nam
Về mặt tiêu cực, ông Toản cho rằng, có thể hàng hóa các nước tràn vào Việt Nam, cạnh tranh trực tiếp với hàng nội địa. Thứ hai, có thể xuất hiện việc mượn xuất xứ hàng hóa Việt Nam từ Trung Quốc vào Mỹ và ngược lại, gây ra sức ép về gian lận thương mại, tiêu chuẩn chất lượng, sản phẩm.
Đấy cũng chính là lo ngại của Vietfores, ông Nguyễn Tôn Quyền cho rằng, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung căng thẳng kéo dài, có thể các doanh nghiệp gỗ Trung Quốc sẽ chuyển hướng đầu tư sang Việt Nam dưới dạng FDI, lấy xuất xứ để xuất sang Mỹ.
Với ngành chăn nuôi, tình hình lại hoàn toàn khác. Nhiều chuyên gia cho rằng, Mỹ đang dư thừa thịt lợn do 2 thị trường xuất khẩu chính của nước này là Mexico và Trung Quốc vừa tăng thuế nhập khẩu. Điều này khiến Mỹ có thể đẩy mạnh hàng sang Việt Nam do giá thịt ở Việt Nam đang ở mức cao.
Thực tế những tháng gần đây, lượng thịt nhập khẩu đã tăng mạnh. Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, lượng thịt và các sản phẩm từ thịt nhập khẩu trong tháng 5 lên đến 29.700 tấn, trị giá 42,59 triệu USD, tăng 50,4% về lượng và tăng 39% về kim ngạch so với tháng 4. Mỹ đứng số 1 trong 37 nước cung cấp thịt cho Việt Nam, với 10.870 tấn thịt, trị giá 13,05 triệu USD, tăng 47,8% về lượng và tăng 24,4% về kim ngạch so với tháng 4.