Lo ngại gà thải loại Trung Quốc tràn về Thủ đô
Ngày 16/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng đoàn công tác của Chính phủ đã có buổi làm việc với UBND TP Hà Nội về công tác an toàn thực phẩm (ATTP). Trước thông tin dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Trung Quốc và việc buôn lậu gia cầm đang tái diễn, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự lo lắng việc gà thải loại Trung Quốc sẽ ồ ạt tràn về Hà Nội trong dịp Tết này.
Dịch gia cầm áp sát biên giới
Phát biểu tại buổi làm việc với TP Hà Nội ngày 16/1, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã bày tỏ lo ngại về công tác chống buôn lậu, đặc biệt buôn lậu gia cầm. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, trong bối cảnh dịch gia cầm đã áp sát biên giới, để dịch bệnh không lọt vào nước ta cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát của tất cả các lực lượng.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, khi Trung Quốc có dịch gia cầm, người dân bên đó sẽ không mua gia cầm dẫn tới giá gia cầm hạ thấp. Trong khi đó giá gia cầm tại nước ta vẫn giữ ở mức cao nên nguy cơ buôn lậu gia cầm từ Trung Quốc sang là rất lớn. “Thông tin tôi nhận được thì việc buôn lậu gia cầm đang tái phát”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nói.
Trước những “nỗi khổ” của TP Hà Nội trong công tác chống buôn lậu nói chung và kiểm tra, kiểm soát gà lậu nói riêng, bà Nguyễn Thị Như Mai - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, kiêm Chi cục trưởng Chi cục QLTT thành phố bức xúc: “Không hiểu sao các xe buôn lậu đi “thông đồng bén giọt” từ biên giới về tới Hà Nội mới bị bắt? Nếu cứ để tình trạng như hiện nay, Hà Nội có gồng mình cũng làm không xuể. Để hàng lậu qua biên giới về đến Hà Nội rồi tỏa đi các tỉnh thì rất khó kiểm soát, không khác gì thả gà ra đuổi”.
Các lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm tra, kiểm soát nguồn gốc gia cầm. Ảnh: Chí Cường
Nói thêm về những khó khăn trong việc kiểm tra và xử lý gà nhập lậu, bà Mai cho hay, khi bắt được 1 xe gà không có giấy tờ phải tạm giữ, lấy mẫu để đi kiểm nghiệm và 7 ngày sau mới có kết quả. “Nếu trong thời gian đó, gà chết, hao... ai chịu trách nhiệm? Tới đây sẽ có dịch, gà thải loại từ biên giới tràn về, chúng tôi không biết sẽ phải xử lý như thế nào?”, bà Mai nêu khó khăn.
Đào trộm gia cầm tiêu hủy?
Theo đại diện Công an TP Hà Nội, đã có thông tin một số đối tượng đào trộm gà tiêu hủy để bán. “Chúng tôi đang cử lực lượng trinh sát, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm”, đại diện Công an thành phố cho biết.
Liên quan đến việc tiêu hủy gia cầm nhập lậu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết, trước đó, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có ý kiến chỉ đạo mua xe tiêu hủy nhưng cho tới nay chưa địa phương nào mua được. Ông Tú cho rằng, việc tiêu hủy gia cầm nhập lậu bằng cách chôn vừa tốn kinh phí vừa thiếu an toàn.
Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú thông tin thêm, việc mua xe ô tô có các thiết bị kiểm soát nhanh cho các lực lượng kiểm tra kiểm soát hàng hóa đã được đưa ra bàn thảo từ lâu. Tuy nhiên, trên cả nước chỉ có tỉnh Quảng Ninh mua loại xe này nhưng sau khi mua lại “vướng” vì khi mang ra kiểm soát thì những người bị kiểm tra, kiểm soát không hợp tác bởi thiếu cơ sở pháp lý.
Cũng liên quan đến các thiết bị kiểm tra, kiểm soát, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã đề xuất Hà Nội nên tổ chức phòng thí nghiệm lưu động hay đặt các máy kiểm nghiệm về ATTP tại các chợ. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, việc này sẽ nâng cao ý thức ATTP cho cả người bán và người mua.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao kết quả đảm bảo ATTP của TP Hà Nội thời gian qua. Phó Thủ tướng lưu ý, có những thứ không ngộ độc mà tích tụ dần thành bệnh, rất nguy hiểm mà người dân không được cảnh báo đúng mức nên đòi hỏi sự quyết liệt, kiên trì để kiểm soát, đảm bảo ATTP đối với thực phẩm từ đầu vào, không làm theo phong trào mà phải thành chủ trương. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát ATTP, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán.
Hà Nội tiêu thụ 500 tấn thịt gia súc, gia cầm mỗi ngày Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 500 tấn thịt gia súc, gia cầm; 170 tấn thủy hải sản; 2.500 tấn rau củ quả các loại. Với mức tiêu thụ thực phẩm lớn như vậy, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm của thành phố mới đáp ứng được 66,5% nhu cầu thịt; 80,5% nhu cầu trứng; 23,1% nhu cầu sữa bò; 33% nhu cầu rau củ tươi; 18% nhu cầu quả tươi; 32% nhu cầu cá; 38% nhu cầu gạo tẻ. Còn lại, vẫn phải nhập từ các tỉnh khác và nước ngoài. |