Lo đứt gãy nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vì phụ thuộc nhập khẩu
Việc phụ thuộc quá nhiều vào nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi từ thế giới gây ra nhiều rủi ro với ngành chăn nuôi trong nước.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết trong bối cảnh của dịch COVID-19, các doanh nghiệp (DN) sản xuất thức ăn chăn nuôi (TACN) đều phải dự trữ nguyên liệu để sản xuất nhưng lượng dự trữ chỉ cầm cự được 1-2 tháng.
. Phóng viên: Thưa ông, giá TACN hiện giờ như thế nào? Dự báo thời gian tới ra sao?
+ Ông Tống Xuân Chinh: Giá các nguyên liệu TACN trong sáu tháng đầu năm nay tăng khá mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Ví dụ, giá ngô hạt tăng từ mức hơn 5.639 đồng/kg lên hơn 7.616 đồng/kg, tăng khoảng 35%. Giá các loại thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cũng tăng từ 12,1% đến 14,6%. Đơn cử thức ăn hỗn hợp cho gà thịt lông màu từ 9.500 đồng lên gần 10.900 đồng/kg.
Ăn đong nguyên liệu của thế giới Với ngành TACN của VN, rất nhiều lần tôi đã nói đây là một ngành hàng gia công chính hiệu và ăn đong nguyên liệu của thế giới. Cuối tháng 6 vừa qua, dù giá gia cầm có nhích lên nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn không dám tái đàn, trang trại lớn thu hẹp quy mô vì giá thức ăn vẫn tiếp tục tăng. Ông NGUYỄN THANH SƠN, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm VN |
Tuy vậy trong tháng 6 và đầu tháng 7 vừa qua, giá nguyên liệu một số mặt hàng chính để sản xuất TACN giảm so với trước đó. Dự kiến giá các loại nguyên liệu TACN sẽ giảm dần và ổn định từ tháng 7.
. Nguyên nhân nào dẫn đến TACN tăng giá, thưa ông?
+ Nguyên nhân chính là do giá các loại ngũ cốc trên thị trường thế giới đều tăng cao. Hơn nữa, ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên chi phí vận chuyển tăng 200%-300% do thiếu tàu biển và container vận chuyển hàng hóa nói chung.
Mặt khác, Argentina là nước cung cấp số lượng lớn ngô, đậu tương, khô dầu đậu tương cho thị trường thế giới đã có biểu tình, đình công tại các cảng biển hồi tháng 1, tháng 2. Điều này làm cản trở việc xuất khẩu các lô hàng đã được ký kết với khách hàng, trong đó có nhiều DN Việt Nam (VN)...
Nguồn dự trữ chỉ cầm cự được 2-3 tháng
VN là một nước nông nghiệp, trong đó ngành chăn nuôi có vai trò quan trọng. Tại sao mỗi năm chúng ta vẫn phải nhập khẩu phần lớn nguyên liệu để sản xuất TACN từ thế giới, thưa ông?
+ Đúng vậy. TACN có mấy nguyên liệu chính, như nhóm năng lượng có các loại hạt ngũ cốc thì ở VN chỉ có cám gạo, còn lại bột ngô, khô dầu, đậu tương... đều phải nhập khẩu.
Năm 2020, nước ta nhập gần 10 triệu tấn ngô hạt, chủ yếu để sản xuất TACN, thức ăn thủy sản. Ngô nhập khẩu năng suất cao, chất lượng tốt, đồng đều. Ngô của ta chủ yếu trồng cho người ăn, trồng ngô sinh khối để nuôi vật nuôi và một lượng nhỏ ngô dành cho chăn nuôi nông hộ, không thành hàng hóa nên phải phụ thuộc nhập khẩu. Đậu tương cũng vậy, ta có 200 ha, chỉ đủ cung cấp cho người nên cũng phải nhập khẩu.
Protein, trước đây sử dụng nhiều từ thủy sản, bột cá nhưng hiện giờ ít sử dụng bột cá mà chủ yếu sử dụng protein ở khô dầu đậu tương hoặc ngũ cốc sau khi tách chiết ethanol chạy máy. Những công nghệ đó chưa được DN trong nước đầu tư lớn nên ta vẫn phải nhập...
. Nhiều ý kiến lo ngại việc sản xuất TACN phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu sẽ khiến ngành chăn nuôi rơi vào tình thế bị động. Chẳng hạn dịch COVID-19 trầm trọng dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng thì chúng ta làm thế nào, thưa ông?
+ Hiện giờ các DN lớn đều phải dự trữ nguyên liệu sản xuất TACN nhưng lượng dự trữ chỉ cầm cự được 1-2 tháng. Nếu chuỗi cung ứng bị đứt gãy kéo dài thì khả năng sẽ xảy ra vấn đề.
Trong trường hợp xấu nhất, chúng ta buộc phải nhanh chóng thay đổi khẩu phần thức ăn để chuyển nhanh sang sử dụng ngũ cốc trong nước như gạo và cám. Nhưng số lượng ngũ cốc này cũng chỉ có thể cầm cự được trong một thời gian ngắn, bởi vì các loại thức ăn đó chỉ tạo ra năng lượng, còn hàm lượng protein rất thấp, vẫn phải bổ sung. Hoặc sử dụng một số nguyên liệu có sẵn ở VN như bã bia, bã rượu, thủy sản... nhưng cũng chỉ cầm cự được trong thời gian ngắn.
Người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn vì giá thức ăn chăn nuôi tăng cao. Ảnh: AH
Muốn chuyển mà chưa chuyển được
. Đó là điều rất đáng lo ngại vì với tình hình hiện tại, giá nhập khẩu nguyên liệu TACN cao, dẫn đến TACN khi sản xuất ra có giá thành cũng cao, gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
+ Bộ NN&PTNT có chính sách chuyển đổi nhanh chóng diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN. Hiện đã chuyển đổi được 250.000 ha, sắp tới sẽ chuyển đổi thêm 250.000 ha và đến năm 2030 dự kiến sẽ chuyển đổi được 1 triệu ha.
Bên cạnh đó, chúng ta phát triển các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN như trồng ngô dạng biến đổi gen để có năng suất cao, vì ngô bản địa năng suất rất thấp; trồng đậu tương; trồng ngô sinh khối nuôi trâu bò để giảm thị phần thịt heo, gia cầm vì tỉ trọng hai loại thịt này hiện chiếm trên 90%.
. Vì sao việc chuyển đổi diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN chậm như vậy, thưa ông?
+ Sở dĩ trong nhiều năm mới chuyển được 250.000 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng các loại cây làm nguyên liệu sản xuất TACN là bởi phải ưu tiên duy trì 3,45 triệu ha đất nông nghiệp trồng lúa để đảm bảo an ninh lương thực. Vì thế nhiều địa phương muốn chuyển mà chưa chuyển được, chỉ có thể chuyển dần dần.
Như vậy, chúng ta chỉ có thể giảm thiểu nguồn nguyên liệu nhập khẩu thay bằng sản xuất trong nước chứ không thể thay thế được.
. Xin cám ơn ông.
Nhập khẩu nhiều không ổn Hiện tại, khoảng 60% nguyên liệu sản xuất TACN của VN đang phụ thuộc vào nhập khẩu. Năm ngoái, VN đã chi khoảng 6 tỉ USD để nhập khẩu trên 20 triệu tấn nguyên liệu TACN. Trong khi đó, TACN chiếm 60%-70% giá thành. Vì vậy, việc phụ thuộc quá lớn vào thế giới khiến ngành chăn nuôi vốn đã bấp bênh nay càng gặp rủi ro hơn. Tại cuộc họp với các hội, hiệp hội do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp nói ông rất chia sẻ với người chăn nuôi về tình hình TACN tăng trong thời gian qua. Thứ trưởng Hiệp cho biết Bộ NN&PTNT đang tham mưu cho Thủ tướng về việc xây dựng các chiến lược cho ngành nông nghiệp. Trong chiến lược này, TACN sẽ là một nhánh rất quan trọng. “Quan điểm của Bộ NN&PTNT là chủ động nguồn thức ăn, như vậy mới đảm bảo được giá thành, chứ phải nhập khẩu nhiều thế này thì không ổn” - Thứ trưởng Hiệp nói. AN HIỀN |
Nguồn: [Link nguồn]
Giá lợn hơi trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm.