Lo cá, thịt, rau...tăng giá trước khi lương tăng
Đồ gia vị, bánh, mứt, kẹo, cà phê, ca cao... tăng do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng
Từ ngày 1-7 lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp bắt đầu tăng, nhiều ý kiến lo ngại giá hàng hóa thiết yếu sẽ tăng theo. Theo ghi nhận của PV trên thị trường, giá thực phẩm một số mặt hàng đã tăng.
Dầu ăn tăng đột biến
Bà Nguyễn Thị Thu, quận Bình Tân than thở, gần đây đi chợ thấy vật giá tăng cao. Chẳng hạn giá rau xanh như súp lơ, cải xanh từ 20.000-22.000 đồng nay lên gần 30.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rau củ tùy ngày giá có tăng có giảm.
“Bên cạnh rau một số gia vị như dầu ăn 1 lít từ 41.000 đồng/lít đã tăng lên 44.000-45.000 đồng/chai/lít. Không riêng giá hàng hóa ở chợ tăng mà tôi đi các cửa hàng tiện lợi thấy giá cũng tăng”-bà Thu lo lắng.
Cùng tâm trạng, chị Lê Thị Oanh, nhà quận Tân Bình chia sẻ, mỗi ngày đi chợ đều thấy giá thịt, cá, rau... tăng. "Bây giờ cầm một hai trăm ngàn đồng đi chợ chỉ mua được ít rau, thịt ăn trong ngày".
Anh Nguyễn Hoàng chủ sạp gạo giải thích, sau tết đến nay giá gạo biến động. Đơn cử gạo ST25 tăng giá từ 24.000 đồng lên 26.000 đồng/kg, gạo Tài Nguyên 18.000 đồng lên 19.000 đồng/kg.
Còn chị Thu Huyền, chủ sạp gia vị chợ Tân Định nhận xét, nhìn chung giá các mặt hàng tương đối ổn định, riêng dầu ăn của một số thương hiệu lên giá nhiều. Bình thường giá nhập dầu ăn 256.000 đồng/bình 5 lít, bán ra 260.000 đồng nhưng vừa rồi nhập 260.000 đồng/bình bán ra 265.000-270.000 đồng/bình/5lít.
Do giá tăng quá cao, tiểu thương bán khó khăn, thị trường không tiêu thụ được. Điều này, khiến người bán chới với, phải bán giá vốn thậm chí lỗ vốn năm thùng dầu ăn do đã nhập giá cao.
Đánh giá về tình hình giá cả trong tháng 5 vừa qua, Sở Tài chính TP.HCM phân tích, chỉ số giá nhóm thực phẩm tăng giá 0,76% tập trung chủ yếu nhóm thịt chế biến.
Nhóm thực phẩm tăng giá so với tháng trước, chủ yếu ở một số mặt hàng như thịt chế biến, trứng các loại, thủy sản chế biến, thịt heo tăng do nhu cầu tiêu dùng và chi phí tăng.
Theo Sở Tài chính, giá rau tươi, khô và chế biến tăng do yếu tố thời tiết và yếu tố mùa vụ đã làm giá các mặt hàng này tăng. Trong khi đồ gia vị, bánh, mứt, kẹo, cà phê, ca cao tăng do giá nguyên liệu đầu vào và chi phí vận chuyển tăng.
Thực phẩm tươi sống tăng giá một phần do yếu tố thời tiết. Ảnh: TÚ UYÊN
Cố gắng cầm cự
Bà Vũ Phương Thảo, Phó Giám đốc Khối kinh doanh Công ty Acecook Việt Nam cho biết, đặc thù ngành hàng mì ăn liền sử dụng phần lớn các nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu. Vì vậy, thời gian qua biến động về tỉ giá cũng tác động đến giá nguyên vật liệu đầu vào của sản phẩm công ty .
“Dù vậy công ty chúng tôi chưa có kế hoạch tăng giá từ nay đến cuối năm”-bà Thảo khẳng định.
Trong khi đó, đại diện cơ sở bún Ba Khánh thông tin, năm ngoái giá gạo liên tục tăng cao, nhưng sau tết cơ sở mới đàm phán được với một số siêu thị tăng giá bún, phở, bánh canh tăng 5-10%.
“Đến thời điểm này vẫn có siêu thị chưa đồng ý tăng giá. Tuy nhiên, so với giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chúng tôi điều chỉnh tăng chỉ bù đắp một phần chi phí sản xuất”-đại diện cơ sở bún Ba Khánh giải thích.
Ông Phạm Văn Hùng, Trưởng ngành hàng thực phẩm tươi sống MM Mega Market đánh giá, do ảnh hưởng bởi dịch tả châu Phi, nhiều trang trại bỏ trống chuồng dẫn đến lượng cung khan hiếm, đẩy giá thịt heo hơi lên rất cao. Tính từ đầu năm đến nay, giá heo hơi đã tăng 27%.
Tuy nhiên, MM Mega Market hiện tại đảm bảo đầy đủ nguồn cung cấp thịt heo với giá cả tốt nhất thị trường. Đặc biệt nhằm đồng hành cùng người tiêu dùng, hệ thống MM Mega Market Việt Nam ưu đãi thịt heo với giá hấp dẫn. Thịt đùi heo 119.000 đồng giảm còn 105.000 đồng/kg, sườn non heo loại 1 từ 229.000 đồng còn 219.000 đồng /kg.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của thời tiết thất thường khiến giá rau xanh, xà lách tăng cao nhưng siêu thị đã chọn lựa các loại rau quả khác thay thế với giá khuyến mãi như cà rốt còn 18. 000 đồng/kg, bí ngòi còn 25.000đồng/ kg, dưa leo baby còn 12.000 đồng/500g….
Mới đây, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Công thương theo dõi sát tình hình sản xuất, biến động giá các yếu tố đầu vào, nhu cầu tiêu dùng của thị trường các mặt hàng nông sản thiết yếu như lúa gạo, thịt heo, các vật tư nông nghiệp.
Qua đó, kịp thời điều hòa cung cầu các mặt hàng phục vụ nhu cầu trong nước, giữa các vùng, địa phương và nhu cầu xuất khẩu để ổn định giá cả thị trường. Không để thiếu, khan hiếm lương thực, thực phẩm trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Từ 20-5 giá các mặt hàng thịt heo tham gia chương trình bình ổn thị trường tại TP.HCM được điều chỉnh tăng từ 2.000-10.000đồng/kg, mức điều chỉnh bình quân các mặt hàng là 7.000đồng/kg.
Tương tự, mới đây gạo trong chương trình bình ổn thị trường cũng được điều chỉnh tăng 4.000 đồng/kg.
Nguồn: [Link nguồn]
Giá hạt tiêu của Việt Nam tiếp tục vọt lên đỉnh mới lịch sử và đắt đỏ nhất so với các quốc gia xuất khẩu top đầu thế giới. Vậy đến thời điểm này, nước ta còn bao nhiêu hàng để xuất khẩu?