Liên tục khuyến mãi, xe máy vẫn thê thảm
Bước sang tháng 7, thị trường xe máy tiếp tục sụt giảm khá mạnh, khiến cho các DN và đại lý như "ngồi trên lửa". Liên tiếp, DN rồi đại lý tung chiêu kích cầu, giảm giá mà sức tiêu thụ vẫn ngày một kém.
DN và đại lý: Thi nhau khuyến mãi
Kích cầu mạnh nhất trong thời gian này chính là Honda Việt Nam. Giữa tháng 5, DN này đã "tung chiêu" tặng phiếu quà tặng có giá trị 888.000 đồng khi mua xe máy phun xăng điện tử PGM-FI do Honda Việt Nam sản xuất.
Chương trình này vừa chấm dứt, không lâu, Honda lại tung chiêu hỗ trợ toàn bộ lệ phí trước bạ cho khách hàng mua xe Air Blade đến 31/8/2012. Và mới đây nhất, DN này lại tiếp tục tiếp tục tặng phiếu quà trị giá 888.000 đồng cho khách mua xe Wave 110S, Wave RS và 2.000.000 đồng cho khách mua xe PCX, kéo dài đến tận 15/9/2012.
Các DN xe máy khác cũng liên tục kích cầu xe máy. Piaggio Việt Nam từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 4/2012 đã có chương trình tặng toàn bộ lệ phí trước bạ cho khách hàng mua 2 dòng xe Vespa LX i.e và Vespa S e.i. Sau chương trình đó lại tiếp tục chương trình mới tặng 4 triệu đồng cho khách mau xe Vespa LX và 3 triệu đồng cho khách mua xe Ply... kéo dài đến hết 31/7.
Suzuki đang có chương trình hỗ trợ lệ phí trước bạ với mẫu xe Hayat 125. Các DN khác như Yamaha Việt Nam, SYM cũng liên tục có các chương trình giảm giá xe, tặng quà khách hàng khi mua xe diễn ra trong suốt thời gian dài từ đầu năm 2012 tới nay.
DN xe máy trong nước và xe máy nhập khẩu nguyên chiếc cũng không chịu ngồi yên khi sẵn sàng kích cầu kéo dài nhằm kéo khách hàng. Công ty TNHH Vượng Phát nhập khẩu xe máy Sachs cho biết, tháng 3 vừa qua đã kích cầu bằng cách hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng 2 tháng, kết thúc vào cuối tháng 5, nhưng sau đó thấy tiêu thụ quá chậm nên đã quyết định kéo dài chương trình tới tận cuối năm 2012. Các DN xe máy khác như Sufat, Lisohaka... cũng đang giảm giá bán, hỗ trợ lệ phí trước bạ cho khách hàng.
Không chỉ có các DN xe máy kích cầu mà các đại lý xe máy cũng tham gia rất nhiệt tình giảm giá xe. Theo thống kê, đến nay có tới 80% các mẫu xe trên thị trường được các đại lý, cửa hàng xe máy bán dưới giá công bố từ 500.000- 5.000.000 đồng.
Các chiêu kích cầu diễn ra liên tiếp như vậy, nhưng tiêu thụ không hề tốt lên mà ngược lại còn ngày càng giảm sâu. Thị trường xe máy tiêu thụ ước giảm tới 40% so với đầu năm 2011.
Đại diện công ty Kường Ngân đại lý phân phối xe máy Honda, Yamaha đã phải thốt lên như vậy. Từ đầu năm tới giờ tháng nào chúng tôi cũng tồn xe dù hầu hết các dòng xe đã và đang bán dưới giá niêm yết. Chính các đại lý cũng liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi như hỗ trợ lệ phí trước bạ, tặng sản phẩm, dịch vụ… cho khách hàng mua xe, song cũng không cải thiện được tình hình.
Các đại lý hiện nay đang đứng giữa nhiều “gọng kìm” khi vẫn phải nhập đều sản phẩm từ nhà sản xuất rồi lưu kho, trong khi doanh số bán hàng liên tục sụt giảm mạnh. DN bị ràng buộc bởi điều kiện nếu không nhập hàng đều thì hãng sẽ không cung cấp sản phẩm nữa. Chính vì vậy các đại lý phải chấp nhận chịu lỗ để “đẩy hàng”. Hầu hết các đại lý xe máy vừa qua đã phải xin với nhà máy giảm chỉ tiêu doanh số xuống thấp để giảm thua lỗ. Bán 1 chiếc xe hiện nay phần lớn thua lỗ, số ít có lãi nhưng chỉ là lãi tượng trưng từ 300.000đồng- 500.000 đồng.
Những đại lý kinh doanh xe máy đi thuê mặt bằng thời gian qua phải chịu lỗ lớn nhất, bởi với giá thuê mặt bằng cao lên đến vài ngàn USD tháng, trong khi lợi nhuận không có thì chắc chắn là thua lỗ, phải bỏ tiền túi ra để bù đắp.Nhiều Đại lý cho biết hiện tại mỗi tháng họ thua lỗ hàng trăm triệu đồng do xe không bán được.
Theo chị Thu Hương bán hàng cho đại lý xe máy Yamaha trên phố Bà Triệu, thời gián qua có một số cửa hàng bán xe máy nhập khẩu đã phải đóng cửa vì doanh số sụt giảm kéo dài không chịu nổi. Sắp tới sẽ có nhiều cửa hàng xe máy sẽ phải đóng cửa do thua lỗ. Phần lớn các cửa hàng xe máy đã phải cho nhân viên nghỉ việc, có cửa hàng chẳng còn nhân viên nào vì làm gì có khách..
Anh Hoàng Mạnh Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Vượng Phát DN nhập khẩu xe Sachs cho biết tiêu thụ xe giảm quá mạnh. Trước đây chúng tôi mỗi tháng tiêu thụ được khoảng 400 xe thì từ đầu năm đến nay cú sụt dần, còn 300, 200, 100, đến nay thì đã ở mức dưới 100 xe/tháng. Trong khi chi phí thuê mặt bằng, không giảm, mỗi tháng cả trăm triệu đồng, chưa kể lương nhân viên. Tình hình này kéo dài không biết sẽ như thế nào.
Xe tiêu thụ không được, đại lý giảm lấy hàng khiến xe tồn đọng tại các DN với số lượng lớn, khiến cho các DN xe máy không tránh khỏi khó khăn
Đóng cửa, bán nhà máy
Xe tiêu thụ không được, đại lý giảm lấy hàng khiến xe tồn đọng tại các DN với số lượng lớn, khiến cho các DN xe máy không tránh khỏi khó khăn. Theo một số nguồn tin thì Công ty xe máy Lifan đang rao bán nhà máy vì xe không bán được.
Ông Masayuki Igarashi, Tổng giám đốc công ty Honda Việt Nam cho biết, kế hoạch sản xuất của Honda Việt Nam đang phải điều chỉnh do tình hình bán hàng khó khăn từ đầu năm. Năng lực sản xuất của Honda Việt Nam với 2 nhà máy ở tỉnh Vĩnh Phúc là 2 triệu xe một năm và năm 2011 đã sản xuất được 2,15 triệu xe. Tuy nhiên, Honda Việt Nam vừa phải thay đổi kế hoạch sản xuất cho năm 2012 xuống mục tiêu chỉ đạt 1,93 triệu xe.
Thị trường khó khăn, tiêu thụ chậm còn đe dọa cả khả năng vận hành của nhà máy số 3 mà Công ty Honda Việt Nam đang xây dựng ở tỉnh Hà Nam (dự kiến bắt đầu hoạt động từ năm 2013) với công suất ban đầu 500.000 xe một năm. "Nếu tình hình không khả quan, chúng tôi sẽ tính tới phương án hoàn tất xây dựng là lắp đặt thiết bị tại nhà máy số 3 nhưng chưa vận hành ngay theo dự tính ban đầu", ông Masayuki Igarashi cho hay.
Khó khăn cũng không loại trừ các doanh nghiệp xe máy nội. Ông Phạm Cường, Giám đốc Công ty xe máy Sunfat, kiêm chủ tịch Hiệp hội Ôtô- Xe máy-Xe đạp Việt Nam (Vaboma) cho hay, nhiều DN xe máy đang làm để lo trả lãi ngân hàng và tái đảo nợ. Có những đơn vị thậm chí không đủ để trả lương cho công nhân, giảm tới 80% lao động và chỉ giữ lại bộ khung cùng lao động trực tiếp. Công ty Sufat Việt Nam có công suất hơn 10.000 xe/năm, tuy nhiên hiện nay chỉ còn hoạt động khoảng 1/3, tương đương 3.000 xe/năm, chưa kể đang tồn kho khoảng 7.000 xe.
Các DN lo lắng thị trường xe máy ảm đạm khi dự báo cho thấy chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 này tăng trưởng âm. Chi tiêu càng ít thì xe máy càng khó bán, dẫn đến thua lỗ kéo dài, phá sản