Lên núi nuôi loài vịt cổ xanh tậu được cả nhà lẫn xe
Không học hành, không bằng cấp chuyên môn nhưng anh Là Văn Tâm, người dân tộc Thái, ở bản Huổi Hin (xã Púng Bánh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) đã tự mày mò, học hỏi cách nuôi vịt cổ xanh để phát triển kinh tế gia đình. Từ nuôi vịt anh xây nhà lầu và mua được cả ô tô.
Không cam chịu đói nghèo
Sinh ra và lớn lên trong gia đình đông anh em, hoàn cảnh khó khăn nên anh Tâm không biết đi học là gì. Khi lập gia đình bố mẹ chỉ làm được cho một căn nhà nhỏ để ra ở riêng, tất cả đều do hai vợ chồng tự lực cánh sinh từ hai bàn tay trắng.
Anh Tâm chia sẻ: "Nhà đông anh em nên khi ra ở riêng bố mẹ chỉ cho được ít đất sản xuất, vì phải dành phần anh em khác. Số đất bố mẹ cho tôi trồng ngô, sắn và ít lúa. Nhưng ngô, sắn nơi đây thường xuyên bị chuột, cào cào… phá hoại, cuối vụ chỉ thu được chút ít, vào mùa giáp hạt cả nhà phải ăn cơm độn."
Những lứa vịt giống được anh Tâm lựa chọn để đẻ trứng nhân đàn được tách riêng
Sau nhiều đêm trăn trở tìm hướng thoát nghèo, anh Tâm thấy trên nương có một con suối nhỏ nước chảy quanh năm, anh tính đến việc nuôi vịt bản (vịt cổ xanh). Nghĩ là làm, năm 2008, anh dùng số tiền tích góp được thuê máy xúc đào 3 cái ao ven suối, mỗi ao rộng khoảng 700m2. Sau đó anh tìm đến một số hộ gia đình trong bản mua hơn 50 con vịt giống về nuôi lấy trứng để nhân đàn.
“Năm đầu tiên vịt đẻ nhiều nhưng do để vịt tự ấp trứng nên tỷ lệ trứng nở thấp, thấy vậy tôi quyết định đầu tư 8 triệu đồng ra mua một chiếc máy ấp trứng, dùng máy này tỷ lệ trứng nở đạt gần 100%. Chỉ sau vài tháng đàn vịt của gia đình đã nhân lên được 500 con. Tôi vừa kết hợp nuôi vịt thương phẩm và bán trứng”, anh Tâm cho biết.
Đàn vịt cổ xanh hàng trăm con được lùa từ ao nuôi về chuồng
Khi nuôi vịt với số lượng lớn bài toán đầu ra trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Nhờ qua bạn bè giới thiệu, anh Tâm tìm đến một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn huyện liên hệ bán vịt. Thời điểm này ít người nuôi vịt cổ xanh nên việc liên hệ đầu ra thuận lợi. Khác với vịt nuôi công nghiệp, vịt cổ xanh của anh Tâm bán với giá 100.000 đồng/kg, do nuôi thả tự nhiên nên vịt săn chắc, thịt thơm ngon, rất nhiều khách hàng đặt mua vịt của anh. Nhờ nuôi vịt kinh tế gia đình khấm khá lên, có của ăn của để.
Chia sẻ bí quyết thành công
Chia sẻ kinh nghiệm, anh Tâm nói: "Do chưa biết cách phòng dịch bệnh nên tôi mới chọn cách lên núi nuôi vịt ở chỗ cách biệt với bên ngoài, thế nên đàn vịt ít bị dịch bệnh, lớn nhanh. Lúc cao điểm đàn vịt có đến cả nghìn con, bơi lội kín mặt ao. Nuôi vịt không khó, quan trọng nhất là khâu thức ăn, cho chúng ăn đều, ăn no, chú ý sức khỏe của từng con để có biện pháp can thiệp kịp thời khi vịt ốm yếu."
Những con vịt cổ xanh giống khỏe mạnh được anh Tâm chọn để nhân đàn
Nuôi số lượng lớn nhưng thức ăn của vịt chủ yếu là ngô, sắn, nghiền nhỏ trộn với nhau cho vịt ăn hàng ngày. Nguồn thức anh này anh Tâm tự sản xuất được, nhờ tận dụng diện tích đất trên nương để trồng ngô, sắn, bởi vậy, tiết kiệm được một khoản chi phí mua thức ăn.
Nhờ cách nuôi thả tự nhiên vịt có chất lượng thịt ngon hơn hẳn nên trang trại vịt của anh Tâm đã trở thành địa chỉ tin cậy của nhiều khách hàng trong và ngoài huyện. Với hướng đi đúng trong phát triển kinh tế gia đình từ nuôi vịt, anh Tâm không chỉ thoát được nghèo mà còn xây được nhà lầu và mua được cả ô tô.