Lật tẩy chiêu đẩy giá lúa, gạo của thương lái

Giá lúa gạo trong nước tăng vọt, vượt xa giá xuất khẩu khiến các doanh nghiệp lâm vào thế khó, phải ngưng thu mua lẫn xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp (DN), chuyên gia cảnh báo giá gạo trong nước đang có tình trạng thương lái, trung gian tung chiêu đơn hàng ảo, thông tin hỏa mù để đẩy giá buôn qua, bán lại trong nước nhằm kiếm lợi.

Tung tin hỏa mù, đẩy giá để kiếm lợi

Giá lúa tăng là niềm vui cho bà con nông dân, thế nhưng điểm bất thường là chỉ trong thời gian ngắn, giá lúa, gạo trong nước “nhảy múa” và cao hơn cả giá xuất khẩu. Điểm bất thường này được các chuyên gia, DN chỉ ra là do thương lái thu mua lúa và trung gian kinh doanh gạo trong nước tung chiêu đẩy giá.

Theo Bộ Công Thương, bảy tháng đầu năm 2023, cả nước đã xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,6 tỉ USD, tăng 19% về lượng và tăng gần 30% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân ước đạt 534 USD/tấn, tăng 9,2% so cùng kỳ năm 2022.

Ông Phạm Văn Có, Giám đốc marketing Công ty TNHH VRICE, chỉ ra: Thị trường đang tích cực, giá tốt, họ sẽ lên mạng thông tin các đơn hàng “ảo” như có thương nhân nước ngoài đang có nhu cầu mua số lượng hơn 100.000-200.000 tấn với mức giá mua vào rất cao. Khi đó, những người buôn bán gạo thiếu kinh nghiệm sẽ bị sập bẫy mua vào giá cao và ôm hàng đợi vì họ kỳ vọng giá gạo còn tăng cao hơn nữa.

Ông Có dẫn ví dụ: Thương lái A và B “bắt tay” nhau, hôm nay họ gom mua vào một lượng lớn gạo thu hoạch với giá 8 đồng. Ngay hôm sau, họ có một đội tung các thông tin những đơn hàng lớn với giá gạo mua rất cao lên tới hơn 10 đồng cùng loại gạo đó. Thông tin làm thị trường sôi sục, những thương nhân khác lo giá gạo sẽ tăng nữa nên khi thương lái A và B bán với giá chỉ 9 đồng là họ mua ngay. Còn thương lái A, B đắc lợi vì bán được giá.

Cứ thế thương lái, trung gian kinh doanh gạo sẽ tìm cách đẩy giá gạo lên, buôn qua bán trong nước lại kiếm lợi nhuận. Đến khi đó, thương lái nào mua cuối cùng “ôm hàng” lượng lớn với giá cao ngất sẽ thiệt hại vì không bán ra được.

“Hệ quả, giá gạo tăng cao, người tiêu dùng trong nước chịu thiệt, còn DN thì không xuất khẩu được. Sau đợt này sẽ có nhiều DN phá sản, khi đó nông dân bị ảnh hưởng vì vụ mùa sau ai thu mua cho họ” - ông Có cảnh báo.

Doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Theo ông Nguyễn Thanh Long, chuyên gia ngành gạo, khâu trung gian từ thương lái thu mua lúa nông dân đẩy giá lên một mức, qua nhà máy xay xát chế biến ra gạo thành phẩm đẩy lên một mức nữa, rồi đến DN xuất khẩu thì giá gạo đã quá cao. Thị trường trong nước biến động tạo ra tâm lý kỳ vọng giá gạo sẽ tăng cao hơn nữa, thương lái ôm hàng đẩy giá gạo tăng nhanh quá mức. Điều đó lý giải nghịch lý hiện nay của ngành lúa gạo Việt Nam là giá gạo nội địa cao hơn giá gạo xuất khẩu.

Chỉ trong thời gian ngắn, giá gạo trong nước nhảy múa liên tục, thậm chí cao hơn với giá xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

Chỉ trong thời gian ngắn, giá gạo trong nước nhảy múa liên tục, thậm chí cao hơn với giá xuất khẩu. Ảnh: Q.HUY

“Cụ thể, với giá lúa tươi ở mức 8.000 đồng/kg thì qua các công đoạn chế biến, chi phí khác để ra gạo thành phẩm xuất khẩu loại gạo trắng 5% tấm phải ở mức 680-690 USD/tấn. Thế nhưng giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm hiện nay được chào cao nhất cũng chỉ 650 USD/tấn” - ông Long chia sẻ.

Nhiều DN xuất khẩu gạo hiện nay cho biết giá gạo trong nước ở mức cao khiến họ phải ngừng thu mua lẫn xuất khẩu. Một số DN ký hợp đồng với khách hàng cách đây một tháng giờ chấp nhận bồi thường hợp đồng chứ không thể giao hàng.

Theo tính toán của DN, hợp đồng đã ký có giá khoảng 550 USD/tấn, nếu không giao hàng thì mỗi tấn gạo DN phải bồi thường 10%, tính ra khoảng 55 USD/tấn. Trong khi nếu mua gạo trong nước với giá cao hiện nay để giao hàng thì DN lỗ hơn 150 USD/tấn.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng, cho biết hiện DN không dám mua vào, không dám ký hợp đồng mới vì giá nội địa cao hơn xuất khẩu, chỉ tập trung lấy gạo trong kho giao hợp đồng đã ký.

Theo ông Đôn, dù ngành lúa gạo đã có nhiều chuyển biến tích cực, liên kết giữa nông dân và DN tốt hơn nhưng liên kết vẫn không thể hết vùng sản xuất. Do đó, lỗ hổng ngành lúa gạo vẫn xảy ra khi giá gạo tăng, thương lái họ có thể ép giá nông dân và đẩy giá bán cho các nhà máy, DN. Những DN nếu không liên kết, đợi ký được hợp đồng xuất khẩu mới đi thu mua thì sớm muộn cũng gặp rủi ro khi giá lúa trong nước tăng, nguy cơ thua lỗ cao.

“Vì vậy, DN cần chủ động thu mua gạo trước rồi mới ký hợp đồng, tính toán trước nguồn hàng, tồn kho, mua giá đảm bảo nông dân có lợi nhuận” - ông Đôn nói.

Cũng theo dự báo của ông Đôn, giá lúa gạo trong nước sau khi bị đẩy giá tăng cao sẽ từ từ quay về mức giá phù hợp. Với nhu cầu lương thực thế giới vẫn tăng, mặt bằng giá gạo vẫn rất tốt trong thời gian tới.

Hợp tác giữa nông dân và doanh nghiệp lợi gì?

Chia sẻ thêm về hợp tác giữa nông dân và DN, ông Phạm Văn Có, Giám đốc Công ty VRICE, cho biết hiện nay tình trạng “bể kèo” hợp đồng ít xảy ra. Các DN bao tiêu sẽ thanh toán tới 90%-95% trước và ngay từ khi nông dân xuống giống là đã ký hợp đồng. Bên cạnh đó, người nông dân họ cũng chỉ “xin thêm” một ít khi giá lúa thị trường lúc thu hoạch tăng, tâm lý nông dân cũng xác định dài hạn, không phải biết mỗi vụ này mà họ còn nghĩ những vụ sau, ổn định đầu ra.

Thế nhưng thực tế ông Có cho hay số lượng hợp đồng bao tiêu cũng hạn chế, khi thị trường biến động, giá lúa trong nước bị thương lái, dân buôn đẩy cao hơn giá xuất khẩu thì không DN nào dám mua. Hiện giá gạo Việt Nam có thời điểm cao hơn giá gạo Thái Lan nhiều, trong khi gạo họ chất lượng vẫn nhỉnh hơn.

“Như gạo thơm Thái Lan xuất khẩu chỉ 680 USD/tấn, trong khi gạo thơm Việt Nam tới 770 USD, rất khó cạnh tranh” - ông Có phân tích.

Gạo Việt vượt qua Thái Lan, lập kỷ lục giá cao nhất thế giới

Sau nhiều lần giằng co về vị trí giá cao nhất thế giới, gạo Việt Nam vừa lấy lại vị trí số 1 từ gạo Thái khi tiếp tục thiết lập mức giá kỷ lục cao nhất trong vòng 15...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Huy ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN