Lặt lá để mai nở đúng Tết
Sau khi lặt lá xong, nên để chậu mai ngoài nắng, khi gặp mưa thì mang vô nhà hoặc che chắn.
Làm thế nào để mai nở đúng Tết, không phải ai cũng biết cách. Để cây mai khỏe cần phải được chăm sóc suốt năm, cắt tỉa rễ mai trong chậu như thế nào, tỉa cành nào, giữ lại cành nào; bón phân như thế nào, bón loại phân gì?... Chưa hết, tưới nước với liều lượng bao nhiêu, một ngày tưới bao nhiêu lần? Ngoài ra còn phải phun thuốc diệt sâu bọ, nấm, ký sinh… Các phương pháp chăm sóc trên đến thời điểm này không còn tác dụng vì đã muộn. Giai đoạn này chỉ cần tập trung vào việc lặt lá sao cho cây mai nở hoa đúng Tết.
Thông tin từ các vườn mai ở TP HCM cho thấy thời tiết năm nay không được thuận lợi do mưa nhiều, thời tiết hơi lạnh trong khi cây mai lại ưa nắng nóng. Do đó nếu thời tiết vài ngày tới vẫn bình thường thì có thể lặt lá mai vào ngày 15 tháng chạp đối với mai trồng chậu, còn mai trồng dưới đất thì lặt lá muộn hơn một ngày. Trường hợp gần đến ngày lặt lá mai mà thời tiết lạnh, mưa thì nên tranh thủ lặt lá sớm hơn một, hai ngày. Khi lặt lá nên lặt từ trong thân ra cành, thời gian lặt nên hoàn thành trong ngày để tránh tình trạng hoa nở không đều giữa các cành.
Ông Nguyễn Văn Năm ở phường Linh Trung, quận Thủ Đức, TP HCM chuẩn bị lặt lá mai bán Tết
Sau khi lặt lá, nên hạn chế tưới nước, nếu tưới nhiều nước mai sẽ nở sớm hơn dự định, tức nở trước Tết. Trường hợp không tưới nước, đất trong gốc mai sẽ bị khô cũng làm ảnh hưởng đến việc nở hoa. Không tưới nước, cây sẽ bị thiếu dinh dưỡng, tưới nhiều nước dẫn đến ngập úng cũng ảnh hưởng đến “sức khỏe” của cây mai. Do đó, giới trồng mai khuyên chỉ nên tưới một lượng nước vừa đủ giữ ẩm cho gốc đến khi mai nở. Trong giai đoạn mai nở, mỗi ngày chỉ cần tưới một lần vào buổi sáng với lượng nước vừa đủ giữ ẩm.
Nhiều người cho rằng giai đoạn lặt lá mai phải sử dụng phân bón giống như các dưỡng chất khác để cho cây phát triển tốt, hoa nở khỏe, cánh dày, lâu tàn. Tuy nhiên, theo các nghệ nhân mai kiểng thì cách làm như vậy là sai lầm, vì giai đoạn này cây mai không cần hấp thụ. Thậm chí các loại phân bón, thuốc men còn làm cho cây mai “gây sốc” phản tác dụng. Giai đoạn này không nên sử dụng phân bón và các loại thuốc men khác mà chỉ giữ được độ ẩm vừa phải cho gốc mai. Chậu mai sau khi lặt lá nên để ngoài nắng, nếu gặp mưa nên mang vô nhà hoặc che chắn.