Laptop giảm giá kịch sàn vẫn ế
Sau "cơn sốt" tăng giá laptop chóng mặt do nhu cầu học tập, làm việc từ xa tăng mạnh trong đợt cao điểm dịch COVID-19, giá sản phẩm này từ năm ngoái đến nay liên tục giảm và chưa có dấu hiệu dừng lại
Năm 2021, sức tiêu thụ laptop tăng rất mạnh trong khi nguồn cung bị đứt gãy trầm trọng khiến giá sản phẩm bị đẩy lên mức cao. Thời điểm đó, thị trường hầu như vắng bóng dòng máy giá dưới 10 triệu đồng/chiếc, dòng máy giá 13-14 triệu đồng/chiếc tuy có nhưng không nhiều mẫu, đa phần sản phẩm có giá 16-17 triệu đồng/chiếc trở lên. Năm 2022, laptop bắt đầu quay đầu giảm giá và tiếp tục giảm sâu hơn kể từ đầu năm 2023.
Macbook giảm giá mạnh chưa từng thấy
Theo ghi nhận của phóng viên, thị trường laptop hiện có nhiều mẫu máy giá dưới 10 triệu đồng/chiếc. Đối với những mẫu giá trên 10 triệu đồng/chiếc, hầu hết các hãng và cửa hàng đều đưa ra chương trình giảm giá đến 50% so với cuối năm 2022 để kích cầu. Chẳng hạn, laptop MSI Modern giảm giá hơn 7 triệu đồng, còn 14,7 triệu đồng/chiếc; Asus Gaming Rog Strix G15 giảm gần 6 triệu đồng, còn 18 triệu đồng/chiếc; HP Pavilion Aero giảm gần 10 triệu đồng, còn 16 triệu đồng/chiếc; HP 15-EF2127 giảm 6 triệu đồng, còn 12 triệu đồng/chiếc...
Mặt hàng laptop liên tục được giảm giá để kích cầu tiêu dùng song tình trạng ế ẩm vẫn kéo dài
Ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện hệ thống CellphoneS, dự báo giá laptop sẽ giảm tiếp trong thời gian tới do sức mua còn yếu. Chưa kể, thị trường laptop gần đây còn chịu áp lực bởi giá Macbook giảm sâu chưa từng thấy, với mức giảm đến cả chục triệu đồng mỗi sản phẩm. Theo đó, Macbook Air M1 giảm giá 11 triệu đồng, còn 17,9 triệu đồng/chiếc; Macbook Air M2 giảm 6 triệu đồng, còn 26 triệu đồng/chiếc; Macbook Pro 13 M2 giảm 7 triệu đồng, còn 29 triệu đồng/chiếc. Do dòng sản phẩm được đánh giá là "đẳng cấp" giảm giá sâu nên các dòng máy khác cũng buộc phải giảm giá mạnh để cạnh tranh.
Báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường công nghệ và bán lẻ Việt Nam (GFK) cho thấy thị trường công nghệ trong nước đang suy giảm khá mạnh do người tiêu dùng hạn chế mua sắm, thắt chặt chi tiêu kéo dài. Doanh thu giảm khiến các đại lý bán lẻ liên tiếp đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi sâu từ dịp Tết Nguyên đán đến nay. Nhiều sản phẩm đã giảm giá 30%-50% so với giá niêm yết lúc mở bán. "Doanh thu nhiều ngành hàng hiện sụt giảm còn 60% so với cuối năm 2022 và xuống dưới điểm hòa vốn. Việc bán lỗ do áp lực thu hồi vốn và mức độ cạnh tranh mạnh trên thị trường đẩy nhà bán lẻ vào cảnh chịu mức lỗ lớn hơn cả giai đoạn đóng cửa do dịch COVID-19" - báo cáo của GFK nêu rõ.
Sức "nóng" đột ngột giảm
Một số nhà bán lẻ thừa nhận đã lạc quan thái quá về thị trường sau khi chứng kiến sức mua tăng mạnh trong 2 năm 2020 - 2021 dẫn đến nhận định nhu cầu giai đoạn tiếp theo chưa chính xác.
Ông Nguyễn Lạc Huy cho hay bước vào năm 2022, sức mua laptop hạ nhiệt do nhu cầu đã bão hòa và người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm chi tiêu bởi tình hình kinh tế khó khăn. Trong khi đó, sau "cơn sốt" mua sắm thiết bị làm việc, học tập từ xa trong dịch COVID-19, nhiều nhà sản xuất laptop đã tăng công suất thêm 70%-80% so với trước. Cộng với đó, tình trạng thiếu chip và khủng hoảng chuỗi phân phối dần được cải thiện đã giúp nguồn cung trên thị trường ngày càng dồi dào. Cung lớn hơn cầu khiến tồn kho hiện nay tương ứng với 12 tháng bán hàng. Nhà bán lẻ không thể không tìm cách giảm giá để xả hàng nhằm tránh "chôn" vốn, gây khó cho việc duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh lãi suất vay ngân hàng vẫn cao.
Ông Hoàng Văn Dũng, phụ trách ngành hàng laptop của FPT Shop, xác nhận nhà bán lẻ này đang nỗ lực kiểm soát hàng tồn kho nên giá laptop gần đây đã giảm mạnh. Ông Nguyễn Gia Hoàng, Giám đốc kinh doanh Acer Việt Nam, cũng thừa nhận sức mua máy tính toàn thị trường những tháng đầu năm nay khá yếu, hy vọng đến quý III và IV/2023 sẽ tốt hơn. Ông Phan Ánh Dương, Giám đốc kinh doanh Asus Việt Nam, thông tin doanh số toàn thị trường laptop giảm mạnh khoảng 50% so với năm trước và thị trường bán lẻ đang có tâm lý chờ đợi nền kinh tế vào chu kỳ phát triển trở lại.
Cắt, giảm chi phí để tồn tại
Trước tình hình tiêu thụ sản phẩm ngày càng khó khăn, các nhà bán lẻ laptop hầu như đã tạm dừng việc mở rộng hệ thống cửa hàng; dừng tuyển mới nhân sự, giảm giờ công làm việc đối với nhân viên ở cửa hàng có doanh số thấp và ở những khung giờ vắng khách. Với phương châm cắt giảm chi phí được ưu tiên hàng đầu, các hệ thống cũng tiết kiệm tối đa khoản chi cho nhu cầu điện, nước, văn phòng phẩm; thương lượng với chủ mặt bằng để được hỗ trợ chi phí thuê mặt bằng trong giai đoạn thị trường sụt giảm nghiêm trọng như hiện nay...
Chưa bao giờ trứng gà ta lại có giá rẻ hơn trứng gà công nghiệp vì một lý do bất ngờ
Nguồn: [Link nguồn]