Lập sàn giao dịch sáng chế của nhà nông
Tới đây, một sàn giao dịch sáng chế - công nghệ sẽ được xác lập. Đây là giải pháp nhằm tránh tình trạng “chảy máu” công nghệ khi ngày càng có nhiều sáng chế hữu ích của nông dân nhưng ít được áp dụng rộng rãi.
Nông dân háo hức “lên sàn”
Tuy mới chỉ học hết lớp 10 nhưng anh Đinh Văn Giang ở xã Sông Khoai (huyện Yên Hưng, Quảng Ninh) hiện sở hữu nhiều sáng chế mang tính tiện ích gắn liền với công việc sản xuất nông nghiệp.
Trải qua nhiều nghề, từ đánh bắt cá, sửa chữa máy móc... anh Giang trở về nhà phụ giúp vợ làm kinh tế VAC. Với vườn cây, ao cá và 20 con lợn, công việc của vợ chồng anh lúc nào cũng phải “lăn như bi” từ sáng sớm đến tối mịt mới hết việc.
Anh Giang vận hành chiếc máy băm bèo, thái rau.
Anh nghĩ, nếu “làm giàu” mà thế này thì vất vả quá, nhất là việc chăn nuôi lợn, riêng khoản băm rau, nấu cám cũng đã mất vài giờ. Sẵn tính hay mày mò, anh nghĩ tới việc sáng chế chiếc máy làm việc thay người. Năm 2000, anh Giang chế tạo được chiếc máy chế biến thức ăn gia súc, gia cầm và thủy sản đa năng. Từ “bản thô” này, 2 năm sau chiếc máy của anh được chỉnh sửa hoàn thiện hơn.
Ông Phạm Hồng Quất cho rằng: Nếu sàn giao dịch ra đời, các nhà khoa học “chân đất” sẽ có chỗ để đến quảng bá, giới thiệu sản phẩm sáng chế của mình, giống như việc tôi có mớ rau, con gà thì sẽ mang đến chợ để bán chứ không phải chỉ để ở nhà và ai biết thì tìm đến mua... |
Chiếc máy được các nhà khoa học gọi là “công nghệ chăn nuôi xanh” vì thay thế được phương thức chăn nuôi cũ, nghĩa là không phải băm, thái rồi đem nấu... thay vào đó, các nguyên liệu này được đưa vào máy để nghiền, sau đó mang ủ với men (gồm cám, gạo, chất xơ, đạm, muối) ủ cho lên men từ 2-3 ngày là dùng được.
Lợn ăn cám này thịt thơm hơn, giúp nhà nông?tiết kiệm được thời gian chăn nuôi cũng như chi phí. Tiếng lành đồn xa, nhiều người trong vùng và các tỉnh miền Trung, miền Nam tìm đến anh Giang để mua máy. Hiện anh đã bán được 200 máy. Anh cho hay, với giá thành mỗi máy 6 triệu đồng, chỉ 1-2 năm là các hộ hoàn vốn. Nhưng nếu được đầu tư công nghệ để đưa vào sản xuất thay vì thủ công như hiện nay, giá thành của máy chắc chắn sẽ rẻ hơn và thời gian thực hiện cũng nhanh hơn.
Ngoài sáng chế này, anh Giang còn là chủ nhân của chiếc máy đào ao, hút bùn và đang tập trung nghiên cứu chế tạo máy nhằn xương cá để ứng dụng vào việc làm chả cá.
Chống “chảy máu công nghệ”
Anh Giang chỉ là một trong rất nhiều những người không phải là nhà khoa học có bằng cấp, nhưng nhờ những tìm tòi, nghiên cứu từ chính nhu cầu sản xuất của gia đình mà đã làm ra nhiều máy móc hữu dụng. Ông Phạm Hồng Quất - Phó Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ KHCN) cho rằng: Tiềm năng sáng chế của người Việt Nam rất lớn, nhưng trên thực tế lại chỉ khu biệt ở địa phương.
Điều này đang được coi là một sự lãng phí rất lớn về chất xám, đồng thời không phát huy được giá trị thương mại của các sáng chế rất hữu ích này. Tuy nhiên, rất khó để đòi hỏi các nhà sáng chế đồng thời là nhà quản trị doanh nghiệp lại vừa làm marketing để đưa máy móc phổ biến, sử dụng rộng rãi.
Thực tế ông Quất nói chính là tiền đề để các nhà quản lý tổ chức sàn giao dịch các sản phẩm sáng chế, công nghệ với sự bắt tay của Bộ NNPTNT và Bộ KHCN nhằm nâng cao mức độ kết nối giữa nhà sáng chế - nhất là các nhà sáng chế nông dân, với doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Theo đó, mỗi một sàn giao dịch sẽ được tổ chức theo chủ đề về nông nghiệp, ngư nghiệp hay xây dựng... để các nhà khoa học, doanh nghiệp có nhu cầu sẽ tìm đến đây như một “cái chợ” công nghệ, đáp ứng được các khâu từ A - Z: Giao dịch, bán sáng chế, công nghệ, tư vấn, kết nối chặt chẽ với hệ thống các chuyên gia về đánh giá, định giá công nghệ.
Dự kiến, sàn giao dịch này sẽ đi vào hoạt động trong khoảng 3 tháng nữa. Ngoài việc giới thiệu như các sàn Techmart đang làm hiện nay, sàn công nghệ này sẽ chọn khâu tư vấn và kết nối đầu ra làm trọng điểm. Đây cũng chính là khâu còn vướng mắc của các nhà sáng chế, nhà khoa học.