Lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện

Sự kiện: Kinh Doanh

Rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc đưa ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục...

Sáng 12/12, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Đấu giá tài sản, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Lắp ráp, nhập khẩu ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện - 1

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông phát biểu tại cuộc họp báo

Bổ sung 15 ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Giới thiệu về Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho biết, Luật đã bãi bỏ 20 ngành, nghề không phù hợp với tiêu chí và mục đích quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh dịch vụ đào tạo đại lý bảo hiểm; nhập khẩu thiết bị phát, thu phát sóng vô tuyến điện; kinh doanh dịch vụ tổ chức lễ hội…

Đồng thời, bổ sung 15 ngành nghề kinh doanh có điều kiện như: Kinh doanh thiết bị phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị; Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô; Kinh doanh dịch vụ quản lý, vận hành nhà chung cư; Kiểm định chất lượng giáo dục; Kinh doanh dịch vụ dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn...

Luật này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017, riêng quy định về 2 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện gồm “Kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị” và “Sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ôtô” sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2017.

Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, khi luật này được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 2, rất nhiều ý kiến tranh luận xung quanh việc đưa ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ô tô” vào danh mục áp điều kiện đầu tư kinh doanh. Quốc hội đã quyết định hiệu lực thi hành dành riêng cho ngành nghề “sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô” (cùng với “kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị”) chậm hơn 6 tháng so với hiệu lực thi hành chung của cả luật. Trong thời gian đó, Quốc hội giao Chính phủ quy định việc áp dụng chuyển tiếp đối với tổ chức, cá nhân đang đầu tư kinh doanh trong hai ngành nghề này, vì dù đã được đưa vào danh mục nhưng lại chưa có quy định cụ thể về điều kiện đầu tư kinh doanh.

Đấu giá trực tuyến, hạn chế “quân xanh, quân đỏ”

Về Luật Đấu giá tài sản, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, Luật này đã khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, đảm bảo tính công khai, minh bạch, khách quan; đã có sự tham khảo kinh nghiệm nước ngoài phù hợp với điều kiện thực tiễn tại Việt Nam.

Theo đó, việc quy định trình tự, thủ tục đấu giá tài sản nhằm hạn chế tối đa tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc nối, thông đồng, dìm giá, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, tránh gây thất thoát tài sản Nhà nước. Việc niêm yết thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch; tổ chức đăng ký tham gia đấu giá đảm bảo tính chặt chẽ, thuận lợi; nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá; thủ tục đăng ký tham gia đấu giá được thực hiện công khai, liên tục nhằm tránh tình trạng cản trở hoặc hạn chế người tham gia đấu giá.

Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Luật còn bổ sung hình thức đấu giá trực tuyến, qua đó góp phần hạn chế tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, móc nối để dìm giá, làm sai lệch kết quả đấu giá. Đáng chú ý, trong quá trình tổ chức đấu giá, người có tài sản đấu giá có quyền giám sát quá trình tổ chức việc đấu giá, yêu cầu tổ chức đấu giá tài sản dừng việc tổ chức đấu giá đó nếu có hành vi vi phạm trình tự, thủ tục đấu giá, yêu cầu đấu giá viên dừng cuộc đấu giá nếu có hành vi thông đồng, móc nối để dìm giá.

Luật Đấu giá tài sản sẽ có hiệu lực từ 1/7/2017.

Đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo

Giới thiệu về Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho biết, Luật gồm 9 chương, 68 Điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Nhằm cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, Luật này quy định chủ thể thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là mọi người chứ không phải là quyền công dân như trước đây. Bên cạnh đó, Luật cũng quy định mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng về tôn giáo.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Vũ (Báo giao thông)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN