Lập quỹ hỗ trợ sản xuất cứu nông dân
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề xuất lập quỹ hỗ trợ sản xuất, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân khi giá thấp và bình ổn giá khi giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng cao.
Ngày 5/7, tại Cần Thơ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), Bộ Công Thương, Ngân hàng Nhà nước, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TP Cần Thơ đã tổ chức hội nghị bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo và thủy sản cho vùng đồng bằng sông Cửu Long năm 2013.
Không thể quản giá đầu vào
Ông Nguyễn Phong Quang, Phó ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, cho biết khó khăn lớn nhất lúc này của người nông dân là giá lúa gạo, thủy sản bán ra ở mức thấp, không có lợi nhuận. Ngoài nguyên nhân từ nguồn cung sản xuất trong nước vượt quá cầu còn do giá nguyên liệu đầu vào, giá vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất lúa gạo.
Cụ thể, theo ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, hiện người nông dân đang lỗ 3.000 đồng/kg đối với cá tra nguyên liệu, lỗ hơn 1.000 đồng/kg đối với cá tra giống. Nguyên nhân là giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ngốn hết giá thành sản xuất.
Trong khi đó ở ngành lúa gạo, ông Trần Công Chánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho hay tỉnh phối hợp với nông dân thí điểm cánh đồng mẫu lớn, hiệu quả thì có nhưng lại không đủ sức nuôi dưỡng. Mỗi vụ thu hoạch từ cánh đồng mẫu lớn, tỉnh phải trích ngân sách bù 400 đồng/kg vì giá bán quá thấp, bán 4.300 đồng/kg cũng chỉ bằng giá thị trường. Giá lúa bán ra không tăng, thậm chí giảm dần mà giá phân bón, thuốc trừ sâu lại tăng liên tục nên ăn dần vào giá đầu ra, “gặm” hết lợi nhuận của người trồng lúa.
Đại diện Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Chủ tịch Trương Thanh Phong cũng thừa nhận: “Chúng ta cứ chăm chăm vào giá bán lúa của nông dân, giá xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) mà quên quản giá đầu vào vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật… Dư luận chỉ trích DN mua lúa của nông dân với giá thấp, quên rằng DN không quản lý về giá mà mua theo giá thị trường”.
Ngay cả khi Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề cập sẽ hỗ trợ kinh phí cho VFA để DN bao tiêu đầu ra cho nông dân trồng lúa, ông Phong cũng không thể khẳng định giúp được nông dân. Ông nói chỉ có thể bao tiêu đầu ra chứ để bảo đảm giá lúa tăng, nông dân có lợi nhuận thì DN không thể làm được vì không thể quản được giá vật tư nông nghiệp.
Lập quỹ hỗ trợ nông dân
Bàn về giải pháp, ông Phạm Hoàng Bê (tỉnh Bạc Liêu) góp ý: “Theo tôi, Nhà nước nên có chính sách kiểm soát quản lý giá vật tư nông nghiệp, nguyên liệu sản xuất lúa hoặc có nguồn vốn hỗ trợ lãi suất 0% cho nông dân vay để chi trả chi phí đầu vào. Nếu quyết liệt hơn, Chính phủ có thể “độc quyền” quản lý giá vật tư nông nghiệp để hỗ trợ nông dân mua chịu, không phải trả lại”.
Còn ông Trần Công Chánh (tỉnh Hậu Giang) nêu vấn đề một trong những mục đích của chương trình thu mua tạm trữ là kéo giá lúa lên, bảo đảm nông dân có lãi. Tuy nhiên, nếu Chính phủ giao việc không rõ, vừa cho VFA vừa cho địa phương thì hiệu quả chưa biết đi đến đâu. Vì vậy, cần giao tiền, giao quyền cho địa phương để khi gặp khó thì các địa phương tự cân đối ngân sách, giải quyết theo quyền hạn.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng lúc này không nên đổ thừa cho nhau mà mỗi địa phương cần tự giải quyết khó khăn của mình.
“Muốn kiểm soát giá vật tư nông nghiệp, nguyên liệu đầu vào thì phải nhanh chóng áp dụng hiệu quả cánh đồng mẫu lớn vào thực tế ở các tỉnh để giải quyết được các vấn đề về thủy lợi, thời vụ, kỹ thuật sản xuất. Khi đó quy trình sản xuất được khép kín, giá đầu vào - đầu ra được quản lý đồng bộ, sản phẩm đầu ra được bao tiêu, nông dân có lợi nhuận. Tuy nhiên, cũng cần lập điều kiện đối với DN xuất khẩu gạo như phải có vùng nguyên liệu, bao tiêu đầu ra cho nông dân…” - ông Năng nói rõ.
Đặc biệt, theo ý Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh thì VFA cần phối hợp Bộ Tài chính đề xuất lên Chính phủ lập quỹ hỗ trợ sản xuất cho nông dân. Quỹ này sẽ hỗ trợ nông dân khi giá lúa xuống thấp, rót vốn cho DN mua gạo cho nông dân với giá cao. Và khi giá vật tư nông nghiệp (phân bón, thuốc trừ sâu…) tăng cao, quỹ này sẽ có chức năng như quỹ bình ổn giá, bảo đảm cho nông dân mua được với giá hợp lý mà vẫn có lãi.
Giá gạo Việt Nam đã rẻ nhất thế giới Trong sáu tháng đầu năm 2013, giá gạo của Việt Nam đã liên tục giảm từ mức 410 USD/tấn loại 5% tấm xuống còn 365 USD/tấn, tách khỏi mặt bằng giá gạo thế giới và trở thành nguồn cung cấp gạo rẻ nhất. Dự báo giá gạo trong nước và xuất khẩu sẽ không tăng vì thị trường xuất khẩu tiếp tục khó khăn. Hiện tồn kho ở các nước xuất khẩu đều ở mức khổng lồ như Thái Lan tồn 17 triệu tấn, Ấn Độ tồn 35,5 triệu tấn. Các nước xuất khẩu khác như Myanmar, Campuchia gia tăng cạnh tranh ở phân khúc thị trường gạo giá thấp. Nhu cầu tiêu thụ gạo ở các nước nhập khẩu lại chưa rõ ràng… Theo VFA |