Lập “hàng rào” chặn thực phẩm bẩn
Từ năm 2015, TP.HCM sẽ triển khai thực hiện Chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn cho thị trường thành phố.
Sản phẩm thực phẩm từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ phải đảm bảo một số tiêu chí do TP.HCM đặt ra như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất, chế biến, vận chuyển, có thể truy xuất được nguồn gốc… Đây cũng là năm đầu tiên TP.HCM phối hợp với Bộ NNPTNT quyết liệt thực hiện chuỗi cung ứng thịt, rau an toàn này.
HTX Thỏ Việt giới thiệu sản phẩm rau VietGAP tới người tiêu dùng. Ảnh: Thuận Hải
Chương trình này đặt mục tiêu từng bước tăng thị phần các sản phẩm rau, thịt đảm bảo an toàn thực phẩm, có thể truy xuất nguồn gốc xuất xứ tại TP.HCM, là thị trường lớn, nhu cầu cao. Trên cơ sở đó, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục nhân rộng ra trên cả nước. Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, TP.HCM được xem như là thị trường nhập khẩu rau thịt của các tỉnh trong vùng. Hiện tại, TP.HCM cũng đã triển khai thực hiện 12 chuỗi thực phẩm an toàn, gắn liền với chương trình chuỗi cung ứng thịt, rau do Bộ NNPTNT xây dựng.
Tuy nhiên, điều khiến ông Trung lo lắng là vấn đề truy xuất nguồn gốc. Trên thực tế, thời gian qua, không phải tỉnh nào đưa nông sản về thành phố tiêu thụ cũng truy xuất được nguồn gốc. Nhiều địa phương ghi nguồn gốc sản phẩm ở cấp xã, huyện nhưng không ghi địa chỉ cụ thể. Hơn nữa, việc thu gom thịt, rau từ những nguồn nhỏ lẻ cũng khiến việc truy xuất nguồn gốc gặp nhiều khó khăn.
“Không chỉ thịt mà ngay cả rau cũng được thu gom qua thương nhân, sau đó đưa lên xe tải từ nhiều nguồn khác nhau để đưa về thành phố tiêu thụ, chưa có cơ sở để chứng minh được đó là sản phẩm của hộ nào, xã nào…”- ông Trung nhấn mạnh.
Ngoài ra, việc lấy mẫu kiểm tra chất lượng sản phẩm hiện nay cũng chưa ổn. Theo đó, sản phẩm khi đến TP.HCM được lấy mẫu để kiểm tra, tuy nhiên, sau khi có kết quả thì sản phẩm đó đã được đưa đi tiêu thụ hết rồi. Trong trường hợp lô hàng không đủ tiêu chuẩn, rất khó để tìm lại. Còn nếu tìm cách giữ hàng lại sẽ khiến chất lượng bị giảm sút, hơn nữa, nếu kết quả kết tra âm tính thì cơ quan chức năng phải đền bù thiệt hại cho chủ lô hàng.
Để khắc phục những nhược điểm trên, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cho rằng, TP.HCM cần thống kê nhu cầu từng mặt hàng ở từng thời điểm cụ thể. Sau đó, cung cấp cho các tỉnh, thành có liên kết, đồng thời, công khai giá cả để người tiêu dùng được biết. Trong khi đó, các địa phương có liên kết trong chuỗi cung ứng thịt, rau với TP.HCM cần tổ chức liên kết các hộ sản xuất nhỏ lẻ, giới thiệu các cơ sở an toàn thực phẩm để doanh nghiệp cùng kết nối.
Ngoài ra, TP.HCM và các tỉnh cần tăng cường hướng dẫn kiểm tra chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn, kết nối kiểm soát vật tư đầu vào đồng thời có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất an toàn. “Các địa phương cũng nên nhân cơ hội này xây dựng chuỗi an toàn thực phẩm cho cả địa phương mình, tỉnh nào làm tốt thì có thị phần nhiều ở TP.HCM, mà phải là cạnh tranh bằng chất lượng, hệ thống tổ chức phân phối cung ứng…”- ông Tám nhấn mạnh.