Lập đề án khẩn cứu doanh nghiệp
Đề án sẽ đề xuất các biện pháp giảm lượng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn vay để phát triển sản xuất kinh doanh, hạn chế tình trạng thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc phá sản…
Ngày 25-7, tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã chủ trì cuộc họp lấy ý kiến góp ý đề án tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN). Sau khi lắng nghe, thu thập ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, hiệp hội và cộng đồng DN trong 2 ngày 25 và 26-7, bộ sẽ tổng hợp trình Chính phủ.
“Làm bao nhiêu đem nộp hết cho ngân hàng”!
Bà Quách Tố Dung, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết khó khăn nhất hiện nay của DN vẫn là vốn. Nhiều ngân hàng (NH) thương mại vẫn chỉ đàm phán, xem xét chứ chưa khẩn trương giảm lãi suất các khoản vay cũ về 15%/năm cho DN theo yêu cầu của thống đốc NH Nhà nước. Với lãi suất cao như hiện nay, DN làm ra bao nhiêu cũng chỉ đủ trả lãi, nộp cho NH.
“NH cũng là DN nhưng cơ chế hiện nay đang tạo cơ hội cho các NH hưởng lợi. Các NH công bố vốn nhiều, lãi suất thấp nhưng DN chỉ được cho vay từ 1-3 tháng. NH nói do phụ thuộc dòng tiền vào - ra, còn thống đốc khẳng định lãi vay sẽ ổn định dưới 15%/năm. Vì sao có sự khập khiễng này?” - bà Dung đặt vấn đề. Trong tuần này, TPHCM sẽ tổ chức kết nối NH với DN quy mô lớn, mời cả thống đốc NH Nhà nước tham dự để các NH tự công bố vốn cho vay ưu đãi, đối tượng được hưởng, lãi suất và thời gian cam kết...
Hội trường “nóng” lên khi các đại biểu đề cập lãi suất. Giám đốc Sở Công Thương Cần Thơ Nguyễn Minh Toại bức xúc từ năm 2011 đến nay, lãi suất cho vay quá cao từ 18%-25%/năm, nhiều DN làm không đủ trả lãi. Nay NH Nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất nhưng DN không có tài sản thế chấp để vay tiếp và cũng không có tiền trả lãi. “Các NH nói “rất hay” về giảm lãi suất nhưng chúng tôi xuống từng DN mới biết họ chưa với tới. Bộ Công Thương cần phối hợp với NH Nhà nước để chỉ đạo NH Nhà nước chi nhánh các tỉnh, TP kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực thi chính sách của các NH” - ông Toại đề xuất. Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Lê Phước Vũ nhận xét lãi suất giảm nhưng chưa đủ liều. Hạ lãi suất là giải pháp tiên quyết để cứu DN.
Các doanh nghiệp đang rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn lãi suất thấp
Chiến lược cho từng ngành hàng
Theo Bộ Công Thương, đề án sẽ tập trung vào nhiều giải pháp phối hợp cùng NH Nhà nước, Bộ Tài chính nhằm gỡ khó về lãi suất cho DN. Đồng thời, bộ sẽ hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu, khơi thông thị trường… Bộ Công Thương đang khẩn trương làm việc với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhằm bổ sung kinh phí xúc tiến thương mại quốc gia, mở rộng thị trường ra các nước đang phát triển, thị trường tiềm năng...
Ông Nguyễn Chiến Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, cho biết ngành gỗ đang thiếu một chợ trung tâm quy mô lớn - nơi các DN trao đổi hàng hóa, ký kết hợp đồng… Thị trường tiềm năng nhưng DN trong ngành lúng túng bởi hàng làm ra không biết bán cho ai. “Để phát triển xuất khẩu, nên thành lập hội đồng thương mại quốc gia với các ngành như đồ gỗ, dệt may, thủy sản… theo một chính sách tổng thể, hỗ trợ cho nhau. Hội đồng này sẽ đưa ra điểm mạnh, yếu của từng ngành hàng, từ đó Nhà nước có chính sách phù hợp phát triển các chuỗi ngành hàng” - ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam, đề xuất.
Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, các giải pháp tháo gỡ cần đi ngay vào cuộc sống vì DN không có nhiều thời gian chờ đợi. “Cần sự chỉ đạo quyết liệt của các bộ, ngành và sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan này. Không thể có một giải pháp nào toàn diện mà một bộ, ngành làm được. Bản thân các DN cũng phải tự cố gắng, chủ động hơn bởi không thể trông tất cả vào Chính phủ và các bộ ngành” - ông Hoàng nói.
1 kg cá tra bằng 1 chai nước suối! Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến thủy sản Việt Nam, nhiều người ví von 1 kg cá tra xuất khẩu không bằng 1 chai nước suối ở châu Âu. Giá cá tra giảm mạnh khiến người nuôi cứ thu hoạch 100 tấn cá thì lỗ 500 triệu đồng. Có người phải bán đất để trả nợ. Còn ông Nguyễn Minh Toại cho biết nông dân nuôi cá tra phải chịu lãi suất kép khi vừa vay NH vừa bị DN mua hàng thiếu. Nhiều DN chiếm dụng vốn của nông dân, lấy hàng nhưng phải đến 30 - 60 ngày sau mới trả tiền. DN nhập khẩu thấy vậy cũng… mua chịu của DN xuất khẩu trong nước càng làm người nuôi cá khốn đốn. |