Lao vào 'cơn sốt' lan đột biến, nhiều người khuynh gia bại sản thế nào?
"Từ một chủ trang trại có chục tỷ tiền tiết kiệm, đất vài mảnh nhưng trót vào lan var, gia đình tôi mất hết. Giờ tôi cũng xác định làm cả đời cũng chưa hết nợ", chủ một trang trại ở Tuyên Quang chia sẻ.
Khoảng 2 tuần trở lại đây, thị trường lan đột biến (lan var) có dấu hiệu nóng trở lại khi xuất hiện nhiều cú bắt tay giao dịch với giá trị hàng trăm triệu đồng. Trong đó, các loại lan var được tìm kiếm nhiều nhất là 5 cánh trắng Bảo Duy, Tuyết Đỉnh Hồng, Vĩnh Khang, Đại Cát, Ngọc Sơn Cước...
Anh Nguyễn Văn H. một người chơi lan var ở Phú Thọ cho biết, trước Tết Nguyên đán Giáp Thìn, các loại lan var như Ngọc Sơn Cước, Bảo Duy... dù có đắt thì giá cũng chỉ vài ba triệu đồng/chậu to nếu chuẩn cây.
Một giao dịch lan var Tuyết Đỉnh Hồng được chia sẻ trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, gần đây nhiều người bắt tay giao dịch và đăng trên mạng xã hội với giá từ vài chục triệu đồng/cm cho cây 5 cánh trắng Bảo Duy, Tuyết Đỉnh Hồng... Mới đây, mạng xã hội xuất hiện clip giao dịch chậu lan Tuyết Đỉnh Hồng với giá cả trăm triệu đồng/cây vài cm; hoặc clip vài chục nhà vườn tập trung để mua cây...
Dù vậy, nhiều người chơi hoa cho rằng, đó là cách một số nhà vườn lớn bắt tay nâng giá lan var để “lùa gà”. Anh N.V.T. (chủ một nhà vườn ở Thanh Hóa) cho biết, bản thân anh cũng có một số loại hoa lan như Bảo Duy, Ngọc Sơn Cước. Tuy nhiên, khi liên hệ thì những người hỏi mua thì họ trả rất rẻ, thậm chí còn hỏi vòng vo, rồi từ chối không mua.
“Mấy nhà vườn lớn chỉ diễn trò để những người “tham” lao vào đầu tư, mua lan var trong vườn họ. Tuy nhiên, người dân giờ cũng tỉnh, bởi bài học năm 2021, 2022 đã khiến nhiều người mất nhà cửa, đất đai, thậm chí lâm vào nợ nần”, anh T. nói.
Chậu lan var 5 cánh trắng Phú Thọ đang nở hoa được chào giá 1,8 triệu đồng.
Trao đổi với PV Tiền Phong về vấn đề này, GS. Trần Duy Quý - Chủ tịch Hiệp Hội sản xuất và kinh doanh hoa Lan Việt Nam - cho biết, gần đây giá lan var có “nhích” hơn so với trước đó. Lý do là vào mùa làm giống nên anh em chơi hoa trao đổi nhiều. Hơn nữa, sau một thời gian trồng, chăm sóc, lan var đã trổ bông, người chơi đã biết được mặt bông hoa chứ không còn “tù mù”, mua sai cây như trước.
GS. Trần Duy Quý cũng cho rằng, dù giá lan var có nhích lên nhưng chưa bằng 1/1.000 so với lúc sốt. Hiện nay lan var đã trở về với giá trị thực của nó, tức phù hợp với đa số túi tiền người tiêu dùng và ai cũng có thể chơi được.
Trước đó, cuối năm 2021, đầu năm 2022 lan var đã tạo nên cơn sốt thị trường khi giá được đẩy lên rất cao. Thời điểm sốt, 5 cánh trắng Bảo Duy có giá khoảng 2-3 tỷ đồng/cm, 5 cánh trắng Ngọc Sơn Cước có giá 1 tỷ đồng/cm, Bạch Tuyết giá khoảng 100 triệu đồng/cm. Loại lan var rẻ nhất là 5 cánh trắng Hiển Oanh cũng có giá khoảng 5 triệu đồng/cm và 5 cánh trắng Phú Thọ khoảng 1,2 triệu đồng/cm. Thậm chí, nhiều người còn mua “lúa non” tức chưa thấy cây đâu nhưng vẫn đặt vài trăm triệu đồng để mua lan var.
Lan var dần trở về với giá trị thực.
Đến giữa năm 2022, thị trường lan var trầm lắng và năm 2023 thì xuống đáy, trở về với giá trị thực. Đến cuối năm 2023, chỉ từ 100.000 đồng người chơi có thể mua một chậu lan var to. Thậm chí, lan var đã có nụ, có hoa như Hiển Oanh, Phú Thọ, chỉ khoảng 200.000 đồng/chậu (1-2 thân).
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, cơn sốt lan var năm 2021-2022 đã đẩy nhiều gia đình vào cảnh tan cửa, nát nhà, nợ nần ngân hàng.
Đơn cử như chủ một trang trại ở Tuyên Quang cho biết đã đầu tư vài cây, chỉ trong 2 tuần đã có lãi 500 triệu đồng. Ham quá, anh huy động người thân, anh em rồi vay lãi đầu tư vào vườn lan var. Tuy nhiên, sau một thời gian, thị trường lan var sập. Anh phải bán hết đất đai, nhà cửa, tài sản nhưng vẫn chưa hết nợ. Hiện gia đình vẫn còn nợ khoảng 10 tỷ đồng.
"Từ một chủ trang trại có chục tỷ tiền tiết kiệm, đất vài mảnh nhưng trót vào lan var, gia đình tôi mất hết. Giờ tôi cũng xác định làm cả đời cũng chưa hết nợ", chủ trang trại chia sẻ.
Nguồn: [Link nguồn]
Điều đặc biệt là, dù giá cao "ngất" nhưng loại dâu tây này vẫn rất được ưa chuộng, ùn ùn khách mua.