Láo nháo thực phẩm chức năng “sinh con trai theo ý muốn”

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Trong thời đại công nghệ số, việc tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, sự lan tràn của các sản phẩm chức năng cùng những quảng cáo lén lút từ các cơ sở y tế đang gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng cho xã hội.

Làn sóng thực phẩm chức năng “sinh con trai” trên mạng xã hội

Hiện nay, trên các nền tảng mạng xã hội và trang web, không khó để bắt gặp những quảng cáo về các loại thực phẩm chức năng, thậm chí là thuốc, với lời cam kết “giúp sinh con trai”. Những sản phẩm này thường được quảng cáo là “hiệu quả”, “an toàn”, và “được chiết xuất từ thiên nhiên”, với những thành phần được cho là có khả năng ảnh hưởng đến giới tính của thai nhi. Tuy nhiên, sự thật đằng sau những lời quảng cáo đó lại là một thực trạng đáng lo ngại.

Bộ sản phẩm giúp sinh con trai được quảng cáo trên mạng.

Bộ sản phẩm giúp sinh con trai được quảng cáo trên mạng.

Chỉ cần vào Google gõ chữ “sinh con trai theo ý muốn” là có ngay hàng trăm ngàn kết quả về nội dung này với những tiêu đề rất hấp dẫn như: Sinh con trai theo ý muốn - bí kíp hiệu quả đến 99%; tổng hợp 5 cách tính sinh con trai chính xác nhất; cách tính lịch sinh con trai, con gái linh như thần 2020; cách tính sinh con theo ý muốn, phương pháp khoa học và cổ truyền; bật mí cách sinh con trai cho bố mẹ “bách phát bách trúng”... Thậm chí, một số website còn đăng quảng cáo về các bài thuốc sinh con theo ý muốn: bài thuốc sinh con trai; Đông y ông Duyên - sinh con trai chỉ là chuyện nhỏ; bài thuốc giúp sinh con trai…

Chị Nguyễn Hương (Cầu Giấy, Hà Nội) vốn quê gốc ở Nam Định nên còn rất nặng nề tư tưởng sinh con trai. Chồng chị lại là con trưởng nên lần nào về quê ông bà nội, họ hàng đều giục sinh con trai vì anh chị có hai con gái đầu. Nhưng một phần vì điều kiện kinh tế, một phần vì ngại đi làm thụ tinh nhân tạo mất nhiều thời gian, nhiều công đoạn nên chị quyết định lên hội nhóm đặt mua một combo sinh con trai. Theo lời quảng cáo của người bán này, combo bình thường giá 5 triệu nhưng vì người này đã sử dụng một vài sản phẩm và sinh được con trai nên bán rẻ lại còn 2 triệu.

“Một combo tôi mua lại gồm một hộp gametix 800 nghìn đồng mới dùng một gói. Tinh chất hàu còn 30 viên. Mangaroo còn 67 viên. Que thử trứng 20 que kèm cốc nhựa. Blackmores 12 viên hồng và 12 viên nâu. Tạo kiềm xy còn 3. 1 máy xét nghiệm tinh trùng hãng yo. Tuy nhiên dùng hết liệu trình vợ chồng tôi vẫn chưa thể sinh con trai. Chắc chỉ còn nước đi thụ tinh nhân tạo”, chị Hương cho biết.

Bệnh viện Việt-Bỉ quảng cáo IVF bằng những từ nhạy cảm.

Bệnh viện Việt-Bỉ quảng cáo IVF bằng những từ nhạy cảm.

Theo tìm hiểu của phóng viên, có nhiều sản phẩm giúp tạo môi trường để quyết định giới tính thai nhi như tạo môi trường từ bên trong bằng viên uống kiềm, tạo kiềm tại chỗ bằng gel kiềm, muối kiềm… Loại thực phẩm chức năng được quảng cáo và được nhiều người tìm mua nhất là thuốc muối kiềm. Như sản phẩm “Baby Support” được quảng cáo trên trang web central pharmacy là hàng Nhật có dạng gel. Hộp màu hồng giúp tạo môi trường axit để tăng cơ hội mang thai bé gái, Hộp màu xanh tạo môi trường kiềm giúp tăng cơ hội mang thai bé trai. Sản phẩm này được bán với giá 2 triệu 890 nghìn đồng.

Bên cạnh sản phẩm giúp tạo môi trường quyết định giới tính thai nhi, dịch vụ xét nghiệm giới tính cũng được quảng cáo rầm rộ. Theo lời quảng cáo, dịch vụ xét nghiệm giới tính có thể thực hiện ở tuần thai thứ 7. Kết quả xét nghiệm giới tính qua gen cũng được thông báo với khách hàng bằng các từ lóng như: “Dương tính” (bé trai) hoặc “Âm tính” (bé gái); “Giống bố” (bé trai) hoặc “Giống mẹ” (bé gái)…

Không chỉ các hội nhóm, mà nhiều bệnh viện cũng quảng cáo dịch vụ IVF lựa chọn giới tính thai nhi bằng những từ mang tính chất phân biệt giới tính, vi phạm luật bình đẳng giới. Như trường hợp Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Việt - Bỉ (Bệnh viện Việt - Bỉ), 23 P.Nguyễn Văn Trỗi, Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội quảng cáo IVF bằng những từ nhạy cảm như “Đủ nếp đủ tẻ, nhà mình thêm vui”, “10 năm hiếm muộn đón cặp nếp tẻ”, “đón song sinh quý tử nhờ IVF Việt Bỉ”, “có bác nào xin vía song sinh đủ nếp đủ tẻ siêu đáng yêu từ IVF Việt Bỉ không”...

Phóng viên đã nhiều lần liên  hệ với  bệnh viện Việt-Bỉ nhưng không nhận được câu trả lời.

Phóng viên đã nhiều lần liên  hệ với  bệnh viện Việt-Bỉ nhưng không nhận được câu trả lời.

Trong vai một khách hàng đã sinh được bé gái và muốn làm IVF để chắc chắn được con trai, phóng viên gọi điện đến số hotline của Bệnh viện Việt Bỉ và nhận được sự tư vấn rất nhiệt tình của tư vấn viên. Cụ thể người này tư vấn: “Chi phí làm thụ tinh ống nghiệm ở bên em dao động từ 60 đến 90 triệu đồng, tùy thuộc vào mức độ đáp ứng của người vợ. Còn để biết chắc anh chị có thể làm được IVF hay không thì cả hai vợ chồng anh chị phải đến viện thăm khám”.

Khi phóng viên hỏi dựa vào cái gì để biết là mình có thể sinh con trai được không thì nữ tư vấn giải thích: “Anh chị sẽ được kiểm tra sức khoẻ sinh sản, còn việc có thể làm được xét nghiệm giới tính hay không thì anh chị phải đến bệnh viện để bác sĩ tư vấn kỹ về vấn đề này, bọn em sẽ không tư vấn cái này qua điện thoại di động. Còn về chi phí sàng lọc sẽ là 18 triệu/phôi”.

Để làm rõ những quảng cáo mang tính phân biệt giới cũng như việc thực hiện sàng lọc giới tính thai nhi, phóng viên đã nhiều lần liên hệ với Bệnh viện Việt - Bỉ nhưng vẫn không nhận được câu trả lời.

Pháp luật nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi

Dù luật pháp Việt Nam đã nghiêm cấm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, nhưng nhiều bệnh viện và phòng khám vẫn tìm cách lách luật. Những cơ sở này thường sử dụng các chiêu trò quảng cáo tinh vi, từ tư vấn gián tiếp qua điện thoại, mạng xã hội đến tiếp thị “ngầm” cho các dịch vụ lựa chọn giới tính. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật mà còn đe dọa gây  mất cân bằng giới tính nghiêm trọng trong tương lai.

Máy xét nghiệm tinh trùng được rao bán trên mạng.

Máy xét nghiệm tinh trùng được rao bán trên mạng.

Đây không chỉ là một vấn đề xã hội mà còn là một nguy cơ đối với an ninh quốc gia, khi sự mất cân bằng giới tính có thể dẫn đến nhiều hệ lụy khác nhau.

Trên thực tế hiện nay, tình trạng chọc ghẹo những người sinh con một bề vẫn diễn ra rất phổ biến, nhất là trên các bàn tiệc của gia đình, bạn bè. Nhiều người cho rằng việc này chỉ là đùa vui mà không hề biết hành vi này là vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, việc đăng, chia sẻ các bài viết về bí quyết sinh con theo ý muốn cũng được thực hiện tràn lan trên mạng xã hội.

Khi sử dụng những từ ngữ như “đủ nếp đủ tẻ”, “công chúa”, “hoàng tử”, “quý tử”, “con trai”... trong quảng cáo dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), các thuật ngữ này có thể vi phạm quy định pháp luật nếu bị coi là vi phạm về chuẩn mực đạo đức, gây hiểu nhầm về giới tính, phân biệt giới tính hoặc tạo ra kỳ vọng không thực tế đối với khách hàng. Các vi phạm này có thể bị xử lý theo những quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến quảng cáo và y tế.

Theo Luật Quảng cáo 2012 và Nghị định 38/2021/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, Khoản 1 Điều 34: Quy định phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng đối với các hành vi quảng cáo sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về khả năng cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Còn theo Khoản 2 Điều 34: Nếu quảng cáo vi phạm các chuẩn mực về đạo đức, văn hóa (đi ngược lại với thuần phong mỹ tục), mức phạt có thể tăng lên từ 20 triệu đến 40 triệu đồng. Ngoài việc phạt tiền, các hình thức xử phạt bổ sung có thể bao gồm buộc gỡ bỏ quảng cáo hoặc cải chính thông tin.

Nếu theo Luật Bình đẳng giới 2006 và Nghị định 125/2021/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bình đẳng giới thì việc sử dụng từ ngữ quảng cáo phân biệt giới tính có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 30 triệu đồng tại Khoản 3 Điều 10. Cơ quan quản lý có quyền yêu cầu chỉnh sửa hoặc rút bỏ nội dung quảng cáo nếu vi phạm về bình đẳng giới.

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và Nghị định 117/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, tại Khoản 3 Điều 51: Nếu quảng cáo dịch vụ IVF không tuân thủ các quy định về quảng cáo dịch vụ y tế (như gây hiểu lầm về hiệu quả sinh con trai, con gái), mức phạt tiền từ 20 triệu đến 30 triệu đồng.

Khoản 4 Điều 51: Quảng cáo vượt quá khả năng cung cấp dịch vụ hoặc không có cơ sở khoa học có thể bị phạt từ 30 triệu đến 50 triệu đồng và buộc phải gỡ bỏ quảng cáo.

Cũng tại Điểm b, Khoản 1, Điều 101 Nghị định này cũng quy định mức phạt đối với hành vi có lời nói hoặc hành động xúc phạm danh dự, nhân phẩm người sinh toàn con gái hoặc sinh toàn con trai là cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200-500 ngàn đồng.

Không chỉ vậy, ngay cả việc đưa lên mạng xã hội những bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn cũng bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Hành vi dịch, xuất bản, sản xuất, in, phát hành, nhân bản, sao chụp xuất bản phẩm, bài viết có nội dung về phương pháp để có được giới tính thai nhi theo ý muốn cũng bị phạt từ 10-15 triệu đồng.

Theo quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi quảng cáo, cung cấp dịch vụ liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều bị cấm và có thể bị xử phạt nặng.

Mặc dù các cơ quan chức năng đã nỗ lực trong việc giám sát và xử phạt các hành vi vi phạm liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng thực trạng này vẫn diễn ra khá phổ biến. Điều này đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cũng như của xã hội trong việc ngăn chặn tình trạng này.

Trong dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề nghị bổ sung quy định cấm lựa chọn giới tính thai nhi và tăng chế tài xử phạt với hành vi này. Cơ quan chức năng tập trung thanh tra, xử lý các tổ chức, cá nhân lạm dụng công nghệ, kỹ thuật để lựa chọn giới tính khi sinh.

Ngoài tuyên truyền, vận động người dân, Bộ Y tế cũng đề xuất đưa nội dung xóa bỏ phân biệt và định kiến giới lồng ghép vào chương trình giáo dục quốc dân, hương ước, quy ước của thôn, ấp, bản, tổ dân phố. Chính phủ quy định trách nhiệm cơ quan, tổ chức và cá nhân tại các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành với hành vi lựa chọn giới tính thai nhi.

Nguồn: [Link nguồn]

Hàng chục tấn hàng giả là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng được phát hiện tại một kho sản xuất ở huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai - Ngọc Anh ([Tên nguồn])
Thông tin thị trường Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN