Lao động tự do nhịn ăn lo tết

Công việc thất thường, thu nhập bấp bênh trong khi giá cả leo thang từng ngày đã khiến nhiều lao động tự do rơi vào tình cảnh khốn đốn. Càng cận Tết, lao động tư do càng thêm vật vã khi phải lo lắng đủ thứ khi giá cả vẫn ngày một tăng cao.

Vật vã đủ nghề

Anh Đăng Thi quê ở Bình Lục, Hà Nam làm nghề chạy xe ôm ở bến xe Mỹ Đình, Hà Nội cho biết ngoài công việc chạy xe thì bây giờ anh còn phải dắt túi thêm nghề tay trái là vá săm xe để kiếm thêm thu nhập.

Với túi đồ nghề đơn giản và chiếc bơm tay nhỏ gọn, tranh thủ những lúc rỗi rãi có khách là anh bắt tay làm không nề hà. Với anh, số tiền kiếm từ nghề tay trái này tuy không nhiều nhưng “tích tiểu thành đại”, chí ít cũng giúp anh trang trải một phần tiền phí bến bãi hàng ngày.

“Dân chạy xe ôm ở bến giờ ngày càng đông, lúc nào cánh xe ôm cũng phải giành giật khách mới có miếng ăn. Trước đây, một tháng tôi cũng cố gắng gửi về quê cho vợ con được 3 – 4 triệu đồng, nhưng bây giờ để có ngần ấy tiền gửi về phải ki cóp lắm, nhiều hôm đêm muộn, mệt muốn về nghỉ lắm rồi nhưng nghĩ tiếc nên vẫn chạy để kiếm thêm”.

Anh cũng không ngần ngại bảo rằng mình là ông xe ôm “đa năng” vì biết một chút ít nên có ai thuê sửa khóa, phá khóa anh đều nhận lời làm ngay.

Lao động tự do nhịn ăn lo tết - 1

Công việc thất thường, thu nhập bấp bênh trong khi giá cả leo thang từng ngày đã khiến nhiều lao động tự do rơi vào tình cảnh khốn đốn.

Chị Thanh Huệ (Ân Thi, Hưng Yên) làm nghề gánh hoa quả thuê ở chợ đầu mối Long Biên, hàng ngày cứ 11 – 12 giờ đêm chị lại vác quang gánh ra chợ xếp hàng đợi xe về. Ở chợ này người đông, công việc nặng nhọc như bốc vác, kéo xe … nhiều chị em phụ nữ cũng chẳng ngại ngần nên dù trả rẻ 10 – 20 nghìn một lần gánh thì mọi người vẫn tranh giành nhau mới có việc.

Chị Huệ tâm sự: “Làm công việc này phải thức trắng đêm, cực nhọc lắm thế mà sáng ra về đến phòng trọ ăn uống, tắm giặt xong tôi chỉ dám chợp mắt 1 lúc cho đỡ mệt. Buổi chiều lại làm thùng bánh mì ra chân cầu bán. Mình mà không làm thì ai cho mình tiền mà sống mà nuôi các con nữa”.

Không chỉ riêng chị Huệ mà nhiều người lao động làm công việc gánh hàng thuê ở chợ Long Biên cũng tận dụng khoảng thời gian ban ngày để mưu sinh bằng đủ các công việc khác nhau. Ai có vốn thì làm gánh hàng rong không thì xếp hàng ở các khu chợ lao động để mong mỏi cơ hội kiếm việc nhưng không phải lúc nào cơ hội cũng mỉm cười với tất cả.

Dù vất vả nhưng nhiều người lao động vẫn không hề muốn nghỉ ngơi mà tận dụng tối đa thời gian để kiếm thêm thu nhập. Chị Mây (Thọ Xương, Thanh Hóa) ra Hà Nội đi làm công việc thu gom đồng nát, sắt vụn. Ngày nào chị cũng đạp xe rong ruổi khắp các ngõ ngách đến phố lên đèn mới về phòng trọ, ăn uống qua loa rồi lại quẩy gánh ngô nướng đi bán rong. “Mỗi tối, tôi chỉ lấy tầm hai chục bắp. Hôm nào bán được 10 – 15 bắp là mừng lắm rồi chứ đầy hôm đi rạc cẳng mà gánh hàng chẳng vơi. Nhiều hôm phải mang ngô về ăn trừ bữa”.

Những năm trước chỉ cần làm một việc cũng để được vài ba đồng gửi về quê nuôi con nhưng năm nay khó khăn, ngoài làm thêm việc chính còn phải kiếm thêm việc khác làm vào những lúc rảnh để cố gom tiền thưởng tết.

Ép xác

Đa số người lao động ngoại tỉnh đổ về thủ đô kiếm việc làm với mục đích có tiền gửi về quê cho gia đình nên tâm lí chung là tiết kiệm từng đồng. Nhất là trong lúc “bão giá” như hiện nay thì việc chi tiêu lại càng dè xẻn hơn đến mức ăn chẳng dám ăn, ngủ thì tạm bợ.

Chị Huệ cho biết chị thuê trọ ở bãi Phúc Xá, ngay sau chợ Long Biên cùng với 4 chị em nữa, ở đông nên mỗi tháng chỉ mất 200 nghìn tiền nhà. Căn phòng nhỏ, ẩm thấp và cũ kĩ nhưng với các chị quan trọng là có chỗ nghỉ lưng, che mưa che nắng.

“Dân lao động chúng tôi làm nhiều nên cũng ăn khỏe lắm, mà ăn ngoài quán suất cơm hộp xoàng xĩnh cũng 15.0000 – 20.000 đồng rồi. Thế nên, ở đông người mấy chị em rủ nhau góp gạo thổi cơm chung. Gạo thì chịu khó mang ở nhà, thức ăn chỉ cần rau, mấy bìa đậu, lạc rang là cũng xong. Có hôm năm người mà chưa đến 20.000 đồng tiền thức ăn. Quan trọng là no cơm thôi.” – Chị Huệ chị nói.

Trong khi làm việc vất vả, cần ăn uống để đảm bảo năng lượng thì bữa cơm của các chị chẳng khác bữa cơm chay. May lắm thì một tuần mới cải thiện bữa ăn một lần cho có chất.

“Có hôm ngồi cả ngày chẳng có khách thuê, tôi chẳng dám ăn không sợ hụt vào chỗ tiền để giành.”– chị Nguyễn Thị Mai (Đoan Hùng, Phú Thọ) làm thuê ở chợ lao động chân cầu Vượt, Mai Dịch, Hà Nội tâm sự.

Chị Mai cho biết thêm, trước kia chỉ ở trọ ba người một phòng nhưng giờ giá tiền phòng tăng lên, tiền điện nước cũng nhảy theo. Không dám lãng phí nên chị đã phải rủ thêm hai người nữa về ở chung. Biết đông là phúc tạp nhưng để có tiền gửi về quê thì đành phải vậy thôi, thêm được đồng nào hay đồng đó.

Anh Lê Văn Hậu (Thái Ninh, Thái Thụy, Thái Bình) làm phụ hồ xây dựng cho biết: “Trước đây giờ nghỉ giải lao anh em thợ hay ra quán trà đá vỉa hè làm cốc nước, điếu thuốc buôn chuyện. Nhưng giờ cái đó cũng hạn chế hẳn, vì ra đến quán là tiêu tiền. Thế nên buổi tối ăn uống, tắm giặt xong là đi ngủ sớm, lấy sức hôm sau làm”.

“Tiết kiệm là thế nhưng thời gian này thu nhập vẫn bị thâm hụt so với những tháng đầu năm bởi công việc không đều, có tuần ở nhà chơi đến 3 – 4 ngày liền. Số tiền gửi về quê cũng chỉ còn được khoảng 3 triệu đồng/tháng. Nếu cứ đà này chắc tôi về quê kiếm việc gì làm tạm”, anh Hậu than thở. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Hân (Diễn đàn kinh tế Việt Nam)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN