Lao động bỏ trốn, thị trường xuất khẩu lao động lung lay

Vay mượn để đặt tiền cho “cò mồi” và công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng khi sang xứ người, công việc và lương thấp đã khiến hàng chục ngàn lao động Việt Nam tìm đường bỏ trốn ra ngoài làm tự do.

Bài 1: Bỏ trốn bùng phát và gia tăng

Dấu hiệu lao động bỏ trốn ngày càng tăng, đặc biệt tại những thị trường trọng điểm như Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản. Điều này, đe doạ uy tín XKLĐ Việt Nam.

Lao động bỏ trốn, thị trường xuất khẩu lao động lung lay - 1

Anh Bùi Văn Bình (28 tuổi, quê Hải Dương) trong bữa cơm trưa khi phải đi làm đồng lúc cơ sở giấy không có việc (Ảnh nhân vật cung cấp)

Ngày đi làm, tối chui phòng trọ

Phải nhờ người quen thuyết phục, tôi mới tiếp cận được anh Bùi Văn Bình (28 tuổi, quê Hải Dương). Anh Bình kể, năm 2006, có người quen giới thiệu “mối” đi XKLĐ sang Hàn Quốc, với chi phí 5.000 USD. Tin tưởng, gia đình anh Bình vay tiền cho anh đi.

Đợi 2 năm không thấy “cò” gọi, đòi lại tiền không được, biết bị lừa, anh Bình chuyển hướng sang thị trường Nhật Bản. Một lần nữa may mắn không tới, học xong khóa tiếng Nhật 6 tháng, đúng thời điểm kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái không tiếp nhận thêm lao động Việt Nam. Anh Bình được công ty trả lại tiền đặt cọc, nhưng toàn bộ chi phí khác trong quá trình học tiếng và học nghề không được đền bù.

Không có việc làm, nợ chồng chất, anh Bình một lần nữa tìm đường đi lao động tại Đài Loan thông qua một công ty có trụ sở tại đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai, Hà Nội). “Trên hợp đồng họ thu phí của tôi 6.700 USD, nhưng thực tế cò thu 7.000 USD. Họ hứa sang Đài Loan sẽ làm việc trong nhà máy lớn, lương 1.000 USD mỗi tháng, hợp đồng 3 năm có gia hạn. Tôi nghe theo và chỉ 10 ngày sau lên đường, không cần học tiếng, học nghề gì. Lúc đó, vợ tôi mới sinh con được 1 tháng”, anh Bình kể.

“Để trốn lực lượng chức năng nước sở tại, những lao động chui ngày đi làm, tối về chỉ ở phòng trọ, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, và không tới những khu vực công cộng, vì thường có công an mặc thường phục bất ngờ kiểm tra. Nếu không may bị lực lượng chức năng nước sở tại bắt xem như vỡ nợ, nhẹ thì nộp tiền phạt, nặng có khi phải ngồi tù”.

Anh Bùi Văn Bình nói

Đặt chân lên đất Đài Loan anh Bình mới vỡ lẽ, công ty đưa anh sang làm việc tại một xưởng giấy chỉ có 1 bà chủ và 2 công nhân Việt Nam (trong đó có anh). Mỗi tháng tăng ca 8 tiếng, lương 600 USD (khoảng 13 triệu đồng), 2 người ở trong phòng trọ chỉ 4m2.

Khi cơ sở giấy không có việc làm, chủ lại đưa 2 anh đi làm vườn, nhổ cỏ thuê. Lương thấp hơn hứa hẹn, nhưng hằng tháng anh Bình vẫn bị công ty môi giới trừ chi phí đưa đi, năm đầu mất 55 USD/tháng, năm thứ 2 mất 50 USD/tháng và năm 3 vẫn mất 45 USD/tháng. Tiết kiệm chi tiêu, mỗi tháng anh Bình cũng chỉ gửi về nhà được 200-300 USD.

“Làm hết 3 năm hợp đồng, nợ ở quê vẫn chưa trả xong, khi gia hạn hợp đồng mới được 8 tháng tôi bỏ trốn ra ngoài làm. Vì với mức lương đó, có ở lại làm cũng chưa biết bao giờ mới trả hết nợ, còn đâu tích lũy để về quê. Khi trốn hợp đồng, tôi được một số anh em Việt Nam đã trốn trước giới thiệu chỗ làm, cưu mang nơi ở”, anh Bình nói. Ra ngoài anh Bình nhận làm đủ thứ việc, từ bốc vác tới xây dựng, cơ khí, thu nhập mỗi tháng được hơn 1.000 USD.

Đã 5 năm sang xứ người làm thuê, anh Bình chưa một lần được về quê gặp mặt con nay đã sắp đi học lớp 1. “Dù sống chui lủi, khổ nhục, nhưng phải cố thêm vài năm để trả hết nợ, tích lũy ít vốn mới về quê lập nghiệp”, anh Bình chia sẻ với phóng viên.

Bùng phát và gia tăng

Theo Bộ LĐ-TB&XH, hiện Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc là những thị trường chính xuất khẩu lao động của Việt Nam. Tuy nhiên, tình trạng lao động bỏ trốn, doanh nghiệp mở các đầu mối tuyển dụng lao động không đăng ký, tuyển dụng qua nhiều trung gian khiến chi phí bị đẩy quá cao so với quy định đang có dấu hiệu “bùng phát” và gia tăng trở lại.

Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, tính tới tháng 7/2015, Việt Nam có 164.000 người đang làm việc tại Đài Loan. Tuy nhiên, có tới hơn 24.000 người Việt đang làm việc bất hợp pháp tại nước này. Tính bình quân từ đầu năm 2015 tới nay, mỗi tháng có khoảng 1.100 lao động Việt Nam bỏ trốn ra ngoài (tăng mạnh so với những năm trước). Cùng với lao động bỏ trốn, tình trạng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam thu phí cao cũng diễn ra phổ biến, thậm chí có doanh nghiệp thu tới 7.000 USD/lao động, trong khi quy định chỉ được thu 4.000 USD/lao động.

Còn tại Hàn Quốc, hiện Việt Nam có khoảng 63.000 lao động đang làm việc (riêng trong 10 tháng đầu năm có hơn 800 lao động đựợc đưa sang nước này làm việc). Theo thống kê của cơ quan chức năng Hàn Quốc, hiện có khoảng 26.000 người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước này.

Tại Nhật Bản, theo Bộ LĐ-TB&XH, năm 2014, Việt Nam đã đưa được khoảng 20.000 thực tập sinh sang nước này vừa học vừa làm. Năm 2015, dự kiến đưa khoảng 23.000 thực tập sinh sang Nhật Bản. Tuy vậy, lao động bỏ trốn tại nước này cũng đang chiếm khoảng 4% tổng số lao động được đưa sang. Để xử lý gấp tình trạng báo động kể trên, ngày 18/11 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phải ra văn bản chấn chỉnh hoạt động đưa thực tập sinh Việt Nam sang Nhật Bản, do hoạt động này thời gian gần đây xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng xấu tới việc mở rộng thị trường nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN