Làng triệu phú ươm cây giống
Những năm gần đây, ở xã Tân Hương, huyện Tân Kỳ (Nghệ An) nhiều hộ đã thoát đói nghèo, trở thành triệu phú từ nghề ươm cây giống.
Trên đường mòn Hồ Chí Minh đoạn qua xã Tân Hương hàng chục xe ô tô tải ở Quảng Bình, Quảng Trị, Thanh Hóa, Hà Tĩnh... nối đuôi nhau chờ “ăn” hàng.
Nhà nhà ươm cây giống
Chúng tôi dừng chân tại vườn ươm của gia đình chị Lê Thị Long (xóm 6). Các thành viên trong gia đình đang khẩn trương đếm, bốc cây giống lên xe giao cho khách. Nghỉ tay, chị Long tâm sự: “Nhà tôi có vài sào ruộng khoán, hai vợ chồng làm đủ nghề nhưng vẫn không đủ trang trải cho các con ăn học. Vài năm trở lại nay, thấy bà con làm nên ăn ra từ nghề ươm cây giống nên tôi đã học làm theo”.
Vườn ươm cây giống của gia đình chị Lê Thị Long tạo việc làm cho 10 lao động
Cây giống ở Tân Hương ươm đủ loại như keo, tràm, xoan, lát hoa… nhưng chủ lực vẫn là keo. Nhờ được đầu tư chăm bón đúng quy trình kỹ thuật, nên cây giống của gia đình chị Long chất lượng cao nên rất ăn hàng. Vụ này gia đình chị ươm 4 sào keo, mỗi sào được khoảng 5 vạn cây, bán tại gốc 300 đồng/cây, doanh thu khoảng 15 triệu đồng/sào, mỗi năm 3 vụ, thu nhập 180 triệu đồng. Trừ chi phí lãi 120 triệu đồng/năm. Vườn ươm của chị còn tạo việc làm cho 10 lao động với lương 3,5-4 triệu đồng/người/tháng. Nhờ nghề ươm cây giống mà gia đình chị xây được nhà khang trang đầy đủ tiện nghi, nuôi con học hành đến nơi, đến chốn.
Tại nhà chị Lịch gần đó cũng đang hối hả đóng bao cây giống. Vườn ươm gia đình chị rộng 5 sào, chủ yếu là keo lá tràm và keo tai tượng. Mỗi năm gia đình chị thu trên 200 triệu đồng, trừ chi phí lãi trên 150 triệu đồng.
Theo các ngành chức năng xã Tân Hương, ươm cây giống chi phí đầu vào thấp, công chăm bón ít, kỹ thuật không khó, lợi nhuận cao. 1m2 đất, có thể đặt được 600-650 bầu cây giống, mỗi năm có thể ươm từ 2-3 vụ. Mỗi ha cây giống cho thu nhập từ 800 triệu đến 1 tỷ đồng/năm cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trồng khác trên cùng một diện tích.
Tân Hương hiện có gần 700 hộ ươm cây giống, tập trung chủ yếu xóm 3, 5, 6, 7, với diện tích vườn ươm lên đến 100ha, trong đó có hơn 100 hộ tham gia HTX dịch vụ sản xuất giống cây lâm nghiệp Tân Hương. Số người theo nghề này ngày một nhiều. Trong khi nhiều thanh niên ở làng đổ ra các đô thị tìm việc thì phần lớn thanh niên nơi đây quyết định gắn chặt cuộc đời mình với đất và cây. Hiện nay Tân Hương có hàng chục triệu phú từ nghề ươm cây giống.
Làng triệu phú
Tân Hương giờ đã trở thành làng triệu phú. Làng quê đổi thay nhanh chóng với những dãy biệt thự nối nhau, những ngôi nhà cao tầng san sát, những chiếc “xế hộp” đời mới đỗ cửa…
Tân Hương hiện có gần 700 hộ ươm cây giống, tập trung chủ yếu ở xóm 3, 5, 6, 7, với diện tích vườn ươm lên đến 100ha, trong đó có hơn 100 hộ tham gia HTX dịch vụ sản xuất giống cây lâm nghiệp Tân Hương. |
Ông Lê Đình Dũng- Chủ tịch UBND xã Tân Hương cho biết: Nghề ươm cây giống du nhập về từ những năm 2002. Sau đó được các hộ ở Tân Hương làm nhỏ lẻ. Thấy được hiệu quả từ nghề ươm keo giống thì đến năm 2010 xã Tân Hương đã cho thành lập HTX giống cây lâm nghiệp Tân Hương.
Từ khi thành lập HTX, nghề ươm giống cây ngày càng phát triển quy mô. HTX đứng ra đảm nhiệm các khâu dịch vụ như phân bón, thuốc BVTV, đặc biệt là tìm nguồn hàng hạt giống đảm bảo chất lượng để cung ứng cho bà con, ký kết bao tiêu sản phẩm. Đến thời điểm này, toàn xã có gần 100 hộ chuyên nghề sản xuất ươm cây giống.
Nhờ từ nghề này mà nhiều hộ thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Hiện toàn xã có trên 50 hộ có thu nhập từ 250-300 triệu đồng/năm. Nghề ươm cây giống đã và đang góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hàng ngàn lao động địa phương.
Theo ông Lê Đình Dũng- Chủ tịch UBND xã Tân Hương “Để nghề ươm giống cây phát triển quy mô hơn nữa, xã đang vận động các hộ có thu nhập cao đầu tư kinh phí để xây dựng các vườn ươm nhà lưới. Chúng tôi cũng đang mở rộng thêm 2ha để ươm cây giâm hom. Tân Hương cũng rất mong được Nhà nước đầu tư hỗ trợ để xây dựng một số mô hình vườn ươm nhà lưới, xây dựng hệ thống thuỷ lợi tưới cho các vườn ươm”.