Làng nghề, phố lồng đèn lớn nhất TPHCM hối hả vào vụ
Bên cạnh việc cách tân, thay đổi mẫu mã, nhiều cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống trong dịp Trung thu tại TPHCM chọn cách thức kinh doanh qua mạng để tìm đầu ra cho sản phẩm. Cùng với đó, không khí mua sắm trên phố lồng đèn Hải Thượng Lãn Ông (quận 5, TP.HCM) cũng bắt đầu sôi động
Gần đến Trung thu, làng nghề sản xuất lồng đèn truyền thống Phú Bình (quận 11, TP.HCM) lại nhộn nhịp với các hoạt động mua bán và thực hiện các đơn đặt hàng sản xuất lồng đèn.
Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh gay gắt của các loại lồng đèn điện tử nhập ngoại, làng sản xuất lồng đèn truyền thống lớn nhất TPHCM dần bị thu hẹp và hiện nay chỉ còn chưa đến 20 hộ còn gắn bó với nghề.
Chị Nguyễn Kim Thu, một nghệ nhân ở làng Phú Bình cho biết: "Trước đây làng nghề có cả trăm nhà làm lồng đèn. Công việc đòi hỏi người thợ làm thủ công rất cực, gần đây còn bị lồng đèn Trung Quốc cạnh tranh nên nhiều người bỏ nghề”.
Đã tồn tại hơn 50 năm, làng nghề sản xuất lồng đèn Phú Bình trải qua biết bao nhiêu thăng trầm trong cuộc tìm kế sinh nhai.
Theo chị Thu, đa số những hộ làm lồng đèn ở Phú Bình hiện nay chỉ thực hiện các công đoạn từ khâu lắp ráp đến tạo hình, khắc hoa văn, in ấn. Máy móc chỉ được sử dụng trong công đoạn chuốt nan tre.
Trao đổi với Tiền Phong chiều 7/8, đại diện một số cơ sở làm lồng đèn ở Phú Bình cho biết, do giá máy móc đắt đỏ và lợi nhuận từ sản phẩm lồng đèn thấp nên các cơ sở chưa mạnh dạn trang bị công nghệ sản xuất mới.
“Nếu đầu ra ổn định, số lượng đặt hàng lớn, giá máy móc rẻ hơn thì chúng tôi sẽ mạnh dạn mua vì làm thủ công ở nhà, vừa tốn thời gian, vừa tốn sức. Bây giờ, phải thuê chỗ khác chuốt nan tre. Khâu cắt, dán thì mình lành nghề, làm nhanh được”, đại diện một cơ sở cho hay .
Trước sự ra đời ngày càng mạnh mẽ của những loại lồng đèn điện tử hiện đại, những loại đèn trung thu truyền thống cũng đang tìm đường đi để giữ khách hàng.
Theo đại diện một số cơ sở, hằng năm, cứ vào tháng 5 (Âm lịch), các thương lái ở các tỉnh và tại TPHCM lại đến Phú Bình đặt hàng. Lồng đèn chỉ làm theo số lượng khách đặt và để lại một phần để bán lẻ cho các bạn trẻ tại TPHCM chơi Tết trung thu.
Năm nay tuy giá nhiều nguyên liệu có tăng nhưng giá bán lồng đèn truyền thống vẫn ổn định. Với giá thành từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng cho mỗi loại sản phẩm, lồng đèn truyền thống đang ngày càng được ưa chuộng. Trong khi đó, lồng đèn nhập từ Trung Quốc tuy hình thức bắt mắt nhưng giá thành đắt gấp nhiều lần.
Nhiều loại lồng đèn truyền thống đã hết hàng dù chưa đến Tết trung thu. Để đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Trung thu, nhiều cơ sở đang huy động thêm nhân công để mở rộng quy mô sản xuất.
Một số cơ sở đã cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm lồng đèn truyền thống thông qua việc cải tiến mẫu mã, kiểu dáng cho sản phẩm. Nhiều nơi chủ động gia công các loại lồng đèn có tính năng điện tử, như đặt hàng in ấn mẫu mã trên nhựa và nhập những tay cầm gắn pin nguồn cho bóng đèn nên đáp ứng được yêu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.
Nhiều mẫu mã lồng đèn trung thu truyền thống được cải tiến đã hết hàng từ sớm.
Theo ghi nhận của Tiền Phong, để tìm thêm đầu ra, năm nay, nhiều cơ sở sản xuất lồng đèn truyền thống còn phát triển kinh doanh qua các nền tảng mạng xã hội và bước đầu đạt được một số kết quả tích cực. Nhiều đơn hàng đã thực hiện thành công qua mạng xã hội như Facebook, Zalo…
Làng nghề sản xuất lồng đèn trung thu Phú Bình đã dần hồi sinh và đang có nhiều tín hiệu lạc quan hơn. Để giữ lửa và gắn bó với nghề cha truyền con nối, nhiều người vẫn chấp nhận "lấy công làm lời”. Chỉ cần đầu ra ổn định là sức sống vẫn còn mãnh liệt đối với làng nghề này.
Hơn 1 tháng nữa mới đến rằm Trung thu nhưng phố Hàng Mã đã khá tất bật, các cửa hàng tràn ngập sắc màu các loại đồ chơi thiếu nhi.
Nguồn: [Link nguồn]