Làng nghề nuôi con “sởn da gà” nhanh giàu nhưng đêm nào nghe tiếng kêu cũng sợ

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Nhiều năm qua, người dân xã Vĩnh Sơn (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) vẫn bất chất nguy hiểm, "đánh cược" tính mạng để nuôi rắn hổ mang đem bán.

Thành “tỷ phú” nhờ nuôi rắn độc

Về làng rắn Vĩnh Sơn, xã vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc nghe kể chuyện về nghề nuôi rắn, không mấy người không khỏi hãi hùng. Ở đây, con rắn hổ mang với người dân có khi còn thân thuộc hơn cả những loài gia súc, gia cầm như gà, vịt,...

Không ai nhớ con vật nguy hiểm này được người dân mang về nuôi và phát triển thành một làng nghề từ khi nào.

Những già làng có tiếng kể lại, cái nghề nuôi rắn cũng chỉ mới xuất hiện cách đây chừng vài chục năm, có thể là 40 đến 50 năm gì đó. Khi ấy, nông nghiệp trong làng khó khăn, có những người đã mạnh dạn vào rừng bắt con vật nguy hiểm đó về nuôi mong...đổi đời.

Thông tin trên VTV, xưa kia, các hộ dân trong xã nuôi nhiều loại rắn khác nhau, nhưng sau này, khi thấy nhu cầu thị trường và mức lợi nhuận với các loại rắn độc lớn hơn… nên cả chục năm nay, các hộ chủ yếu nuôi rắn độc như rắn hổ mang, hổ trâu… Thậm chí là hổ chúa. Đây là các loại rắn có nọc độc đặc biệt nguy hiểm, nếu người bị cắn không được cấp cứu kịp thời có thể chết sau giây lát. Vậy nhưng ở ngôi làng này, rắn độc vẫn sống và sinh sôi nảy nở tới bây giờ.

Thức ăn cho rắn được các hộ chăn nuôi chuẩn bị kỹ càng trước khi đưa vào chuồng rắn (Ảnh VTV)

Thức ăn cho rắn được các hộ chăn nuôi chuẩn bị kỹ càng trước khi đưa vào chuồng rắn (Ảnh VTV)

Rắn là một loài dễ nuôi vì ít bệnh tật, những gì các hộ dân ở đây cần làm chỉ là cho ăn, dọn ổ và chờ đợi các sản phẩm từ rắn. Hang rắn là một cái hầm hình hộp được ốp bằng mấy hàng gạch chỉ (cao chừng 30 - 40cm) và không cần phải tô trát hay sơn vôi gì cả.

Phía dưới có máng hốt, bên trên cửa hang được làm bằng gỗ có ghép lưới sắt và khóa chốt cẩn thận. Nhiều người dân ở đây đùa vui rằng: Làm chuồng rắn còn dễ hơn làm chuồng gà.

Rắn ăn rất ít và có tập tính tích mỡ cho mùa đông vì vậy cứ cách 4-5 ngày người dân mới cần cho rắn ăn một lần. Những đĩa mồi thường gồm: cổ gà, đầu gà, cóc thậm chí là ngan con, vịt con loại không đạt tiêu chuẩn được xuất ra từ các trang trại xung quanh. Thức ăn cho rắn thường được trộn thêm với men tiêu hoá và một số loại thực phẩm chức năng khác.

Mọi bộ phận trên cơ thể của rắn đều mang lại lợi nhuận về kinh tế. Có những thời điểm, giá rắn thịt (rắn thương phẩm) lên tới 700.000 đồng/kg, trứng rắn dao động trong khoảng 150.000 – 170.000 đồng/quả, rắn giống được bán với giá 250.000-300.000 đồng/kg.

Xác rắn – thứ tưởng chừng như chỉ có thể bỏ đi nhưng với người dân Vĩnh Sơn chúng cũng có thể đem lại lợi nhuận. Đây là một loại dược phẩm Đông y và cũng được nhiều người thu mua với giá khoảng 70.000 đồng/kg tại thời điểm cao nhất.

Người dân cho rắn ăn (Ảnh: VTV)

Người dân cho rắn ăn (Ảnh: VTV)

Diện tích chuồng trại không đáng kể, ăn ít, dễ nuôi và hiệu quả kinh tế cao là những lý do khiến người dân làng Vĩnh Sơn bất chấp những nguy hiểm luôn rình rập mà "đánh cược" tính mạng của mình vào loài bò sát này.

Không ít hộ gia đình đã thoát nghèo và trở thành "tỷ phú" sau khi đầu tư sớm và nuôi rắn. Những toà cao tầng mọc lên san sát nhau, những tuyến đường liên thôn, liên xã được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao.

Theo ông Hạ Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Sơn, thời điểm đỉnh cao nhất, số hộ dân nuôi rắn chiếm tới hơn 70% trên tổng số hộ.

Nghề nuôi rắn là sinh nghề tử nghiệp

Giá trị kinh tế lớn là vậy nhưng nghề nuôi rắn luôn tiềm ẩn rất nhiều những rủi ro, tính mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Nhiều người dân kể lại, họ không chỉ ám ảnh khi nhìn chúng hàng ngày, nhiều người vẫn “sởn da gà” khi đêm đêm nghe tiếng chúng “phì...phì”.

Chị Chu Thị M. (38 tuổi) công việc chính là giáo viên, người làng Vĩnh Sơn tâm sự với Dân Việt:  “Ngày đầu về làm dâu, tôi không dám bén mảng đến gần chuồng rắn chứ đừng nói tới việc mang thức ăn rồi bỏ tận chuồng cho rắn”. Về sau, vì cả gia đình từ mẹ chồng, chồng tới các em dâu, em chồng đều chăn nuôi rắn có hiệu quả kinh tế cao, chị dần dần vượt qua nỗi sợ và phụ giúp chồng mình.

Nhiều gia đình xây nhà to nhờ nuôi rắn (Ảnh: Dân Việt)

Nhiều gia đình xây nhà to nhờ nuôi rắn (Ảnh: Dân Việt)

“Mất gần một năm, tôi mới dám một mình mang đồ ăn, một mình tự tay mở những cánh cửa bỏ thức ăn vào trong cho rắn”, chị M. bộc bạch.

Khi được hỏi có sợ với loài vật “máu lạnh” này không, chị M. bảo rằng: “Sợ chứ, sợ thì vẫn sợ. Nhưng ở đây là làng nghề rồi, ai cũng làm. Mình đành cẩn thận, tập trung, để ý mọi lúc mọi nơi thôi. Đấy là cách tốt nhất để tránh nguy hiểm cho mình rồi”.

Không phải ai cũng may mắn như chị M. chưa từng bị rắn cắn lần nào kể từ khi bắt đầu. Thời điểm dịch bệnh, người ta nói vui với nhau rằng dù bịt khẩu trang kín mặt thì vẫn nhận ra đâu là người làng Vĩnh Sơn. Bởi chỉ cần nhìn vào đôi bàn tay đầy những thương tích là có thể phân biệt được.

Thật vậy, những người nuôi rắn ở đây, 10 người cũng phải ít nhất 4 người bị cụt một đốt, một ngón hay có những người còn mất cả một bàn tay.

Bác L. (63 tuổi) cũng là người làng Vĩnh Sơn, tuổi đã cao, mắt không còn sáng như trước, bác đã bỏ nghề sau khi buộc phải cắt bỏ vĩnh viễn mất một đốt ngón tay. 

Bác L. kể về cái lần “sinh tử” đó của mình: “Lần đấy, tôi đang cho ăn. Cái chuồng con rắn đó cao hơn mình chừng một cái đầu. Vừa mới đưa cái đĩa thức ăn lên tới cửa thì chắc con rắn nó đói. Nó lao thẳng ra, cuốn người theo cái kẹp rồi cong người mổ vào tay tôi một cái”.

Ngay sau đó bác được  con cái sơ cứu, làm sạch vết thương rồi đắp thuốc. Ngày hôm sau, thấy tay có dấu hiệu bất thường, bác L. được chở đi cấp cứu tại khoa chống độc bệnh viện Việt Đức. Bác sĩ chỉ định phải cưa bỏ một đốt ngón tay trỏ (nơi rắn cắn) nếu không muốn hoại tử mất cả bàn tay hay cả cánh tay.

Đốt ngón tay của bác L. phải cắt bỏ do hoại tử vì rắn cắn (Ảnh: Dân Việt)

Đốt ngón tay của bác L. phải cắt bỏ do hoại tử vì rắn cắn (Ảnh: Dân Việt)

“Trong làng cũng nhiều người bị như tôi lắm, người mất ngón này, người mất ngón này (vừa nói vừa chỉ vào các ngón trỏ, ngón giữa), có người mất cả hai, ba ngón. Người nào mà có bệnh nền như phế quản hay hô hấp còn chết luôn ấy chứ”, bác L. bộc bạch.

Nghề nuôi rắn đối mặt với nhiều hiểm nguy là vậy, nhưng các quy trình đảm bảo về an toàn lao động vẫn còn chưa được người dân thực hiện tốt. Nhiều người vẫn chủ quan, thậm chí chủ quan ngay cả lúc bị rắn cắn.

Chưa kể, điều kiện về y tế cũng không được đảm bảo, các trung tâm y tế cách làng khá xa. Những người bị nặng phải chuyển thẳng tới các khoa chống độc ở các viện lớn tại Hà Nội để kịp thời cứu chữa.

Nguy hiểm còn có thể xảy ra với cả những người không nuôi rắn. Những con rắn có thể xổng chuồng bất cứ lúc nào. Chuyện gặp rắn hổ mang ở cánh đồng hay ngoài đường với người dân tại đây cũng không có gì xa lạ. Có những người cẩn thận ngay cả ban ngày đi ngoài đường cũng vẫn đeo ủng cao, còn ban đêm ra ngoài, đèn pin là vật dụng không thể thiếu với họ.

Cũng bởi, cái nghề quá nguy hiểm nên người dân nơi đây đều mong muốn con cái học hành tới nơi tới chốn để có công việc khác ổn định hơn.  “Cái nghề bấp bênh, không ổn định, như kiểu là đánh bạc vậy. Chưa kể còn nguy hiểm nữa. Tôi thì không bao giờ mong chúng nó phải cầm tới cái kẹp này mà đi nuôi rắn”, chị M. trải lòng.

Nguồn: [Link nguồn]

Tiêu điều làng rau lớn nhất Đà Nẵng do nước nhiễm mặn kéo dài

Nắng nóng kéo dài trong nhiều tháng qua khiến nước sông Cẩm Lệ (Đà Nẵng) bị nhiễm mặn, nước giếng nhiễm phèn. Tại La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) làng rau...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hoa ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN