Làng nghề đầy sắc màu vào mùa: Người dân “bán” những nụ cười làm giàu
Cận kề dịp trung thu, người dân tại làng Ông Hảo (xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ) lại tất bật sản xuất các đơn hàng đồ chơi như: Trống, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử... để kịp đáp ứng mùa cao điểm nhất trong năm.
Làng Ông Hảo (hay còn gọi là làng Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên) bắt đầu làm đồ chơi Trung thu từ khoảng năm 1961. Theo lời người dân địa phương, lúc ấy có Hợp tác xã (HTX) làm trống đồ chơi, sau HTX giải thể, những người vững nghề tự mở xưởng, đến nay còn khoảng gần 10 nhà theo nghề này.
Người thợ làm mặt nạ - đồ chơi trung thu dân gian, tại làng Ông Hảo ở xã Liêu Xá, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên
Tại làng Ông Hảo, các sản phẩm đồ chơi Trung thu chủ yếu làm thủ công nên đòi hỏi sự tâm huyết, hăng say, tỉ mỉ của những người thợ lành nghề.
Ngoài làm trống gỗ, mặt nạ giấy bồi cũng là sản phẩm chính của làng. Những món đồ chơi được làm từ các nguyên liệu thân thiện như tre, nứa, giấy bìa,... đa dạng kiểu dáng, mang đậm bản sắc dân tộc.
Tuy nhiên, hiện chỉ còn khoảng 3 - 4 hộ sản xuất chủ lực, cung cấp hàng vạn sản phẩm mỗi năm ra thị trường đều tập trung ở làng Ông Hảo.
Là một trong gần 10 hộ dân còn làm đồ chơi Trung thu ở làng Ông Hảo, xã Liêu Xá, vợ chồng ông Vũ Huy Đông (70 tuổi) và bà Vũ Thị Hạnh (65 tuổi) cùng một vài người cháu tất bật hoàn thiện đơn hàng để giao cho khách.
Gắn bó hơn 40 năm với nghề truyền thống, ông Vũ Huy Đông, một nghệ nhân làm mặt nạ giấy bồi chia sẻ: “Nhà tôi chuyên làm mặt nạ giấy bồi, tính đến nay là ba đời. Những năm gần đây, chúng tôi còn làm cả mặt nạ sư tử, nói chung cũng vẫn có thị trường”.
Trong các công đoạn, vẽ mặt là công đoạn khó nhất, chỉ người có khiếu thẩm mỹ mới làm được
Từng có những thời điểm ế ẩm không có thị trường tiêu thụ, nhưng ông Đông vẫn làm, gắn bó vừa là vì yêu thích vừa với mong muốn giữ gìn nghề truyền thống. “Tôi rất vui vì những năm gần đây, mọi người tìm đến đồ chơi Trung thu truyền thống của làng nhiều hơn", ông Đông chia sẻ.
Sau khi vẽ, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu
"Chúng tôi làm tổng cộng hơn 10.000 mặt nạ, đều đã có đại lý đặt trước. Hàng xuất chủ yếu trong nước, những tỉnh đặt nhiều là Hải Phòng, Hà Nội, Nam Định, Đà Nẵng...”, ông Đông nói..
Mặt nạ mô phỏng các nhân vật được yêu thích trong phim của thiếu nhi
“Như tôi một ngày gắng lắm cũng chỉ làm được đôi chục cái. Chúng tôi làm thong thả từ hai ba tháng trước. Vẽ xong, mặt nạ sẽ được sơn một lớp phủ bóng để giữ màu. Những năm trước chỉ có mặt nạ Tễu, ông Địa, thằng Bờm, về sau chúng tôi làm thêm mặt nạ Chí Phèo, Thị Nở, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới. Vài năm nay còn làm cả mặt nạ các con vật hoạt hình, trẻ con rất thích”, ông Đông nói thêm.
Tỉ mỉ sơn màu mặt nạ giấy bồi, bà Hạnh, vợ ông Đông cho hay, mặt nạ có nhiều hình dạng khác nhau, mô phỏng nhiều nhân vật với giá từ 20.000 đến 50.000 đồng mỗi chiếc.
Trống đồ chơi cũng cần làm qua nhiều công đoạn cầu kỳ
Cùng với sản phẩm mặt nạ, những nghệ nhân ở làng còn làm các loại trống đồ chơi. Bà Vũ Thị Là, người có thâm niên hơn 40 năm gắn bó với nghề kể: “Chính xác thì trống gỗ là mặt hàng nổi tiếng đầu tiên của làng Ông Hảo. Để làm nên một chiếc trống trung thu, chúng tôi phải chuẩn bị rất sớm với nhiều nguyên liệu và các công đoạn khác nhau, như mua nguyên liệu, thuộc da trâu, bò; làm tang trống..."
Công đoạn tiện tang trống tại cơ sở nhà ông Vũ Huy Linh và bà Vũ Thị Là
Công đoạn làm trống rất tỉ mỉ nên những người nghệ nhân cần chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, đến đầu tháng 6 âm lịch, dân làm trống ở làng Ông Hảo sẽ bắt đầu vào vụ. Trước kia, thân trống (hay còn gọi là tang trống) được làm bằng tay, do thợ đục đẽo mà thành.
Ngày nay, có máy tiện, công đoạn này được rút ngắn lại. Người thợ chỉ còn phải tập trung xử lý da và bưng trống (là công đoạn ráp da vào tang trống).
“Quy trình bưng trống là công đoạn cần sự khéo léo của những thợ lành nghề. Nếu bưng quá căng, trống sẽ không tròn tiếng, còn ngược lại nếu quá chùng thì tiếng sẽ non, sản phẩm nhanh hỏng. Thợ lành nghề cần khoảng 5-10 phút để bưng xong một cái trống cỡ nhỏ. Trống bưng xong, lần nữa lại được phơi khô một hai ngày nắng, rồi mới đến khâu quét sơn và vẽ hoa văn sao cho bắt mắt”, bà Là chia sẻ.
Nối nghiệp gia đình, chị Hoàng Thị Thanh Tuyền – con gái bà Là cho hay, năm nay đơn đặt hàng tăng đột biến. “Những ngày này thợ làm việc liên tục vẫn không kịp trả đơn hàng” – chị Tuyền nói.
Trung bình mỗi năm, làng Ông Hảo xuất xưởng hàng chục nghìn trống các loại đi khắp các tỉnh, thành. Bé nhất là loại có đường kính 10cm, to nhất khoảng 30cm. Giá tiền dao động từ 15.000-150.000 đồng/chiếc xuất xưởng.
Được biết, hiện cơ sở sản xuất của bà Là đã tạo được công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho hơn chục lao động trong làng với thu nhập trung bình từ 7 – 8 triệu đồng/tháng/người.
“Tết Trung thu mà vắng đi tiếng trống của con trẻ hay thiếu đi chiếc đầu sư tử thì không còn là Trung thu nữa! Dù thế nào thì chúng tôi cũng sẽ gắn bó với nghề và coi đó như tài sản vô giá của cha ông để lại” – nghệ nhân nữ này nói thêm.
Các gia đình làm nghề đồ chơi Trung thu của xã đều chung mong muốn giữ gìn và tiếp tục phát huy nghề truyền thống của ông cha.
Loại quả này chỉ có trong khoảng một tháng là hết nên nhiều người tranh thủ mua về thưởng thức món quà của mùa thu.
Nguồn: [Link nguồn]