Làng nấm treo trại: Phụ thuộc thương lái quá nhiều

Từ câu chuyện quả vải rồi đến mặt hàng nấm cho thấy việc tiêu thụ nông sản đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Họ đến tận nơi để thu mua, tới khi thương lái vắng bóng thì người sản xuất không biết tiêu thụ sản phẩm ở đâu.

Vì sao thị trường nội địa vẫn hút hàng nhưng người trồng nấm ở Đồng Nai, Lâm Đồng lại đứng trước nguy cơ phá sản do bí đầu ra? Chúng tôi cố gắng đi tìm câu trả lời nhưng khi hỏi người trồng nấm thì họ lắc đầu không biết; còn các ngành chức năng có liên quan thì bảo đang… tìm hiểu tình hình!

Vai trò cầu nối mờ nhạt

Ngày 3-7, bà Vũ Thị Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai, cho biết sau khi báo thông tin, huyện đã thúc đẩy nhanh việc tìm hiểu, khảo sát nguyên nhân để giúp sản phẩm bà con nông dân có đầu ra. “Từ trước tới nay, người dân sản xuất với số lượng lớn nhưng mang tính tự phát. Sắp tới, huyện sẽ đề xuất Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn và Sở Công Thương có hướng tìm hiểu xem bà con bị vướng mắc ở công đoạn nào để tháo gỡ” - bà Châu nói.

Làng nấm treo trại: Phụ thuộc thương lái quá nhiều - 1

Nhiều trại sản xuất nấm ở xã Sông Trầu, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai phải bỏ hoang do sản phẩm không tiêu thụ được Ảnh: XUÂN HOÀNG

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Dung, Chủ tịch Hội Nông dân thị xã Long Khánh, cho rằng qua nắm tình hình thì xưa nay, người trồng nấm chủ yếu bán sản phẩm cho thương lái xuất sang Trung Quốc. Từ nhiều tháng nay có thể do thương lái không xuất hiện nên các đại lý thu gom trong vùng cũng ngừng thu mua, người trồng nấm phải “treo trại” hoặc chỉ trồng cầm chừng. Cũng theo bà Dung, ở Long Khánh hiện có cả ngàn hộ trồng nấm với hàng ngàn trại, đây là vùng sản xuất nấm truyền thống và còn sản xuất cả meo (gốc) cung cấp cho các vùng khác. “Chúng tôi đang nóng ruột chờ các đơn vị chức năng tìm đầu ra cho bà con nếu thật sự thị trường trong nước có nhu cầu, đồng thời cũng nên làm rõ nguyên nhân nguồn hàng ứ đọng có phải do từ các thương lái Trung Quốc hay không; cũng không loại trừ khả năng họ lợi dụng tình hình giao thương giữa hai nước hiện nay để ép giá” - bà Dung nói.

Sản xuất manh mún, quên làm thương hiệu

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, đặt vấn đề: “Đã đi bán chưa mà biết ế?”. “Việc buôn bán nông sản qua Trung Quốc trước giờ chủ yếu qua đường tiểu ngạch, không ký hợp đồng nên thương lái lo sợ chuyện cấm biên mà chủ động không đưa hàng đi chứ không phải do phía Trung Quốc ngưng thu mua hay trả hàng về. Hiện tại, việc buôn bán qua tiểu ngạch với Trung Quốc vẫn bình thường. Tuy nhiên, đây cũng là dịp không chỉ nông dân mà cả bộ máy nhà nước xem lại mình, không để phụ thuộc vào một thị trường nhưng để xúc tiến thị trường mới cần phải có thời gian” - TS Mai phân tích.

Bà Mai nói thêm: Không chỉ nấm mà nông sản nói chung, việc tiêu thụ đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, họ đến tận nơi để thu mua, đến khi thương lái vắng bóng thì người sản xuất không biết nơi tiêu thụ. Để khỏi phụ thuộc thương lái, nông dân phải liên kết lại mới có nguồn lực đầu tư nghiên cứu, phát triển thị trường, xây kho bảo quản, nhà máy chế biến, xe vận chuyển đưa đi tiêu thụ nhưng nông dân không thể tự làm mà phải có sự hỗ trợ từ phía nhà nước.

Dưới góc độ là đầu mối thu mua, bà Hải Yến, trưởng phòng kinh doanh một công ty chuyên cung ứng nấm tại TP HCM, nêu thực tế là nhiều người trồng nấm hiện nay làm tự phát, không bảo đảm quy trình trồng an toàn nên công ty không thể thu mua, dù giá rẻ. Ngoài ra, nấm trồng trong nước chỉ tập trung ở một số loại trong khi thị trường có nhu cầu đa dạng nên công ty đang nhập khẩu nấm đùi gà, kim châm, linh chi trắng, xám từ Hàn Quốc, Trung Quốc...  Hiện nay, ế nhất là nấm bào ngư (trắng, xám, Nhật), giá sỉ chỉ còn 10.000 đồng/kg, bằng một nửa so với bình thường do sản lượng tăng đột biến. Loại nấm này sau khi hái chỉ để được 3 ngày, cũng không để trên giàn được vì nấm sẽ bị già. Đối với nấm mèo (trước giờ chủ yếu bán qua Trung Quốc), thị trường trong nước có nhu cầu thấp nên sẽ khó khăn tiêu thụ nếu không tìm được thị trường xuất khẩu mới.

Nhiều người trống nấm tại TP HCM dù tiêu thụ tốt vẫn phải thừa nhận thực tế là đang phụ thuộc vào thương lái và trung gian quá nhiều. Hơn nữa, do chưa có công nghệ bảo quản nên nấm Việt Nam đa phần chỉ bán tươi và rất nhanh hư trong khi nấm Trung Quốc để được cả tuần nên tiểu thương chuộng do không lo bị lỗ vì ế. Nông dân chỉ biết hái nấm (đối với nấm tươi), nấm khô thì phơi hoặc sấy rồi bán, chuyện làm thương hiệu thì còn xa. Nhiều người khoe nấm của mình được vào siêu thị, thậm chí xuất khẩu nhưng lại đứng tên một công ty khác! 

Làm tự phát nên không nắm được!

“Số người trồng nấm tập trung ở thị xã Long Khánh và xã Sông Trầu huyện Trảng Bom đến cả ngàn hộ, làm ăn từ vài chục năm nay, tuy nhiên vẫn theo dạng tự phát chứ chưa phải làng nghề hay HTX nên chúng tôi chưa nắm được cụ thể. Sắp tới, chúng tôi sẽ đặt vấn đề với các bên liên quan để tìm hiểu tình hình, tìm hướng khắc phục...” - ông Phạm Minh Đạo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
theo Ngọc Ánh - Xuân Hoàng (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN