Làng heo đất miệt mài giữ “lửa”

Sự kiện: Tết Giáp Thìn 2024

Nửa thế kỷ trôi qua, làng nghề làm heo đất tại tỉnh Bình Dương vẫn được gìn giữ dù thị trường tiêu thụ bị thu hẹp dần.

Mỗi nhà một công đoạn

Tại làng heo đất ở Lái Thiêu (thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương), số hộ theo nghề đã vơi đi nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được bảo toàn.

Từ nguồn nguyên liệu đất sẵn có và bàn tay khéo léo, người dân đã tạo ra những chú heo, rồng, cá vàng, Doremon, thiên nga, bồ câu… ngộ nghĩnh, đáng yêu. Quá trình sản xuất heo đất có sự tham gia của nhiều gia đình. Có hộ chuyên cung cấp nguyên liệu đất sét, hộ khác đảm nhận việc nặn và nung heo, có hộ làm công đoạn trang trí, hoàn thiện sản phẩm. Ông Trần Văn Tuấn, nghệ nhân sản xuất heo đất ở phường Lái Thiêu. “Tạo ra một con heo đất không khó, nhưng để heo đất trở thành thú cưng đặt trong nhà thì không dễ, nên không làm theo kiểu rập khuôn”.

Nghệ nhân tỉ mỉ tô điểm cho heo đất ảnh: H.C

Nghệ nhân tỉ mỉ tô điểm cho heo đất ảnh: H.C

Dùng chổi sơn tỉ mỉ tô điểm cho heo đất, chị Nguyễn Thị Mai (phường Lái Thiêu) cho biết, đây là nghề gia truyền, được ông, bà để lại, đến bây giờ đã là thế hệ thứ ba tiếp nối. Chị Mai chia sẻ, những năm trước đây, gia đình chị cho ra lò hàng chục nghìn con heo đất dịp Tết. Tuy nhiên, giờ đây phải giảm công suất. “Thị trường tiêu thụ giảm, hầu hết các hộ theo nghề nơi đây chỉ tận dụng người nhà để sản xuất, ít thuê người”, bà Trần Thị Dung, (phường Lái Thiêu) nói. Mỗi sản phẩm thô có giá 20.000 - 25.000 đồng. Sau khi được đánh bóng, làm đẹp, sản phẩm được bán với giá từ 50.000- 100.000 đồng.

Giữ “lửa” nghề truyền thống

Hơn nửa thế kỷ trước, vùng Lái Thiêu có hơn 300 hộ làm heo đất, nhưng đến nay chỉ còn chưa tới 20 hộ gắn bó với nghề. Số hộ theo nghề đã giảm nhiều nhưng nét đẹp truyền thống của làng nghề vẫn được các thế hệ người dân nơi đây gìn giữ.

Cục đất sét qua tay nghệ nhân trở thành con vật có hồn ảnh: H.C

Cục đất sét qua tay nghệ nhân trở thành con vật có hồn ảnh: H.C

Bà Lê Thị Thu (60 tuổi, chủ cơ sở heo đất ở phường Lái Thiêu) chia sẻ, từ khi sinh ra, bà đã được ngửi mùi sơn, được thấy con heo đủ màu sắc. “Trẻ con ở đây lớn lên thì được người lớn dạy cho cách nặn đất sét, đổ khuôn, tô màu, vẽ hoa văn, viết chữ. Những hộ dân đến bây giờ còn theo nghề, đều là cha truyền, con nối”, bà Thu tâm sự.

Đại diện UBND thành phố Thuận An cho biết: “Làng heo đất Lái Thiêu được duy trì, trở thành nét văn hóa đặc biệt của địa phương. Heo đất Lái Thiêu, ngoài tiêu thụ rộng rãi trong nước còn được xuất qua các nước Lào, Campuchia, Thái Lan. Các ngành chức năng của địa phương nỗ lực làm cầu nối, mở rộng thị trường tiêu thụ heo đất để cùng các hộ dân giữ nghề truyền thống”.

Gắn bó với nghề vẽ heo đất hơn 30 năm qua, bà Nguyễn Thị Thu Thủy (phường Lái Thiêu) cho hay: “Khó khăn nhất hiện nay là khâu tiêu thụ sản phẩm. Cơ sở hoạt động chủ yếu vào dịp Tết Nguyên đán khi có nhu cầu sử dụng heo đất. Còn lại những tháng trong năm, cơ sở chỉ hoạt động cầm chừng, tiêu thụ chậm nên hầu như làm xong thường đóng gói cất vào kho”.

Tại tỉnh Bình Dương, nghề heo đất không chỉ có ở phường Lái Thiêu (thành phố Thuận An) mà còn xuất hiện tại phường Tân Phước Khánh (thành phố Tân Uyên) từ lâu đời. Những ngày cận Tết, các hộ dân theo nghề heo đất lại tất bật làm ra những sản phẩm xinh xắn, đáng yêu.

Bà Lan (phường Tân Phước Khánh) cho biết, năm nay sản phẩm bán khá chậm nhưng cơ sở làm heo đất của nhà bà vẫn luôn giữ “lửa” bám nghề, vừa tạo việc làm cho gia đình, vừa giữ gìn nghề truyền thống của cha ông.

Nguồn: [Link nguồn]

Khác với cảnh tấp nập kẻ bán người mua dịp sát Tết, năm nay làng nghề mộc Thuận Giang và Nam Thắng (xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Lưu, Nghệ An) rơi vào cảnh đìu hiu chưa từng có.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo HƯƠNG CHI ([Tên nguồn])
Tết Giáp Thìn 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN