Làng chổi đót duy nhất giữa lòng TP.HCM vào vụ Tết
Làng chổi đót duy nhất còn sót lại ở TP.HCM tập trung xung quanh chợ Bình Tiên đang tất bật vào vụ Tết.
Những ngày cuối năm, làng chổi đót duy nhất còn sót lại ở TP.HCM cũng đang tất bật vào vụ Tết. Gọi là làng nhưng thực tế chỉ là xóm nhỏ, vì giờ chỉ còn vài hộ còn giữ nghề truyền thống này.
Được biết, nghề bó chổi xuất hiện ở khu vực Bình Tiên vào khoảng đầu thập niên 1960 do những lưu dân từ Quảng Ngãi mang vào. Họ tập trung thành từng nhóm quanh chợ Bình Tiên, đường Phạm Phú Thứ và đường Phạm Văn Chí (quận 6,TP.HCM).
Ghi nhận của PLO tại con hẻm Phạm Văn Chí (phường 4, quận 6, TP.HCM), những ngày này làng chổi đót đang tất bật vào vụ Tết. Đây là thời điểm bận rộn nhất của các gia đình còn theo nghề làm chổi thủ công tại đây. Ảnh: DI LINH
Anh Nguyễn Hoàng Tuấn, thợ làm thủ công chia sẻ: “Hồi xưa khoảng trăm nhà bây giờ còn 10 nhà, đầu hẻm đến cuối hẻm còn 10 nhà vậy đó, người ta nghỉ rộ hết rồi. Còn mình thì bây giờ nghỉ không biết làm gì hết, nên quyết tâm bám theo nghề ông bà cha mẹ để lại thôi”. Ảnh: DI LINH
Làng chổi đót hầu như không có sự xuất hiện của máy móc, nếu như các làng nghề khác được thay thế làm bằng máy thì đối với làm chổi đót tất cả các công đoạn phải làm bằng đôi tay của người thợ. Ảnh: DI LINH
Nguyên liệu chính làm chổi là cây đót, cây đót được thu mua vào đầu tháng giêng đến tháng hai âm lịch ở các tỉnh Tây Nguyên như Kom Tum, Gia Lai vì mỗi năm chỉ nở một lần vào tháng này. Ảnh: DI LINH
Để làm ra một cây chổi đót hoàn chỉnh, người thợ phải trải qua nhiều công đoạn như xé bông đót, làm tua, cột lọ, bó chổi, bện chổi, chặt tề. Ảnh: DI LINH
Mỗi người một việc, tùy theo sức của mình, làng chổi đót vẫn tất bật chuẩn bị cho những đợt hàng cuối năm. Ảnh: DI LINH
Một cây chổi đót thành phẩm có giá bán từ 20-40 nghìn đồng. Thị trường chủ yếu tại TP.HCM và một số tỉnh miền Tây. Ảnh: DI LINH
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng – Chủ cơ sở sản xuất chổi Hồng Thái: “Do ảnh hưởng dịch và kinh tế khó khăn thì năm nay thị trường giảm, xuất khẩu cũng chậm hơn. Mọi năm là là xuất 4 chuyến đi năm nay chỉ còn có 2 chuyến đi nước ngoài”. Ảnh: DI LINH
Trong làng chổi đót bây giờ chủ yếu là người già và trung tuổi làm chổi. Theo những nhà làm chổi tại đây, thu nhập từ chổi đót chỉ trông chờ vào dịp giáp Tết, còn ngày thường chỉ đủ ăn nên lớp trẻ không mặn mà. Ảnh: DI LINH
Gắn bó hơn 40 năm với nghề, bà Huệ năm nay đã 70 tuổi nhưng miệt mài bó đót, cho biết chỉ vào dịp thì mới làm nhiều chứ những tháng trong năm thì lại khá ế ẩm: "Nói chung Tết thì cũng làm được thôi, trong 12 tháng thì chỉ có 2 tháng cuối là làm được nhiều. Còn bây giờ giới trẻ nó đâu có làm, nó đi vô công ty làm hết rồi, với có thích cái nghề này thì mới làm được, mới gắn bó được". Ảnh: DI LINH.
Nghề chổi không giàu được nhưng đã là nguồn sống cho rất nhiều gia đình. Nhiều thợ thủ công trong làng chổi đót vẫn cần mẫn xé đót, níu giữ cái nghề mà cha ông để lại với quyết tâm “còn sức thì còn làm”. Ảnh: DI LINH
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hồng – chủ cơ sở sản xuất chổi Hồng Thái: “Cái nghề của mình mình phải làm chừng nào hết sức khỏe thì thôi, ví dụ sau này khi không còn thợ nữa, không còn sức khỏe nữa, thì mình làm bán các hàng chổi đặt bán cho bà con xài, mình không còn công nhân làm thì mình tự làm được, mình trong nghề mà, làm ra cây chổi được thì mình cũng kiếm được thu nhập chợ búa”.
Tại con hẻm nhỏ mỗi người một việc, đàn ông phụ nữ đều khẩn trương hoàn thành công đoạn của mình, ai cũng hi vọng sẽ bán được nhiều chổi, có thêm thu nhập để có được một cái Tết ấm no. Ảnh: DI LINH
Hương mùi già là nét đặc trưng của người dân miền Bắc nói chung và người dân Hà Nội nói riêng. Mùi già xuống phố đồng nghĩa với Tết đang gần kề.
Nguồn: [Link nguồn]