Làn sóng người Thái thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam
Theo các chuyên gia, làn sóng thâu tóm thị trường bán lẻ VN của người Thái là nhằm đón đầu cơ hội khi VN tham gia các hiệp định thương mại tự do và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm.
Hàng Thái có mặt từ chợ đến siêu thị, cửa hàng bán lẻ (chụp tại cửa hàng tiêu dùng Thái Lan trên đường Tràng Thi, Hà Nội) - Ảnh: Kỳ Anh
“Làn sóng” hàng tiêu dùng Thái Lan
200 gian hàng với đủ sản phẩm tiêu dùng trong hội chợ hàng Thái Lan cuối tuần qua tại Hà Nội thu hút lượng lớn khách hàng mua sắm. Các doanh nghiệp (DN) Thái thực sự hài lòng khi trên tay mỗi người tiêu dùng là các túi hàng lớn nhỏ có giá trị từ vài trăm nghìn tới cả triệu đồng.
Đặt hai túi nilon nặng trĩu nước giặt, nước xả, rổ nhựa lẫn giày dép, quần áo xuống chân, chị Đỗ Thu Lan, một khách hàng cho biết, hàng Thái chất lượng tốt hơn rất nhiều so với của Trung Quốc, mà giá lại rẻ hơn hàng Nhật Bản, Hàn Quốc. “Đồ nhựa của Thái tôi dùng mấy năm chưa hỏng, mẫu mã cũng phong phú mà giá chỉ ngang ngửa hàng Việt”. Đây cũng là tâm lý chung của nhiều khách mua hàng tại hội chợ này.
Theo thống kê của ban tổ chức Diễn đàn mua bán - sáp nhập DN (M&A) năm 2014-2015, giá trị các vụ M&A năm 2014, ở Việt Nam là 4,2 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2013, trong đó các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ chiếm tới 36% tổng giá trị. |
Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, ông Vũ Vĩnh Phú cho biết, chỉ riêng trên tuyến đường Tây Sơn có tới 15 cửa hàng chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng Thái Lan. Ông Phú thông tin, không chỉ vợ ông mà những bà nội trợ hàng xóm cũng ưa thích hàng Thái vì chất lượng và giá cả hợp lý. “Họ bài bản, có chiến lược và thực hiện từ 15 năm nay rồi”, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận xét về khả năng xâm nhập hàng tiêu dùng Thái vào từng gia đình người Việt.
Không chỉ có hội chợ hàng Thái diễn ra đều đặn hàng năm, còn có các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi. Thêm một bước nữa, gần đây một số DN Thái Lan tích cực mua bán, sáp nhập các chuỗi bán lẻ lớn của Việt Nam như Family Mart, Metro, Nguyễn Kim… hay thương vụ đang gây nhiều chú ý như Pico. Động thái thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của các tỷ phú Thái đang trở thành làn sóng mạnh mẽ. Theo các chuyên gia, làn sóng thâu tóm thị trường bán lẻ Việt Nam của người Thái là nhằm đón đầu cơ hội khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do và hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN cuối năm nay.
Tăng lệ thuộc
Hậu những thương vụ mua bán, sáp nhập đình đám đó, người tiêu dùng được/mất gì? Trả lời câu hỏi này, ông Phú cho rằng: “Hàng hóa “ngoại” sẽ tràn vào, người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn hàng hóa phong phú từ nhiều nước. Giá cả cũng cạnh tranh và chất lượng dịch vụ tốt hơn”.
Tuy nhiên, một chuyên gia kinh tế cũng e ngại, làn sóng mua bán, sáp nhập tiếp tục gia tăng, các đại gia ngoại chiếm lĩnh thị trường bán lẻ, giá cả có thể bị chi phối. “Họ cho người tiêu dùng Việt Nam mua gì, bán giá bao nhiêu là quyền của họ, nhất là những mặt hàng có tính chất độc quyền. Thậm chí, các “đại gia” ngoại có thể liên kết để thâu tóm thị trường bán lẻ. Khi đó, không chỉ người tiêu dùng phụ thuộc, các sản phẩm sản xuất trong nước vốn đã lép vế lại càng khó có chỗ đứng trong hệ thống phân phối của họ.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho biết, tại các siêu thị cao cấp trên địa bàn Hà Nội hiện nay, hàng Việt Nam “thuần” chỉ chiếm từ 10-15%, tại các siêu thị khác nhỉnh hơn 30%. Còn nếu tính cả hàng liên doanh thì con số mới được 80%. Còn lại là hàng nhập ngoại. Riêng Metro, hàng Thái Lan lên tới 60%. Ông Phú cảnh báo, nếu cứ tiếp tục đà này thì các DN sản xuất của Việt Nam càng không thể chen vào chuỗi bán lẻ ngay tại sân nhà. Sản xuất của Việt Nam sẽ bị đe dọa.
Ông Phú nhận xét, mặc dù các chính sách hiện hành “trải thảm đỏ” với nhà đầu tư ngoại, song lại “trải đinh” với DN Việt. “Một DN Việt tôi biết, đã ba năm nay không lo xong thủ tục đối với một miếng đất làm mặt bằng bán lẻ; Còn siêu thị thì một cái Tết phải tiếp tới 8 đoàn thanh tra thì cạnh tranh sao nổi!”, ông Phú nói.