Lan đột biến tiền tỷ: Tiềm năng ngành mới hay giao dịch "ảo" núp bóng thú chơi tao nhã?
Nhiều người bày tỏ lo ngại về việc loạn thị trường hoa lan có thể mang đến những hệ lụy không nhỏ cho ngành kinh tế.
Thị trường ảo, giá trên trời
Mấy năm trở lại đây, dòng lan đột biến gene tự nhiên có màu sắc và hình dáng độc lạ trở thành đối tượng săn lùng của dân chơi lan. Các thương vụ mua bán, giao dịch lan đột biến liên tiếp được công bố trên các diễn đàn, từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng gây xôn xao dư luận.
Dư luận chưa hết bàng hoàng về thương vụ chuyển nhượng chậu lan Juliet với giá 83 tỷ đồng, thì giới sinh vật cảnh cả nước lại xôn xao với thương vụ giao dịch lan đột biến lên tới 1.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau khi thương vụ này gây sốt mạng xã hội, người tham gia giao dịch đã lên tiếng phủ định thông tin nói trên. Được biết, giá trị thương vụ không phải 1.400 tỷ đồng như hình ảnh trên mạng xã hội chia sẻ mà chỉ là 1,4 tỷ đồng. Do hàng in viết thừa số 0 dẫn đến mọi người hiểu nhầm là 1.400 tỷ đồng.
Nhiều người đã đặt ra câu hỏi, liệu đây có phải là chiêu trò thổi giá, đánh bóng tên tuổi của một số nhà vườn hay là giá trị thật của sản phẩm. Một số ý kiến cho rằng, việc nâng khống giá trị sản phẩm đang làm nhiễu loạn thị trường. Nguy hiểm hơn, đây còn là hình thức biến tướng, cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh.
Thương vụ chuyển nhượng lan đột biến 1.400 tỷ gây "bão" mạng xã hội thực chất là do lỗi của hàng in. Ảnh: Nhịp sống Việt
Trao đổi với PV Đời sống& Pháp luật về những giao dịch có giá trị lớn đang gây xôn xao trên mạng xã hội thời gian gần đây, ông Vương Xuân Nguyên, Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho biết, trên thực tế, không chỉ hoa lan mà nhiều tác phẩm sinh vật cảnh khác từ lâu cũng đã có những giao dịch trị giá tiền tỷ.
"Việc định giá những cây lan đột biến cao một phần do đây là hàng hóa đặc thù, có tính đơn nhất nên giá trị của nó không chỉ phụ thuộc vào độ quý hiếm, mặt hoa độc lạ mà trong nhiều trường hợp còn phụ thuộc vào xu thế giá, điều kiện, nhu cầu, khát khao sở hữu của người chơi. Những giao dịch hàng trăm triệu đến tiền tỷ là có. Nhưng những giao dịch lên đến hàng chục tỷ, thậm chí là hàng trăm tỷ là dấu hiệu bất thường cần phải xem xét lại bản chất của những giao dịch này", ông Nguyên chia sẻ.
Rất có thể có những người đã lợi dụng mạng xã hội và truyền thông, khi nâng khống những giá trị của các giao dịch hoa lan đột biến nhằm những mục đích riêng không lành mạnh như: tạo dựng tên tuổi, thu hút sự chú ý, thậm chí là hành vi trái pháp luật...Sẽ trở nên nguy hiểm, khi những chơi tự phát quyên góp tiền, thậm chí huy động tín dụng đen để đổ vào kinh doanh lan “lướt sóng” với kì vọng đổi đời. Từ đó sẽ hình thành nên những nhóm chơi, họ tự mua đi bán lại của nhau, tự đẩy giá, tạo ra sự hấp dẫn giả tạo để dẫn dụ nhiều người mới tham gia vào thị trường lan. Cùng với hiệu ứng của mạng xã hội sẽ tạo ra hiệu ứng tâm lý đám đông, mà đỉnh điểm sẽ hình thành “bong bóng đầu tư” như những hiện tượng từng xảy ra với chứng khoán, bất động sản hay tiền ảo…
"Việc nâng khống giá trị sản phẩm vượt quá xa với giá trị thực đang làm nhiễu loạn thị trường. Và sẽ trở nên nguy hiểm hơn, nếu đây là hình thức biến tướng gây ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong môi trường kinh doanh. Cao trào của những “vở kịch thị trường” như vậy, là sự “rủi ro tháo chạy khỏi thị trường” một cách đột ngột của những thành viên đầu cơ “dẫn dắt” thường để lại những hệ lụy không nhỏ cho nền kinh tế, tác động đến sự đổ vỡ của một ngành", ông Nguyên cho biết.
Theo ông Nguyên, thời gian gần đây, thị trường hoa lan, đặc biệt là hoa lan đột biến diễn ra khá sôi động do nhiều nguyên nhân, trong đó phải kể tới yếu tố hoàn cảnh xã hội cũng như xu hướng nền kinh tế.
Cụ thể, trong thời gian thực hiện việc giãn cách xã hội để phòng chống COVID19, nhiều người chơi lan có thời gian dành nhiều thời gian cho thú vui của mình và tạo ra một cộng đồng người chơi lan mới, thường xuyên giao dịch và trao đổi qua mạng xã hội.
"Sau khi giãn cách xã hội, không ít hoạt động kinh doanh bị đình trệ và chưa trở lại bình thường, người chơi sinh vật cảnh, trong đó có người chơi lan (thường gắn với một hoạt động kinh doanh khác), chuyển dòng vốn sang kinh doanh sinh vật cảnh nói chung, hoa lan nói riêng, do đó đã tạo ra luồng không khí tích cực đối với người yêu sinh vật cảnh", ông Nguyên cho biết.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Theo ông Nguyên, việc ngày càng có nhiều quan tâm, đầu tư vào sinh vật cảnh sẽ tạo ra “cú huých” để phát triển ngành này phát triển, nhưng việc phát triển “quá nóng” sẽ là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu cơ dễ bề thao túng. Những động thái của của họ trên thị trường, nhất là thị trường ảo trên không gian mạng dễ nảy sinh những hệ lụy nếu không kịp thời nhận diện và có những điều chỉnh cần thiết từ cơ quan chức năng.
Ông Vương Xuân Nguyên chia sẻ về Giải pháp phát triển ngành hoa lan bền vững tại Hội Hoa lan Hà Nội.
Do mạng xã hội là một cộng đồng mở, nên những giao dịch hoa lan đột biến thu hút được sự quan tâm không nhỏ của nhiều người và nhanh chóng tạo nên cơn sốt. Nhiều người tìm đến vì tò mò, cũng có không ít người tìm đến vì động cơ kinh tế khi nhận ra những cơ hội mở của ngành này.
Dần dần, các giao dịch khủng được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội, thậm chí, nhiều giao dịch còn tạo ra những luồng dư luận trái chiều khi giá trị cho một kie lan vài cm có thể lên tới hàng tỷ, thậm chí hàng chục tỷ đồng.
Chánh Văn phòng Hội Sinh vật cảnh Hà Nội cho rằng, việc giá những chậu lan đột biến trong những giao dịch thật giả lẫn lộn đã tạo ra sự hỗn loạn cho thị trường. Ông bày tỏ lo ngại tình trạng trên nếu còn tiếp diễn, không chỉ dẫn đến cách hiểu sai của xã hội về ngành sinh vật cảnh, mà về lâu dài nó còn tác động xấu đến nền kinh tế.
Thậm chí, nếu không có các biện pháp ngăn chặn kịp thời, các giao dịch hoa lan ảo trên không gian mạng rất có thể tích tụ và biến tướng thành những hoạt động khác "núp bóng" như mô hình kinh doanh đa cấp, hình thành kênh đầu tư, huy động vốn ảo cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng giao dịch để thực hiện nhiều hành vi "rửa tiền", “lừa đảo” trái pháp luật.
Tăng cường quản lý
Ông Nguyên cho rằng, để ngăn chặn hành động thổi giá, nâng khống giá hay các giao dịch ảo, các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần nhanh chóng vào cuộc, thanh, kiểm tra làm rõ bản chất và mục đích thực sự đằng sau các cuộc giao dịch nói trên. Đẩy mạnh, hoàn thiện các quy định về quản lý thông tin, kinh doanh trên mạng xã hội, nhằm tránh bỏ lọt những hành vi sai phạm, trái pháp luật.
Bên cạnh đó, người chơi cần trang bị kiến thức, am hiểu nhất định để chăm sóc. "Tư duy "làm chơi ăn thật", đón đầu những làn sóng "ảo", có thể tiếp tay cho những hoạt động khác, gây ra "tổn thương" thị trường, tạo ra rủi ro tài chính cho chính bản thân mình, đồng thời việc làm đó sẽ góp phần hủy hoại một thú chơi văn hóa đang trên đà phát triển thành ngành kinh tế sinh thái", ông Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, người chơi cũng cần phải thẩm định, sàng lọc thông tin, cũng như đầu cơ theo tâm lý đám đông, không tiếp tay, phát tán những điều còn nhiều nghi vấn và đặc biệt, tỉnh táo trước các giao dịch bất thường.
Cũng theo ông Nguyên, hiện tại, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành sửa đổi Thông tư 72, Nghị định 159 và một số điều luật, trong đó các dự thảo kiểm soát thông tin trên không gian mạng, đặc biệt là phân biệt rõ những ranh giới của giao dịch điện tử, và có các chế tài xử lý nghiêm những hành vi tung tin giả, tin sai sự thật gây hoang mang dư luận, những thông tin gây nhiều loạn thị trường.
“Bất cứ mặt hàng nào, không riêng gì sinh vật cảnh nếu như công tác quản lý có những kẽ hở cũng có thể tạo ra lỗ hổng để một số tổ chức, cá nhân lợi dụng thực hiện hành vi trục lợi trái pháp luật. Điều này sẽ trở nên nguy hiểm hơn khi họ sử dụng không gian mạng, môi trường internet làm công cụ để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật Vì vậy, các cơ quan chức năng cần phải sớm hoàn thiện những hành lang pháp lý để kịp thời ngăn chặn và đẩy lùi loại tội phạm sử dụng công nghệ cao để tác động đến các mặt của đời sống xã hội”, ông Nguyên nhấn mạnh.
Nguồn: [Link nguồn]
Những người dân trong làng lần đầu được thưởng thức thực phẩm thượng hạng mà họ chưa bao giờ được nếm.