Làm thực phẩm sạch khó trăm bề

Trong làn sóng khởi nghiệp gần đây, lĩnh vực thực phẩm sạch được nhiều người quan tâm do nhu cầu thị trường lớn.

Nhiều người vốn là “tay ngang”, xuất phát từ nhu cầu làm thực phẩm gia đình nhưng có khả năng mở rộng quy mô đã coi đây là cơ hội để làm giàu.

Làn sóng mới

“Tôi có 1 ha đất bỏ không, giờ trồng gì thì bán được?”. “Tôi muốn làm rau thủy canh thì cần bao nhiêu vốn, thị trường ở đâu?”. “Mình có một trang trại gà ta, trước giờ toàn bán cho thương lái, nay muốn bán lẻ phải làm sao?”… Đó là những câu hỏi phổ biến tại nhiều diễn đàn cũng như các hội nghị về nông sản sạch tổ chức gần đây. Không chỉ vậy, trong những cuộc cà phê với bạn bè, nhiều người cũng có thể nghe được những câu chuyện như “mình sắp bán trái cây sạch, mọi người nhớ ủng hộ”…

Thế nhưng, anh Trần Văn Hùng - chủ một cửa hàng thực phẩm sạch ở quận 1, TP HCM - cho biết có làm thực tế mới thấy khó vô cùng. Nhiều loại trước khi trồng, khảo sát cho thấy nhu cầu rất lớn nhưng lúc thu hoạch thì việc tiêu thụ không như kỳ vọng.

Làm thực phẩm sạch khó trăm bề - 1

Thực phẩm sạch có giá thành cao nên cần sự tiếp sức của người tiêu dùng để phát triển, hạ giá thành

“Đặc biệt, nhóm các sản phẩm thịt không hóa chất gặp khó ngay từ khâu chăn nuôi vì bệnh dịch nhiều, nếu không dùng kháng sinh thì rất dễ mất trắng cả đàn. Đến khâu giết mổ phải đưa đến lò đạt chuẩn ở xa, trong khi số lượng cung cấp nhỏ nên chi phí cao. Ngoài ra, thủ tục thú y phức tạp, phải mất nhiều tháng sản phẩm ra thị trường mới được xem là hợp pháp khiến nhiều người nản lòng” - anh Hùng dẫn chứng.

Theo ông Mai Quốc Thái, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn và Trang trại TP HCM, muốn đầu tư vào nông nghiệp cần 4 yếu tố chính: đất, vốn, kỹ thuật và thị trường. Nếu chưa đủ 4 yếu tố này mà lao vào làm sẽ cầm chắc thất bại.

TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp công nghệ cao TP HCM (AHTP), cho biết qua nhiều năm theo dõi hoạt động ươm tạo doanh nghiệp (DN) công nghệ thì thời gian gần đây, lĩnh vực nông nghiệp có nhiều tín hiệu đáng mừng. Thực phẩm vốn là nhu cầu thiết yếu của con người nên thị trường luôn rộng mở. Đời sống càng phát triển thì yêu cầu về thực phẩm ngày càng cao.

“Thực tế, thị trường đang đòi hỏi một nền nông nghiệp có thể nói nôm na là xanh - sạch - đẹp và có lợi về mặt kinh tế. Tuy cách thức sản xuất nông nghiệp có thay đổi nhưng so với những lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ thì giá trị gia tăng không bằng. Người ta vẫn nói nông sản thực phẩm là “sáng rau, chiều rác” nên không thể đòi hỏi lợi nhuận cao” - ông Hiệp nhận xét.

Nên “làm từ từ”

Việc tiêu thụ nông sản sạch hiện gặp “điểm nghẽn” giữa sản xuất và thị trường do thiếu kênh phân phối riêng. Tình trạng sản xuất sạch nhưng phải bán như hàng chợ và bị trộn lẫn hàng sạch - bẩn khiến người tiêu dùng càng khó lựa chọn.

Đại diện Công ty TNHH Trang trại 3A (Bình Dương), chuyên nhóm hàng đặc sản (gà ri, tổ yến…) cho biết làm thực phẩm sạch không khó, cái khó là bán ở đâu. Nhiều DN khởi nghiệp nông nghiệp có quy mô nhỏ, thiếu vốn nên không thể kiêm luôn khâu phân phối. Vì vậy, rất cần những đơn vị kết nối các nhà sản xuất và nơi chuyên doanh thực phẩm sạch để cùng hỗ trợ nhau phát triển.

Theo thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự án Khởi nghiệp Cộng đồng (Hoa Sen Group), những người muốn làm thực phẩm sạch không nên tiến hành một mình mà cần hình thành những nhóm hợp tác để tăng sức mạnh. Còn ông Lê Hiếu Hữu, cố vấn marketing Công ty CP Hóa chất Nông Việt, cho rằng bạn trẻ khi khởi nghiệp nên tìm cho mình thị trường ngách, ít cạnh tranh để bắt đầu. Với thực phẩm sạch thì nên “làm từ từ” để kiểm soát về chất lượng cũng như quản trị.

Đồng tình với ý kiến này, thạc sĩ Nguyễn Hoàng Cung, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Vua Vi Sinh (Cần Thơ) - chuyên về gạo sạch, khuyên những ai mới bắt đầu vào lĩnh vực này nên làm từng bước, không nôn nóng. Bây giờ là thời của thực phẩm hữu cơ nhưng để làm được thì khó vô cùng, nhiều người đầu tư đến khi gần lấy được chứng nhận thì hết vốn, không thể phát triển tiếp. Các chuyên gia đến từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản chỉ chúng ta cách làm nông nghiệp hữu cơ nhưng thực tế tỉ lệ nông sản hữu cơ của họ cũng rất thấp.

“Theo quan điểm của tôi thì nên bắt đầu từ việc dùng hóa chất có kiểm soát (các tiêu chuẩn GAP) rồi hạn chế dần, sau đó là canh tác sinh học, cần phải có thời gian để đất đai đủ tiêu chuẩn sản xuất hữu cơ thật sự. Trong tương lai không xa, giá thành nông sản sạch theo tiêu chuẩn sinh thái, hữu cơ sẽ không còn cao do không tốn chi phí vật tư đầu vào từ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật mà Việt Nam vốn phụ thuộc vào nhập khẩu” - ông Cung kỳ vọng.

TS Đinh Minh Hiệp, Trưởng Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP HCM (AHTP):

Đừng sợ hãi khi khởi nghiệp

Muốn khởi nghiệp thành công thì không chỉ chọn được đường đi đúng mà quan trọng là duy trì được niềm đam mê theo đuổi lâu dài. Bắt đầu từ nền giáo dục không khuyến khích việc sáng tạo, chủ động nên ngay từ nhận thức, phần lớn bạn trẻ thích sự an toàn, ít người có khát khao làm chủ. Vì vậy, ở Trung tâm ươm tạo DN nông nghiệp công nghệ cao thuộc AHTP, chúng tôi phải tập huấn tinh thần khởi nghiệp để họ biết và không còn sợ hãi chuyện khởi nghiệp.

Hiện tại, trung tâm có khả năng tiếp nhận hơn 10 DN nhưng rất thiếu ứng viên. Trung tâm có các điều kiện về đất đai, phòng thí nghiệm, kỹ thuật và khả năng kết nối thị trường, tìm nguồn vốn. Vì vậy, nếu các bạn có ý tưởng về dự án nông nghiệp công nghệ cao thì nên mạnh dạn đến tìm hiểu. Nên lao vào làm để biết mình cần gì, thiếu gì hơn là đứng ngoài ngần ngại rồi nghĩ “nếu tốt thế thì không đến lượt mình”. Như vậy các bạn đã thua ngay từ đầu.

Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng Dự án Khởi nghiệp Cộng đồng (Hoa Sen Group):

Phải thay đổi thói quen tiêu dùng

Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, để làm ra thực phẩm sạch là rất khó. Muốn có nhiều thực phẩm sạch trên thị trường thì từng người phải thay đổi thói quen tiêu dùng. Như bản thân tôi, 7 năm nay không uống cà phê vỉa hè vì biết chắc là nó bẩn, chỉ uống cà phê bịch có nhãn hiệu. Cà phê này không hẳn là sạch nhưng chắc chắn là ít độc hại hơn cà phê vỉa hè.

Một người khi mắc bệnh ung thư thì chi phí điều trị từ 400 triệu đến 1 tỉ đồng nhưng rồi vẫn chết trong đau đớn. Vì vậy, ngay bây giờ, người tiêu dùng nên để dành chi phí mua thực phẩm sạch và không nên so đo tại sao rau sạch mắc hơn rau chợ. Nếu khởi nghiệp kinh doanh thực phẩm sạch, khi liên kết với nông dân thì nên mua với giá cao hơn để khuyến khích bà con làm tốt và cho họ thấy sẽ mất mát nhiều hơn nếu làm gian dối.

Bà Trần Thanh Hà (tư vấn Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Great Việt Nam - thương hiệu rau sạch Vườn của mẹ):

Niềm tin là chưa đủ

Hiện nay, có rất nhiều nhóm tham gia chuỗi cung ứng nông sản sạch dựa trên cơ sở “niềm tin” mà thiếu quy trình rõ ràng để kiểm soát chất lượng. Từ đó, việc hợp tác chỉ suôn sẻ ở giai đoạn đầu với quy mô nhỏ. Đến khi thị trường lớn hơn thì gặp hàng loạt vấn đề về quản trị dẫn đến mâu thuẫn, chia rẽ nội bộ.

Theo tôi, cần có sự hợp tác 3 bên giữa nhà sản xuất - nhà khoa học và nhà kinh doanh trong chuỗi cung ứng. Ở đó, nhà khoa học sẽ đồng hành cùng nông dân trong cả quá trình sản xuất để bảo đảm sản phẩm đầu ra có chất lượng như yêu cầu của đơn vị kinh doanh. Nông dân tham gia chuỗi không lo về đầu ra mà chỉ tập trung sản xuất theo yêu cầu về chất lượng, số lượng của nơi tiêu thụ. Người tiêu dùng cũng được lợi vì có sản phẩm sạch, không gặp những mối nguy về hóa chất, vi sinh…

Vương Ngọc ghi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Ánh (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN