Lạm phát “rình rập” trở lại châu Á
Lạm phát tại khu vực châu Á hiện nhìn chung trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, giá cả trong khu vực này có thể sớm tăng trở lại, trong đó Ấn Độ và các quốc gia Đông Nam Á nằm trong diện dễ chịu tổn thương nhất.
Phát biểu trên kênh CNBC, chuyên gia kinh tế độc lập Andy Xie nhận định, mức tăng trưởng kinh tế yếu đã giữ lạm phát tại khu vực châu Á ở mức thấp, nhưng những tín hiệu về sự phục hồi kinh tế tại khu vực này đang gia tăng. Cùng với đó, chính sách tiền tệ nới lỏng chưa từng có tiền lệ của các ngân hàng trung ương trong 2 năm qua sẽ đẩy giá cả tăng cao hơn trong những tháng sắp tới, ông Xie cảnh báo.
“Với lượng cung tiền lớn, lạm phát là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Ấn Độ là nước dễ bị ảnh hưởng nhất, vì nước này không thể giải quyết được những ‘nút thắt cổ chai’ về nguồn cung. Các nước Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan cũng đối diện rủi ro tương tự”, ông Xie phát biểu.
Chuyên gia này dự báo, lạm phát tại Ấn Độ có thể lên mức 10%, còn tại khu vực Đông Nam Á, con số này sẽ vượt 5%. Ông Xie cũng dự báo lạm phát ở Trung Quốc sẽ tăng lên mức 4%, cao gấp đôi mức hiện tại.
Hiện đã có một số tín hiệu cho thấy, giá cả đã bắt đầu rục rịch tăng ở châu Á. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11/2012 đã tăng từ mức đáy của 33 tháng lên mức 2%. Các thống kê từ Thái Lan và Indonesia cũng cho thấy tốc độ lạm phát nhích lên trong tháng 12.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc trong tháng 11/2012 đã tăng từ mức đáy của 33 tháng lên mức 2%.
Lạm phát tại Ấn Độ đã trở thành vấn đề khiến Ngân hàng Trung ương nước này “đau đầu” trong năm ngoái và khiến họ không thể cắt giảm lãi suất mạnh tay để kích thích nền kinh tế đang trong trạng thái èo uột. Chỉ số giá bán buôn, thước đo lạm phát chính ở Ấn Độ, đã tăng 7,24% trong tháng 11 vừa qua so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Xie nhận định rằng, mức tăng trưởng GDP thấp hơn trung bình trên khắp khu vực châu Á là lý do chính khiến lạm phát tại đây giảm trong thời gian qua. Tuy nhiên, khi tăng trưởng kinh tế và tiền lương cùng trở nên cao hơn trong năm 2013 và 2014, giá cả tăng sẽ lại trở thành một vấn đề.
“Tôi cho rằng, trong năm tới, chúng ta sẽ nhìn thấy những rắc rối”, ông Xie phát biểu.
Tháng 12 vừa qua, Ngân hàng Thế giới (WB) đã tăng dự báo tăng trưởng GDP đối với Trung Quốc và các nước đang phát triển ở Đông Á. Theo đó, các nền kinh tế đang phát triển ở Đông Á có thể tăng trưởng 7,9% trong năm nay, từ mức dự báo tăng 7,6% đưa ra trước đó. Mức tăng này cao hơn so với mức tăng 7,2% mà khu vực đã đạt được trong năm 2012.
Một trong những hậu quả từ sự đi lên của giá cả sẽ là động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cũng như các ngân hàng trung ương ở châu Á như một sự tất yếu. Những động thái như vậy rốt cục có thể “chọc vỡ” bong bóng bất động sản vốn dĩ đã được thổi căng bởi môi trường lãi suất thất ở Singapore và Hồng Kông, ông Xie cảnh báo.
“FED về cơ bản đã vạch ra mức mục tiêu lạm phát 2,5%, nên khi lạm phát vượt quá mức này, họ sẽ phải giải thích nếu không tăng lãi suất”, ông Xie nói.
“Đối với Hồng Kông và Singapore, vấn đề đáng quan ngại nhiều đang là lãi suất. Tình hình này cũng tương tự như hồi năm 1998”, ông Xie nói thêm. Sự so sánh này của ông Xie liên tưởng tới bong bóng bất động sản vỡ tung ở thời kỳ đỉnh cao của cuộc khủng hoảng tài chính châu Á. Ông Xie nói thêm rằng, giá nhà ở hai thành phố nói trên có thể giảm một nửa nếu lãi suất tăng.
Giá nhà ở Singapore đã tăng 56% trong thời gian từ năm 2007 tới nay và hầu hết các nhà phân tích dự báo xu hướng tăng giá này sẽ tiếp tục trong năm nay trên cơ sở mức lãi suất cho vay mua nhà ở mức thấp.
Tại Hồng Kông, giá nhà đã tăng khoảng 20% trong năm 2012, sau khi tăng 60% trong thập kỷ qua. Sự leo thang của giá nhà tại vùng lãnh thổ này xuất phát từ mức lãi suất cho vay cầm cố nhà thấp kỷ lục và các dòng tiền đổ vào từ bên ngoài.